Tại Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 7, diễn ra vào ngày 24/11, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT cho biết, nếu như cách đây một năm, khi nói về trí tuệ nhân tạo (AI) thì giờ đây đã rất khác. Rất nhiều các nhà lãnh đạo nhất là với những người làm công nghệ đều choáng ngợp trước sự phát triển thần tốc.
“AI sẽ thống trị thế giới”, ông nói đồng thời nhấn mạnh, trong tương lai, những nhóm lao động chân tay sẽ bị máy móc và AI thay thế; còn những chuyên gia, nhà hoạch định với chi phí quá lớn sẽ bị Super AI thay thế.
Tuy nhiên, ông Tiến cũng cho biết vẫn còn rất nhiều công việc mà AI không thể thay thế được. Chẳng hạn như các công việc đòi hỏi kỹ năng cao như bác sĩ phẫu thuật, kỹ thuật cao; công việc liên quan đến tâm lý, hỗ trợ tinh thần bệnh nhân; công việc liên quan đến sáng tạo; các công việc mới được ưa chuộng trong tương lai.
Trong bối cảnh này, các nhà kinh doanh cần làm gì để tận dụng AI như một công cụ để tăng trưởng doanh thu? Ông Tiến cho rằng cần “siêu cá nhân hóa” đến từng khách hàng. Bởi ngày hôm nay không còn phân khúc khách hàng nữa, thậm chí khi hai khách hàng cùng sử dụng một sản phẩm, một dịch vụ nhưng lại có những trải nghiệm khác nhau.
“Điều này là rất bình thường”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh, đó là xu thế về bán hàng và marketing trong tương lai. Tất nhiên, để làm được hệ thống này thì tốn vô cùng nhiều tiền, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khi đó, họ phải chọn lựa cho mình một hệ sinh thái để cùng phát triển.
Vì vậy, khi công nghệ định vị và dự đoán hành vi con người tốt, ta càng cần phải ‘nhân bản’ hơn trong việc đưa sản phẩm của mình tới khách hàng. Nhưng để làm được điều đó, ông Tiến cho rằng cần phải hiểu trước, trong và sau khi mua sản phẩm khách hàng cần gì?
“AI sẽ tạo ra trải nghiệm con người nhất, và chỉ có AI mới làm ra được việc này”, ông Tiến nói. Bởi nếu vẫn sử dụng như cách cũ hiện nay, các doanh nghiệp chỉ có thể làm từng phân khúc khách hàng, còn đến từng khách hàng một thì chỉ có thể sử dụng AI.
Trong bối cảnh này, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học FPT cho rằng lãnh đạo các doanh nghiệp cần phải thay đổi, bởi khi nhìn lại lịch sử của loài người, chúng ta rất sợ thay đổi. Chính vì điều đó đã khiến rất nhiều doanh nghiệp vĩ đại đã sụp đổ vì các nhà lãnh đạo đó không dám thay đổi.
“Chúng ta làm sao để biến tất cả công cụ của AI trở thành phương tiện của mình. Nói cách khác là khiến những công nghệ đó không đe dọa được mình mà trở thành người phục vụ mình, ‘con sen’ của mình”, ông nói và cho rằng, với người lãnh đạo là phải hiểu biết về công nghệ; phải thực sự hiểu biết sâu sắc về con người và phải hiểu được trí tuệ nhân tạo sẽ làm gì trong tương lai.
Ông Lê Trí Thông, CEO, PNJ cho biết, PNJ có rất nhiều câu chuyện tự hào trong lịch sử và câu chuyện của PNJ trong những năm vừa qua là quên đi sự tự hào để chúng tôi học những thứ mới. Ví dụ, nếu chỉ dựa vào câu chuyện bàn tay của các nghệ nhân làm trang sức thì không có PNJ ngày hôm nay.
“Chúng tôi tự hào PNJ là thương hiệu được tin dùng, một thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao của 20 – 30 năm về trước, nhưng trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo thì chúng tôi cũng phải tự đổi mới để có những sự tự hào mới”, ông nói.
Đối với AI, ông Thông đặt vấn đề “ai sẽ đi đâu về đâu trên thế giới AI này vì không phải AI đều dành cho tất cả, ngay cả những người đang nắm giữ AI hiện giờ cũng có khả năng rớt lại trong chính cuộc đua đó”.
Do đó, PNJ hiện vẫn đang nhìn rất kỹ lưỡng, hiểu chúng tôi là ai và ai sẽ là đối tác đi cùng PNJ.
Chia sẻ thêm về chiến lược áp dụng trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học FPT, ông Hoàng Nam Tiến cho biết trước đây, nền giáo dục của ta dựa trên nền giáo dục một chiều: thầy giảng - trò ghi chép.
Nhưng hiện tại, giáo dục ngày này gồm 5 chiều. Đầu tiên vẫn là học thầy, bởi “Không thầy đố mày làm nên” - điều đó luôn đúng. Nhưng thầy ngày hôm nay đã khác thầy ngày xưa. Thầy ngày hôm nay có thể là sếp của mình. Ông ấy rất giỏi về lĩnh vực chuyên môn, ông ấy có bao nhiêu năm kinh nghiệm, có nhiều trải nghiệm xương máu... Cái đó không AI nào có thể thay thế được. Vậy thì hãy học từ sếp, học từ các Guru - tôi hay gọi là học từ những người giỏi nhất thế giới.
Thứ hai là học tập từ những người bạn của mình. Những bạn bè mình trên từng lĩnh vực, chúng ta hãy học từ những người đó.
Thứ ba là học tập ở những người trẻ tuổi. “Người trẻ hơn bây giờ họ có quá nhiều thứ mà mình không biết. Điều này khác hẳn quan điểm trước đây là cứ già hơn là hiểu biết hơn. Thầy của tôi mới nhất chỉ 22 tuổi, dạy tôi về sử dụng AI, ông nói.
Thứ tư là tự học. Ông Tiến cho rằng, đây là điều hiển nhiên. Giờ phải thêm một điều nữa là tự huấn luyện. Bởi ai cũng biết là học không dẫn đến thành công, chỉ có làm mới dẫn đến hy vọng thành công.
Và cuối cùng là học AI. “Bây giờ AI trở thành người thầy vĩ đại của tất cả mọi người. Cần thông tin gì đều có ngay lập tức. Tất nhiên, kèm theo những kiến thức ấy là những trải nghiệm, là cảm xúc, là những xương máu, mồ hôi thì AI không có”, ông Tiến nhìn nhận.
VSM Camp và CSMO Summit 2023 được tổ chức nhằm mục tiêu đồng hành cùng những người hoạt động trong lĩnh vực sales, marketing và truyền thông cũng như các chủ doanh nghiệp tự tin đón đầu xu thế AI cũng như ứng dụng chúng trong các chiến lược tăng trưởng doanh thu. Sự kiện xoay quanh 12 đề tài lớn, bao gồm: AI thay đổi marketing và sales như thế nào?; Khi con người và AI phối hợp nên kỷ nguyên sáng tạo mới; Workshop: Ứng dụng Chat GPT và Al trong xây dựng nội dung; Hấp thụ KOC: Bán hàng thông minh; Văn hóa chăm sóc: Biến mọi nhân viên thành người bán hàng xuất sắc; Nâng tầm doanh nghiệp bằng trải nghiệm khách hàng và dịch vụ xuất sắc; Lôi kéo khách hàng làm truyền thông marketing; Agility: Chiến lược tốc độ thích ứng; Quản trị sự mong đợi của khách hàng; B2B marketing trong kỷ nguyên Al; Tăng tốc kết nối với khách hàng; “Phục hồi và tái tạo” để tăng trưởng doanh nghiệp.