Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong tháng 4/2025 (tính từ đầu tháng đến ngày công bố thông tin 26/04/2025), có 17 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận với tổng giá trị khoảng 30.217 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày công bố thông tin (26/4), tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 55.321 tỷ đồng, với 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.104 tỷ đồng (chiếm 49% tổng giá trị phát hành) và 17 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.217 tỷ đồng (chiếm 51% tổng số).
Động lực tăng trưởng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2025 vẫn đến từ nhóm ngân hàng, với nhiều thương vụ phát hành lớn như Techcombank (tổng 4 đợt với 8.700 tỷ đồng), hay VietinBank (3.000 tỷ đồng), MSB (3 đợt với 4.000 tỷ đồng). Tuy vậy, điểm mới đáng chú ý là nếu như trong 3 tháng đầu năm, 100% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đều thuộc lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán thì sang tháng 4/2025 đã chứng kiến sự quay lại của doanh nghiệp bất động sản.
Cụ thể, trong tháng 4/2025, có 3 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị phát hành 10.000 tỷ đồng. Trong đó có 2 đợt phát hành riêng lẻ của Vingroup với tổng giá trị phát hành 7.000 tỷ đồng và một đợt phát hành của Công ty cổ phần Tư vấn và kinh doanh bất động sản TCO với tổng giá trị phát hành 3.000 tỷ đồng. Trái phiếu riêng lẻ do Vingroup phát hành đang có lãi suất hấp dẫn nhất thị trường (12%/năm).
Ngoài trái phiếu bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 4 cũng ghi nhận sự xuất hiện của trái phiếu sản xuất, dù giá trị còn khiêm tốn. Theo đó, Công ty TNHH Truyền dẫn nước sạch Xuân Mai - Hà Nội đã phát hành thành công lô trái phiếu XMH12501 với giá trị 317,2 tỷ đồng, kỳ hạn 20 năm, với lãi suất cố định chỉ 5,75%/năm.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 34.333 tỷ đồng, giảm 5.4% so với năm 2024. Bất động sản là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 39,7% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 13.631 tỷ đồng). Trong phần còn lại của năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 165.640 tỷ đồng trong đó hơn 53 thuộc nhóm bất động sản.
Theo nhận định của VNDIRECT, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2025 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhiều khả năng tín dụng có thể bắt đầu tăng tốc từ quý II/2025 cho đến hết năm, dẫn tới nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng trong các quý còn lại của năm 2025 sẽ tăng lên.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với kỳ hạn dài như đã thực hiện trong năm 2024 không chỉ giúp các ngân hàng gia tăng vốn huy động, mà còn giúp các ngân hàng tăng tỷ lệ nguồn vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo đủ tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do đó nhiều khả năng bắt đầu từ quý II/2025 nhóm Ngân hàng sẽ tích cực phát hành trái phiếu trở lại.
Dù việc phát hành mới nhộn nhịp hơn song áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn rất lớn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản. Ông Nguyễn Bá Khương, Khối phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, tính đến ngày 15/4/2025, đã có hơn 90 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của hơn 90 doanh nghiệp này là khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.