Vị thế tài sản trú ẩn an toàn nhất thế giới của trái phiếu kho bạc Mỹ gặp thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước cú sốc cuộc chiến thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ vốn từ lâu đã được xem là tài sản trú ẩn an toàn của thế giới.
Vị thế tài sản trú ẩn an toàn nhất thế giới của trái phiếu kho bạc Mỹ gặp thách thức

Không có nhiều điều chắc chắn trong thế giới tiền tệ, nhưng theo truyền thống, trái phiếu kho bạc Mỹ là một trong số đó. Các nhà đầu tư thường mua trái phiếu kho bạc Mỹ với giả định rằng, dù có chuyện gì xảy ra thì chính phủ liên bang sẽ tồn tại và bảo vệ các khoản nợ của mình, khiến chúng trở thành tài sản được xem là an toàn nhất.

Tuy nhiên, sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu vào tuần trước đã cho thấy mức độ mà Tổng thống Donald Trump đã làm lung lay niềm tin vào truyền thống cơ bản đó, thách thức sự vững chắc của nợ chính phủ Mỹ. Cuộc chiến thương mại đã làm dấy lên viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng thời làm tổn hại đến uy tín của Mỹ với tư cách là người quản lý có trách nhiệm của hòa bình và thịnh vượng.

Sự xói mòn niềm tin vào sự quản lý của nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như được xem một phần nguyên nhân dẫn đến đợt bán mạnh trên thị trường trái phiếu trong những ngày gần đây. Khi một lượng lớn nhà đầu tư bán ra trái phiếu cùng một lúc, điều đó buộc chính phủ phải đưa ra mức lãi suất cao hơn để thu hút những người khác mua trái phiếu. Điều đó có xu hướng đẩy lãi suất trên toàn nền kinh tế lên cao, làm tăng các khoản thanh toán thế chấp, vay mua ô tô và số dư thẻ tín dụng.

Tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng vọt lên khoảng 4,5% từ mức dưới 4%, đây là mức tăng đột biến nhất trong gần 25 năm. Đồng thời, giá trị của đồng đô cũng sụt giảm ngay cả khi thuế quan thường được kỳ vọng sẽ đẩy đồng đô la tăng giá.

Bên cạnh đó, các quỹ đầu cơ và các tổ chức tài chính khác đã bán trái phiếu kho bạc nhằm kiếm lợi nhuận từ khoảng cách giữa giá trái phiếu hiện tại và giá trị đặt cược vào giá trị tương lai của chúng. Các quỹ đầu cơ đã bán ra trái phiếu để ứng phó với các khoản lỗ từ thị trường cổ phiếu lao dốc, tìm cách tích lũy tiền mặt để ngăn chặn tình trạng mất khả năng thanh toán.

Khi một lượng lớn nhà đầu tư bán trái phiếu, điều đó buộc chính phủ phải đưa ra mức lãi suất cao hơn để thu hút những người khác mua trái phiếu. Và điều đó có xu hướng đẩy lãi suất lên trên toàn bộ nền kinh tế.

Trong nhiều năm, các nhà kinh tế đã lo ngại về sự sụt giảm đột ngột trong mong muốn mua và nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ của người nước ngoài, dẫn đến sự gia tăng mạnh và bất ổn trong lãi suất của Mỹ. Theo nhiều dấu hiệu, thời điểm đó có thể đang diễn ra.

Một lý do có vẻ là việc vị thế của Mỹ trong tài chính toàn cầu đang giảm xuống, từ nơi trú ẩn an toàn thành nguồn biến động và nguy hiểm.

Mark Blyth, một nhà kinh tế chính trị tại Đại học Brown cho biết, trái phiếu kho bạc đã thoái hóa từ tài sản bất biến thông tin (các khoản đầu tư vững chắc bất kể tin tức) thành tài sản rủi ro dễ bị bán ra khi nỗi sợ hãi chiếm lĩnh thị trường.

Chính quyền Tổng thống Trump đã ủng hộ thuế quan với quan điểm đưa việc làm sản xuất trở lại Mỹ, khẳng định rằng giai đoạn hỗn loạn ngắn hạn sẽ được theo sau bởi lợi nhuận dài hạn. Nhưng như hầu hết các nhà kinh tế mô tả, thương mại toàn cầu đang bị phá hoại và cách thức hỗn loạn mà thuế quan được quản lý đã làm suy yếu niềm tin vào hệ thống của Mỹ.

Trong khi đó, vì Mỹ từ lâu đã đóng vai trò là nơi trú ẩn an toàn của nền kinh tế toàn cầu, nên chính phủ đã tìm được người mua trái phiếu đáng tin cậy với lãi suất thấp hơn. Điều đó đã kéo giảm chi phí thế chấp, số dư thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô. Và điều đó đã cho phép người tiêu dùng Mỹ chi tiêu thoải mái. Đồng thời, người nước ngoài mua tài sản bằng đô la đã đẩy giá trị đồng đô la lên cao, khiến các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn khi tính theo đô la.

Những người chỉ trích từ lâu đã lập luận rằng mô hình này vừa không bền vững, vừa mang tính hủy diệt. Dòng tiền nước ngoài đổ vào tài sản bằng đô la đã cho phép người Mỹ thỏa sức mua hàng nhập khẩu (một lợi ích cho người tiêu dùng, nhà bán lẻ và nhà tài chính), trong khi lại hy sinh việc làm trong ngành sản xuất trong nước.

"Vai trò của đồng đô la là tiền tệ an toàn chính đã khiến Mỹ trở thành tác nhân chính gây ra sự bóp méo kinh tế toàn cầu", nhà kinh tế Michael Pettis cho biết.

Nhưng các nhà kinh tế có xu hướng theo quan điểm đó thường đưa ra một quá trình điều chỉnh dần dần, với việc chính phủ áp dụng chính sách công nghiệp để khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp mới. Nhưng việc khuyến khích ngành công nghiệp Mỹ đòi hỏi phải đầu tư, mà Tổng thống Trump đã cảnh báo các công ty rằng cách duy nhất để tránh thuế quan của ông là thành lập các nhà máy tại Mỹ, đồng thời nâng chủ nghĩa bảo hộ thương mại lên mức chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ.

Hậu quả tức thời của lãi suất cao hơn đối với trái phiếu Mỹ là sự gia tăng số tiền mà chính phủ liên bang phải trả cho các chủ nợ để duy trì các khoản nợ hiện tại. Điều đó cắt giảm các quỹ có sẵn cho các mục đích khác.

Những tác động rộng hơn khó dự đoán hơn, nhưng có thể di căn thành suy thoái. Nếu các hộ gia đình buộc phải trả nhiều tiền hơn cho các khoản thế chấp và hóa đơn thẻ tín dụng, họ có thể sẽ hạn chế chi tiêu, đe dọa các doanh nghiệp lớn và nhỏ. Khi đó, các công ty sẽ từ bỏ việc tuyển dụng và mở rộng.

Sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu đồng thời là một chỉ báo cho thấy các nhà đầu tư nhìn thấy dấu hiệu của kịch bản tiêu cực này đang diễn ra, và bản thân nó là nguyên nhân gây ra sự khốn khổ trong tương lai thông qua lãi suất vay cao hơn.

Trong nhiều năm, những người nước ngoài nắm giữ trái phiếu Mỹ đã tìm cách đa dạng hóa sang các kho lưu trữ khác để tiết kiệm. Tuy nhiên, đồng đô la và trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn duy trì vị thế là tài sản lưu trữ cuối cùng.

Trong khi đó, đồng euro dường như đang được nâng cao như một phần của lĩnh vực tài chính toàn cầu. Nhưng sự miễn cưỡng của Đức trong việc phát hành trái phiếu chính phủ đã hạn chế khả năng tiếp cận trái phiếu cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm một nơi khác để gửi tiền tiết kiệm.

Nhưng điều đó giờ đây có thể thay đổi. "Nếu người châu Âu quyết định phát hành trái phiếu ‘lành mạnh', thế giới có thể sẽ tham gia vào", nhà kinh tế học Mark Blyth cho biết.

Duy Bắc
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục