Xuất khẩu tích cực
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 11/2017 tiếp tục tăng trưởng 11%, ước đạt 733 triệu USD. Tính đến hết tháng 11/2017, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 7,6 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2017 sẽ cán đích với khoảng 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016. Trong đó xuất khẩu cá tra 11 tháng qua đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo sẽ cán đích với gần 1,8 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2016. Trung Quốc vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam.
Hiện nay, trên sàn niêm yết có khoảng 5 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra với những cái tên nổi bật như CTCP Vĩnh Hoàn (VHC), CTCP Hùng Vương (HVG), CTCP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI), CTCP Nam Việt (ANV), CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF…
Trong đó, ngoại trừ giá cổ phiếu của 2 “ông lớn” trong ngành là VHC, HVG chủ yếu đi ngang, các cổ phiếu còn lại đều đạt mức tăng ấn tượng, thậm chí có cổ phiếu giúp nhà đầu tư “hưởng gấp mấy lần” như ANV tăng gần 5 lần, IDI tăng gấp 2,3 lần so với mức giá đầu năm.
Sự phân hóa này đến từ câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp. Chẳng hạn, việc Trung Quốc vượt Mỹ, vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khiến IDI ghi nhận doanh thu và lợi nhuận vượt trội sau 9 tháng. Theo ông Trương Công Khánh, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính IDI, Trung Quốc là một trong những thị trường truyền thống mà Công ty đã xây dựng trong nhiều năm qua và có giá trị xuất khẩu đóng góp đáng kể vào doanh thu chung.
Không riêng IDI, sự tăng trưởng nhu cầu của thị trường Trung Quốc cũng là “bệ đỡ” cho hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành, bởi đây không phải là thị trường quá “khắt khe” như Mỹ hay châu Âu.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Nam Việt (ANV) cho rằng, thị trường Trung Quốc tuy tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây nhưng thực tế, tỷ lệ nhập qua đường tiểu ngạch tại thị trường này còn khá cao. Đây cũng là yếu tố khiến nhiều người tiêu dùng quan ngại về việc kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu trong tương lai.
Khó bài toán “con giống”
Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu có diễn biến tích cực, theo chia sẻ của một số chủ doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, câu chuyện khó của ngành năm nay xuất phát từ khâu “con giống”. Cụ thể, thời tiết diễn biến bất lợi khiến con giống bị đứt giống, tỷ lệ cá giống sống sót sau sinh cũng giảm mạnh. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cá tra vẫn đang phải mua cá giống từ bên ngoài.
“Nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu hiện rất lớn. Bắt đầu từ tháng 9, giá cá tra xuất khẩu đã theo xu hướng tăng, từ 1,9 - 2,0 USD/kg lên 2,6 USD/kg. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dù có đơn hàng vẫn không dám ký hợp đồng, nguyên nhân nằm ở con giống. Với tổng vùng nuôi hơn 250 ha, nếu như trước đây, Công ty thả mỗi đợt 20 triệu con giống thì hiện tại, phải tăng lên hơn 45 triệu con để đảm bảo tỷ lệ hao hụt”, ông Nhứt cho biết.
Hiện nay, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 100 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra và gần 1.900 hộ ươm dưỡng cá giống với diện tích khoảng 1.500 hecta; sản lượng cá bột sản xuất ước đạt hơn 16 tỷ con/năm, tập trung ở các địa phương như: Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… Trong đó An Giang là tỉnh sản xuất và cung ứng cá tra giống chủ yếu của khu vực với 1,5 đến 4 tỷ con/năm.
Nguồn cung cá giống khan hiếm đã đẩy giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng cao, bình quân khoảng 28.500 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, xu hướng tăng giá sẽ tiếp tục kéo sang năm 2018.
Trong bối cảnh này, một số doanh nghiệp đã xác định hướng đi riêng để hướng tới sự phát triển. Theo đó, lãnh đạo VHC từng chia sẻ, Công ty sẽ sớm đầu tư nghiên cứu, cải thiện đội ngũ nhà khoa học để có thể cho ra nguồn cá giống trái vụ, chống chọi bệnh tật tốt hơn. Trong khi đó, những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như ANV lựa chọn con đường kiểm soát chi phí nội tại doanh nghiệp.