Thói quen người tiêu dùng đang thay đổi
Đây là nội dung được hầu hết các doanh nghiệp quan tâm trong Hội thảo “Cần làm gì trước xu hướng tiêu dùng sản phẩm tốt cho sức khỏe hậu đại dịch” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội HVNCLC) tổ chức ngày 17/6.
Theo bà Nguyễn Cao Ngọc Dung, quản lý cấp cao tại NielsenIQ Việt Nam, đại dịch Covid- 19 đã khiến xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có yếu tố sức khỏe trở nên vượt trội.
Để phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng, ngành FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) đẩy mạnh sử dụng nhựa tái chế, bao bì tái chế và tự phân hủy, thay đổi theo hướng bền vững. Một số nhãn hàng cũng đang có lộ trình cụ thể cho việc chuyển bao bì hiện nay sang các dạng bao bì có yếu tố thân thiện với môi trường.
Ông Trần Việt Anh, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, trong năm qua Việt Nam nhập khẩu 7,5 triệu tấn nhựa, bao bì chiếm hơn 37%, riêng bao bì không tự hủy chiếm hơn 1 triệu tấn.
Bao bì tự hủy là hướng tái chế mang tính tương lai, không chỉ doanh nghiệp mà người tiêu dùng cũng đang hướng đến điều này. Hình dáng túi tái chế không đẹp, không thu hút nhưng đây lại là sản phẩm được các doanh nghiệp nước ngoài lựa chọn và mua với giá cao hơn 10-20% so với túi chính phẩm.
Ở lĩnh vực nước uống, ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng Kỹ thuật & Quản đốc sản xuất công ty Cổ phần nước Hoàng Minh cho biết, xu hướng phát triển về thực phẩm tốt cho sức khỏe hiện nay đã tạo điều kiện cho sản phẩm nước uống I-on Life phát triển, thay đổi dần quan điểm của người tiêu dùng về nước uống chỉ cần sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Giá thành gây khó cho doanh nghiệp sản xuất.
Theo Hội HVNCLC, người tiêu dùng sẽ ủng hộ hơn với sản phẩm có tính bền vững nhưng người tiêu dùng cũng nhạy cảm hơn về giá, nên là một trong những vấn đề đau đầu đối với các doanh nghiệp.
Chưa nói chuyện giá sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe cao hơn hàng thông thường mà ngay cả chuyện nhỏ nhất là bao bì theo xu hướng mới cũng làm doanh nghiệp đau đầu.
Theo đại diện Công ty TNHH TMSX Hải Nam, doanh nghiệp đang kinh doanh hải sản nhưng còn gặp lúng túng khi mới đây 1 siêu thị yêu cầu làm nhãn riêng cho sản phẩm với bao bì thân thiện môi trường. Trong khi đó ngành thủy sản đông lạnh hiện đang sử dụng chủ yếu bao PA và giấy xốp, đây là 2 loại không tái chế được. Doanh nghiệp này hiện vẫn tìm kiếm bao bì có thể tái chế và giá thành phù hợp để thu hút người tiêu dùng và doanh nghiệp phân phối.
Ông Trần Việt Anh, Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Nam Thái Sơn cho biết, hiện tại, Việt Nam hiện nằm trong top 3 nước xuất khẩu thủy, hải sản lớn nhất thế giới, cạnh tranh về thủy hải sản thì trong đó có cạnh tranh về bao bì rất nhiều. Trong khi đó, vấn đề bao bì tái chế phụ thuộc hoàn toàn vào khách hàng bởi nó mang tính đại trà và khi khách hàng chấp nhận được thì doanh nghiệp có thể thay đổi bao bì khi đây là vấn đề liên quan đến giá thành.
“Đây là nguy cơ lớn khi chúng tôi – những người theo đuổi sản xuất túi tự hủy. Chúng tôi gửi mẫu qua các phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn của thế giới và các phòng thí nghiệm ở Châu Âu. Mỗi mẫu để thí nghiệm cần đến 1-2 tỷ đồng và chờ 24 tháng cho đến khi mẫu đó tự hủy hoàn toàn. Do đó khi chạy các sản phẩm này chúng tôi rất tốn kém về thí nghiệm và các nguyên liệu tự hủy”, ông Anh nói và cho biết thêm, khi làm túi tự hủy thì giá thành sản phẩm tăng lên 15-20, trong khi người tiêu dùng quan tâm đến giá rẻ chứ không quan tâm đến vấn đề tự hủy hay không tự hủy.
Để gợi ích cho doanh nghiệp về hướng sản xuất sản phẩm tốt cho sức khỏe, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội HVNCLC chia ra 2 giải pháp chính để doanh nghiệp có thể lựa chọn. Thứ nhất, doanh nghiệp cần tái cấu trúc hoạt động sản xuất, phải kiểm tra bộ máy, quy trình sản xuất, hiệu năng của thiết bị để đi đến giá thành tối ưu. Thứ 2, cần liên kết với nhau giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam để tìm ra nhiều cách kết hợp với nhau, giảm giá thành sản phẩm.
Sản phẩm tốt cho sức khỏe sẽ là một trong những xu hướng trong tương lai, tuy nhiên, ngoài trông chờ vào Chính phủ thì các doanh nghiệp cũng cần chung tay với hiệp hội các nhãn hàng để tác động đến người tiêu dùng, việc giải quyết khó khăn của nhãn hàng cũng phải cần thời gian lâu dài.