Doanh nghiệp cần chung tay với Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
Sau khi hỏi Chính phủ có gói hỗ trợ doanh nghiệp thế nào, thì cũng phải hỏi doanh nghiệp cần thay đổi ra sao để tăng sức chống chịu, tăng thế chủ động trong phòng, chống, vượt qua dịch bệnh.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ quan điểm về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh.

Diễn biến dịch bệnh tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh, Bắc Giang và những điểm dịch khác vẫn rất phức tạp, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế năm nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.

Còn quá sớm để đưa ra những nhận định về tác động của đợt dịch này đến nền kinh tế, nhưng tôi muốn nhắc đến một dẫn chứng để thấy tác động là không nhỏ. Đó là 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất siêu 1,29 tỷ USD, nhưng chỉ sau 2 tuần đầu tháng 5/2021, tình hình đã ngược lại, nền kinh tế nhập siêu khoảng 350 triệu USD.

Câu chuyện ở đây không chỉ là tác động của dịch bệnh, mà còn là cảnh bảo về sự phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), về đòi hỏi cần phải có chính sách thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong các ngành công nghiệp, thúc đẩy sự hình thành của các tập đoàn kinh tế quy mô lớn của Việt Nam...

Vậy trong bối cảnh này, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hay không?

Không phải cần có, mà là đã có và với tinh thần rất khác so với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp được giữ nguyên nhóm nợ đến năm 2023, nghĩa là khi có đơn hàng mới, có thể tiếp tục vay vốn. Với các doanh nghiệp đang đón sự mở cửa trở lại của EU (dự kiến vào tháng 7/2021), Mỹ..., thì đây là sự hỗ trợ phù hợp.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP quy định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động tiêu cực bởi Covid-19, với thời hạn đến cuối năm 2021.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với những yêu cầu, nguyên tắc rõ ràng, phân giao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc sử dụng nguồn vốn này, giảm tình trạng đầu tư trải mành mành... Thực hiện được rốt ráo Chỉ thị này, tác động sẽ rất lớn.

Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được chuyển từ ngắn hạn sang trung hạn, đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch phục hồi... Năm ngoái, thời hạn của chính sách ngắn, chỉ khoảng 3 tháng, rồi lại kéo dài thêm 3 tháng..., khiến doanh nghiệp khó dự liệu.

Tuy nhiên, vẫn còn chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp đang chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn tất phương án để trình Chính phủ.

Lần này, quan điểm của chúng tôi là cần điều kiện tiếp cận phù hợp, thực tế hơn, như làm rõ điều kiện, mức hỗ trợ của người dân, người lao động, doanh nghiệp trong vùng cách ly so với các vùng khác...

Về dài hạn, cần các chính sách thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng suất, doanh nghiệp lớn lên, tham gia các ngành, lĩnh vực mà nền kinh tế đang cần để thực hiện được kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng... Chúng tôi đang đề xuất những cách thức để các dự án đầu tư công, các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách không chỉ kích hoạt các dòng đầu tư tư nhân, mà còn tạo điều kiện, cơ hội cho sự lớn lên, hiệu quả hơn của doanh nghiệp Việt Nam, gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước...

Nhưng cho dù thế nào thì lúc này, doanh nghiệp đang rất khó khăn...?

Doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi, đổi mới phương thức quản trị, phương thức hoạt động, chung tay với Chính phủ, chính quyền địa phương trong phòng chống dịch, chứ không chỉ kêu ca hay chờ đợi sự hỗ trợ.

Khi chúng tôi cùng với Hiệp hội Dệt may Việt Nam đối thoại với doanh nghiệp dệt may, chỉ trong nửa tiếng, có doanh nghiệp đã lên ngay phương án tổ chức lại sản xuất, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực trong trường hợp có người nhiễm virus.

Chẳng hạn, trong mỗi nhà máy có thể có nhiều dây chuyền với một số lượng công nhân. Trước đây, việc sắp xếp công nhân có thể chỉ dựa vào tay nghề, năng lực. Nhưng hiện tại, việc sắp xếp này cần thêm điều kiện công nhân ở gần nhau, trong phạm vi một thôn, xã sẽ làm cùng một dây chuyền. Như vậy, khi có F0 hoặc F1, việc khoanh vùng, tạm dừng được thực hiện ngay lập tức, mà không ảnh hưởng đến dây chuyền khác. Cách này cũng hỗ trợ chính quyền địa phương nhanh chóng truy vết.

Theo quan điểm của tôi, đây là việc các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm các cách thức, giải pháp tổ chức sản xuất mới, thay đổi quản trị doanh nghiệp để phù hợp với tình hình.

Tất nhiên, việc này có thể làm ngay với doanh nghiệp này, nhưng với doanh nghiệp khác cần tăng thêm chi phí đào tạo, thay đổi dây chuyền, cơ cấu lại hoạt động...

Đây cũng là cách ứng xử mà các doanh nghiệp không trong vùng dịch phải tính đến trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, khi chúng ta chưa có đủ vắc-xin và khi dịch bệnh có thể không biến mất hoàn toàn...

Hơn thế, đây là trách nhiệm của cả doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Khánh An ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục