Doanh nghiệp bất động sản chọn pháp lý, pháp lý và pháp lý

Pháp lý, pháp lý, pháp lý đang thay chỗ cho vị trí, vị trí, vị trí trong các yếu tố quyết định lựa chọn dự án đầu tư của giới đầu tư bất động sản.
Tọa đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam  và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức, lấy ý kiến kiên nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thời Covid-19 Tọa đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức, lấy ý kiến kiên nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thời Covid-19

Vị trí vàng cũng lỗ nếu không xong thủ tục

Là một trong những doanh nghiệp bất động sản sở hữu nhiều khu đất vàng, kín tiếng trên truyền thông, nhưng lần này ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã quyết định lên tiếng.

“Bất động sản có phụ thuộc vào vị trí không? Có, nhưng dù vị trí vàng thì để không 15 năm cũng lỗ vốn. Nên giờ thì vị trí và pháp lý phải song hành”, ông Dũng nói tại Tọa đàm “Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới” chiều ngày 6/6/2020.

Đây không phải là ý kiến riêng của ông Dũng.Việc sở hữu lô đất vàng, nhưng 14 năm nay chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để được khởi công cũng không phải chỉ Tân Hoàng Minh mới đối mặt.

Hàng trăm dự án bất động sản không thể triển khai, bị ách lại giữa chừng... bởi vướng mắc thủ tục hành chính, các vấn đề pháp lý cũng như bị đình trệ bởi sự chồng lấn, không rõ ràng trong hệ thống văn bản liên quan đến bất động sản đang là nỗi ám ảnh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. 

Doanh nghiệp bất động sản chọn pháp lý, pháp lý và pháp lý ảnh 1

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC: "Có cảm giác các cơ quan quản lý ngại mang tiếng ủng hộ doanh nghiệp bất động sản"

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC thẳng thắn cho rằng, thực trạng khó khăn trong thực hiện các thủ tục pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp e dè với các quyết định đầu tư dự án bất động sản.

“Trong 2 năm gần đây, tôi đặc biệt quan tâm đến các yếu tố pháp lý trong lựa chọn dự án bất động sản. Chúng tôi đã từng xây dựng FLC Sầm Sơn, FLC Quy Nhơn trong 11 tháng, vừa hoàn tất thủ tục pháp lý, vừa xây dựng. Nhưng hiện tại, thời gian hoàn tất thủ tục pháp lý là 3 năm, nếu thuận lợi. Đó là chưa kể các địa phương có cách xử lý khác nhau, nhiều khi lại thay đổi quyết định của chính mình, nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm theo", ông Quyết nói. 

Theo thống kê từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ riêng 5 bộ luật  liên quan đến bất động sản, gốm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đã có 25 vấn đề vướng mắc, chồng chéo. Nhưng chưa có thống kê nào từ các văn bản dưới luật.

"Có thể, vướng mắc lên tới hàng ngàn", bà Bùi Kim Thùy, Trưởng đại diện Hội đồng kinh doanh ASEAN- Hoa Kỳ nhận định.

Khó mời các nhà hoạch định chính sách bàn tháo gỡ

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn TCC tính toán, nếu gỡ được các dự án đang bị ách tắc, đang triển khai dở dang, nguồn vốn lưu thông vào nền kinh tế cũng tới hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản chọn pháp lý, pháp lý và pháp lý ảnh 2

Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phó chủ tịch Tập đoàn TCC: Đề nghị lập các tổ công tác đặc biệt,để giải quyết, tháo gỡ, trước mắt là một vài dự án...

“Chúng tôi đề nghị lập các tổ công tác đặc biệt,để giải quyết, tháo gỡ, trước mắt là một vài dự án, để lưu thông dần nguồn lực vào thị trường. Chính phủ đã có giải pháp kích đầu tư công, cũng cần kích cả đầu tư tư nhân”, ông Hồng Anh đề xuất.

Tuy nhiên, có vẻ như kinh doanh bất động sản đang không nằm trong thứ tự ưu tiên của giới hoạch định chính sách, nhất là trong giai đoạn Covid-19 đang tác động sâu rộng tới toàn bộ nền kinh tế. Các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được đưa ra nhiều, chủ yếu liên quan đến việc sửa đổi văn bản pháp lý, rút gọn quy trình, thủ tục hành chính, chính sách rõ ràng về tín dụng bất động sản... nhưng vẫn chưa vào được các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ..

“Tôi quan sát và thấy thực trạng là rất khó mời các cơ quan quản lý, công chức nhà nước tham gia hội thảo, tọa đàm để nghe phản biện chính sách, bàn cách tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh bất động sản. Có cảm giác các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý ngại mang tiếng ủng hộ doanh nghiệp bất động sản, hay coi bất động sản là lợi ích nhóm...”, ông Quyết nói.

Phải nói thêm, đây là lần đầu tiên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam chọn chủ đề về bất động sản để bàn luận.

Doanh nghiệp bất động sản chọn pháp lý, pháp lý và pháp lý ảnh 3

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Tổng giám đốc Eurowindow: Chúng tôi muốn chia sẻ thực tế tình hình của các doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể để có văn bản kiến nghị cụ thể tới các cơ quan có liên quan

Ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ, Tổng giám đốc Eurowindow cho biết, có hai lý do. Một là, Covid -19 có thể ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng sẽ là cơ hội lớn để tái cấu trúc và giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Để làm được điều này, nhiều vấn đề về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ nhanh chóng. Hai là, các vướng mắc về cơ chế, chính sách cần được tháo gỡ ngay đặc biệt trong bối cảnh Covid – 19, để giải quyết dứt điểm các dự án đang triển khai, nhưng bị đình trệ.

"Chúng tôi muốn chia sẻ thực tế tình hình của các doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể để có văn bản kiến nghị cụ thể tới các cơ quan có liên quan", ông Hồng nói.

Tuy vậy, cũng chỉ có các doanh nghiệp, hiệp hội kinh doanh bất động sản và chuyên gia kinh tế có mặt tại Tọa đàm này.

Với kinh nghiệm kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp từ năm 2006, ông Đỗ Anh Dũng  cho rằng, thực trạng trên có nguyên do từ quan niệm coi kinh doanh bất động sản vẫn đang bị coi là con nuôi trong nền kinh tế, dù có đóng góp lớn, tạo đầu kéo cho nhiều ngành, tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu lao động...

“Nhiều chính sách đang không theo kịp thị trường. Có những quy định đã lạc hậu, nhưng chưa được sửa. Hay như cách ứng xử của chính sách với kinh doanh bất động sản, lúc thì nơi, lúc thì siết tín dụng bất động sản, không cam kết thời hạn đủ dài cho việc hoàn tất 1 dự án. Chúng tôi đành tính tất cả chi phí đó vào giá thành, nên giá nhà bị kêu cao...Đây cũng là lý do thị trường bất động sản chưa phát triển tương xứng với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Cần các bộ tiếp tục vào cuộc quyết liệt

Thông tin về Tổ rà soát các vướng mắc liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở.... được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì mà ông Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cung cấp chưa giải tỏa được khúc mắc của nhiều doanh nghiệp.

Lý do, các doanh nghiệp lo ngại, nếu mọi việc hanh thông, có thể quy trình rà soát và sửa đổi các văn bản này phải mất vài năm. Có thể nhiều doanh nghiệp không chờ được.

Một số doanh nghiệp đề nghị giải pháp cụ thể cho từng nhóm dự án.

Với các vướng mắc mà quy định đã rõ, như việc không thể hồi tố lại các sổ đỏ đã cấp để tính lại tiền sử dụng đất được, thì phực hiện ngay Với các vướng mắc chưa được quy định trong văn bản luật nào, chưa có tiền lệ, có thể áp dụng thí điểm, nhưng theo nguyên tắc không hồi tố.

Đặc biệt, các doanh nghiệp trông vào sự quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương.

Doanh nghiệp bất động sản chọn pháp lý, pháp lý và pháp lý ảnh 4

Ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam: Các bộ tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn, quyết liệt hơn, để các địa phương thực hiện được

Hai bộ được ông Nguyễn Tuấn Hải, Chủ tịch Tập đoàn Alphanam nhắc đến trong nỗ lực thão gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản đang bị ách lại là Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, nhiều địa phương không thực hiện.

“Theo tôi, các bộ phải tiếp tục hướng dẫn cụ thể hơn, để các địa phương thực hiện được. Tôi đề nghị có tổ công tác liên bộ giải quyết từng dự án, để các bộ, địa phương cùng ký vào quyết định, tránh tình trạng cá nhân không dám quyết. Mục tiêu cuối cùng là đẩy được các dự án vào hoạt động”, ông Hải đề xuất.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục