Doanh nghiệp bất động sản “nghẹt thở” vì áp lực vốn

(ĐTCK-online) Bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, nếu không có giải pháp tháo gỡ, thì có thể sẽ có không ít doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) bị phá sản.
DN BĐS cần tăng cường huy động vốn từ nhiều nguồn. DN BĐS cần tăng cường huy động vốn từ nhiều nguồn.

Đến thời điểm này, kỳ vọng của các DN BĐS rằng thị trường BĐS sẽ sớm hồi phục chưa thành hiện thực. Diễn biến thị trường BĐS chưa có dấu hiệu sáng sủa, khách hàng vẫn vắng và nhiều dự án BĐS “án binh bất động”. Trong khi đó, hàng tháng, các DN phải trả lãi vay ngân hàng, chi phí duy trì bộ máy…

Để vượt qua khó khăn, các DN đã sử dụng nhiều biện pháp như cắt giảm chi tiêu,  cho nhân viên nghỉ việc, thu hẹp mặt bằng văn phòng… Giám đốc kinh doanh Công ty Địa ốc H.L cho biết, từ tháng 7/2008, H.L buộc phải cho 50 nhân viên tạm nghỉ việc. Tương tự, vào đầu tháng 8/2008, một công ty môi giới BĐS có tên tuổi ở TP.HCM cũng quyết định cho 70% nhân viên nghỉ việc để giảm chi phí.

Ông Nguyễn Quang Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển địa ốc Sài Gòn Xanh cho rằng, hầu hết các DN kinh doanh BĐS đều phải sử dụng vốn vay ngân hàng, song thực tế hiện nay, ít có DN nào tiếp cận được nguồn vốn vay này. Trong khi đó, khách hàng mua BĐS thì vắng bóng, còn giá vật liệu xây dựng lại tăng cao…, nên phần lớn các DN chọn giải pháp… ngồi chơi xơi nước. Nếu tình trạng này kéo dài thì DN BĐS có nguy cơ bị phá sản cao.

Để giải cứu các DN trong cơn “khát” vốn, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp, như yêu cầu DN thực hiện việc liên doanh, liên kết, hướng đến phân khúc nhà ở có giá từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng… Theo ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính và BĐS, để phát triển thị trường BĐS vững chắc, không chỉ cần tới vai trò của ngân hàng cùng với giải pháp nới rộng tín dụng, mà cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía. Theo đó, trước mắt, cần tăng nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại vào thị trường BĐS có kiểm soát theo lãi suất thị trường. Về lâu dài, phải tạo các nguồn vốn đa dạng và ổn định, phát triển mạnh các nguồn vốn như vốn phát hành của công ty BĐS để đảm bảo đủ năng lực về vốn phát triển dự án, vốn trái phiếu dự án để bổ sung tín dụng từ ngân hàng, vốn từ Quỹ đầu tư BĐS, vốn từ Quỹ thế chấp BĐS…

TS. Trần Kim Chung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cũng cho rằng, để có vốn, DN cần tăng cường huy động vốn từ nhiều nguồn; đẩy mạnh hoạt động liên doanh - liên kết - hợp tác, kể cả với nhà đầu tư nước ngoài, để duy trì và triển khai dự án.

Tuy nhiên, theo các DN, việc kêu gọi, chào mời các đối tác để chuyển nhượng hoặc liên kết đầu tư vào các dự án gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Quang Trung cho biết, thời gian qua, ông đã tiếp nhiều đối tác trong và ngoài nước để thực hiện việc liên doanh, liên kết, nhưng kết quả vẫn chưa đến đâu. Lý do là các đối tác nước ngoài khi đàm phán về chuyển nhượng dự án đưa ra yêu cầu mà rất ít dự án BĐS đáp ứng được là dự án phải hoàn chỉnh về mặt thủ tục pháp lý, như phải có “sổ đỏ”, phải được phê duyệt quy hoạch với tỷ lệ 1/500… Cũng có một số đối tác là DN trong nước “dễ tính” hơn, nhưng lại không có vốn.

Theo ý kiến chung của các DN BĐS, giải pháp trước mắt để cứu họ là ngân hàng nên nới lỏng việc cho vay và giảm lãi suất cho vay. Mặt khác, quy định trong Luật Nhà ở buộc DN phải xây xong phần móng mới được huy động vốn là quá khắt khe, vì chi phí xây phần móng quá lớn, nên ít DN đủ sức triển khai dự án. Vì vậy, nên cho DN được huy động vốn khi dự án có “sổ đỏ” và được phê duyệt 1/500.

Châu Kỳ
Châu Kỳ

Tin cùng chuyên mục