Kỳ vọng hồi phục rõ nét hơn từ năm 2024
Bức tranh của ngành bất động sản hiện nay được nhiều chuyên gia nhìn nhận có dấu hiệu phục hồi, bớt ảm đạm hơn, chứ chưa sôi động và vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức với các doanh nghiệp trong ngành.
Thực tế, nhu cầu ở thực luôn có, nhưng nguồn cung mới chưa nhiều, chủ yếu do vướng mắc pháp lý và mặt bằng giá còn cao, lãi suất vay vốn cũng cao. Thị trường các sản phẩm “căn nhà thứ hai” và bất động sản nghỉ dưỡng nhìn chung vẫn trầm lắng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận xét, các ngân hàng hiện nay có nhiều vốn, nhưng chỉ “ngủ yên”, chứ không “ăn no”, vì tăng trưởng tín dụng rất thấp. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt 5,3% và từ nay đến cuối năm phải chạy nước rút để có thể đạt mục tiêu 14%. Tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc đẩy mạnh cho vay, xuất phát từ mức độ rủi ro của nền kinh tế và rủi ro từ khách hàng đi vay đều đang tăng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất sẽ là yếu tố tích cực đối với những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Riêng đối với nhóm bất động sản, giảm lãi suất không phải là chiếc đũa thần, vì sức khỏe tài chính và giá trị tài sản của nhóm này suy giảm mạnh.
“Tôi chưa nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm và không dám lạc quan nhiều, nhất là lĩnh vực bất động sản. Vấn đề khơi thông nguồn vốn được kỳ vọng từ năm 2024, cơ hội ở phía Nam nhiều hơn ở phía Bắc”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, có thể phục hồi từ đầu năm 2024, bởi lãi suất đã và đang giảm, độ “ngấm” của các chính sách hỗ trợ khi đó sẽ tốt hơn...
Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam dự báo, thị trường có thể phục hồi theo hình chữ V từ giữa quý II/2024.
Trong khi đó, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định, những khó khăn của thị trường bất động sản không thể xử lý trong ngày một ngày hai, nên phải đến quý IV/2024 mới có khả năng phục hồi rõ nét.
Điểm sáng nhìn từ sự chuyển động của một số doanh nghiệp
Hiện tại, thị trường chung còn “tối tăm”, nhưng có những điểm sáng tích cực khi một số doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai các dự án.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (Nam Long, mã chứng khoán NLG) muốn huy động tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư dự án Khu dân cư Nam Long 2, thuộc Khu đô thị Nam Cần Thơ tại phường Hưng Thạnh, huyện Cái Răng, TP Cần Thơ. Dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và được phê duyệt đồ án chi tiết quy hoạch 1/500.
Theo phương án phát hành của Nam Long, trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, lãi suất cho 6 tháng đầu tiên là 9,6%/năm, sau đó sẽ được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng của OCB cộng biên độ 2,5%/năm. Tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất đối với khu đất hơn 49 ha tại xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, có giá trị trên 945 tỷ đồng, theo chứng thư thẩm định giá do Công ty cổ phần Thẩm định giá E Xim cấp ngày 12/6/2023.
Ngoài ra, kế hoạch trong quý IV/2023 của Nam Long là giới thiệu sản phẩm giai đoạn tiếp theo tại các dự án, khu đô thị trọng điểm mà doanh nghiệp đang triển khai, bao gồm 338 sản phẩm căn hộ tháp AK NEO - tháp mới nhất thuộc dự án Akari City giai đoạn 2; căn hộ biệt lập Flora Panorama - dự án thành phần Khu đô thị Mizuki Park 26 ha; sản phẩm biệt thự Grand Villa khu compound The Aqua, Waterpoint.
Bên cạnh đó, NLG sẽ chào bán hơn 500 sản phẩm căn hộ với giá từ 1 tỷ đồng/căn 50 m2 tại dự án EHome Southgate (Long An); mở bán dự án EHomeS Cần Thơ với 1.602 căn hộ (diện tích từ 38 - 60 m2/căn), trong đó có 320 căn hộ thương mại, 962 căn nhà ở xã hội, 320 căn hộ để cho thuê, cho thuê mua.
Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt, mã chứng khoán PDR) cho biết, dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 vừa được UBND TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) phê duyệt đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500. Tổng mức đầu tư dự án Thuận An 1 và 2 là hơn 9.000 tỷ đồng, quy mô trên 2.700 căn hộ, sẽ cung ứng ra thị trường một số lượng sản phẩm trong năm 2024.
Dự án Thuận An 1 do Công ty cổ phần Bất động sản Đầu tư và Phát triển cao ốc Thiên Long làm chủ đầu tư. Đây là công ty con gián tiếp của Phát Đạt khi nắm giữ 99,9% vốn và quyền biểu quyết. Tính đến cuối quý II/2023, tổng chi phí của Phát Đạt liên quan đến Thuận An 1 là hơn 2.360 tỷ đồng.
Phát Đạt cũng đã nhận được quyết định giao đất giai đoạn 1 là 22 ha dự án Bắc Hà Thanh (tỉnh Bình Định).
Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phát Đạt chia sẻ, Công ty có kế hoạch triển khai hơn 13.000 sản phẩm tại các thị trường có nhu cầu lớn như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Đà Nẵng, kỳ vọng mang lại doanh thu hơn 30.000 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (Khang Điền, mã chứng khoán KDH) có kế hoạch ra mắt dự án The Privia (quận Bình Tân, TP.HCM) trong quý IV/2023. Đây là dự án được xây dựng với quy mô 1,83 ha, cung ứng hơn 1.000 sản phẩm, dự kiến sẽ bàn giao nhà trong năm 2024.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), tổng giá trị mở bán mới (pre-sales) năm 2023 của Khang Điền đạt 2.146 tỷ đồng, cao hơn 3,8% so với dự báo trước, do công tác bán hàng tại dự án The Classia tốt hơn kỳ vọng và dự án The Privia (Chung cư An Dương Vương) có thể bắt đầu mở bán từ đầu quý IV/2023. Giai đoạn 2024 - 2025, Khang Điền sẽ mở bán dự án The Privia, The Clarita, The Emeria, tổng giá trị mở bán mới ước đạt lần lượt 8.232 tỷ đồng và 8.101 tỷ đồng.
Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành bất động sản vẫn đang diễn ra. Mới đây, Công ty cổ phần Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (mã chứng khoán SGR) đã hoàn tất nhận chuyển nhượng 90% vốn tại Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Xuất nhập khẩu Đức Nhi (Đức Nhi), doanh nghiệp sở hữu khu đất 7.700 m2 tại quận Tân Phú, TPHCM.
Theo thống kê của Real Capital Analytics, giá trị các thương vụ M&A bất động sản được công bố chính thức tại Việt Nam năm 2022 đạt hơn 1,5 tỷ USD; trong nửa đầu năm 2023 đạt hơn 500 triệu USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 diễn ra).