Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, các doanh nghiệp sẽ phải công khai thêm nhiều thông tin “nóng” từ đầu năm tới, chẳng hạn như thông tin về quyết định xử phạt đối với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bản án, quyết định của tòa án về hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm; quyết định khởi tố đối với doanh nghiệp, người quản lý, người kiểm soát của công ty bảo hiểm.
Không thể “xấu che, tốt khoe”…
Theo số liệu được thống kê bởi Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (VICS-CORP), tính đến cuối năm 2021, số ca tranh chấp bảo hiểm đã được giải quyết ở cấp tòa, đã có bản án có hiệu lực thi hành là 144 vụ. Đây là số vụ kiện bảo hiểm được công bố công khai trong suốt thời gian 11 năm vừa qua.
Một số vụ tranh chấp lớn mà người mua bảo hiểm thắng kiện đó là: Tổng công ty Bảo hiểm PVI phải chi hơn 61 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Bibica; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex phải chi hơn 54 tỷ đồng cho một công ty cổ phần vận tải biển và thương mại... Theo quy định mới, những thông tin về các vụ việc tương tự, chính các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải công khai.
Ngoài ra, công ty bảo hiểm phải công khai thông tin bất thường các sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm; thông tin liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm gây ảnh hưởng trọng yếu đến vốn, khả năng thanh toán, quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp; tổn thất tài sản có giá trị từ 10% vốn chủ sở hữu trở lên; chuyển giao danh mục hợp đồng bảo hiểm; việc tạm ngừng kinh doanh, đình chỉ nội dung hoạt động, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động.
Việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp dẫn đến có cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên hoặc giảm xuống dưới 10% vốn điều lệ; việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, đầu tư ra nước ngoài, thành lập, đóng cửa chi nhánh, văn phòng đại diện... cũng thuộc nhóm thông tin bất thường bắt buộc phải công khai.
Theo các nhà soạn thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, các bản án, quyết định khởi tố, xử phạt lâu nay đã được công khai qua cổng thông tin của các cơ quan chuyên môn, giờ được công khai trên trang thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đảm bảo tương đồng thông tin giữa các công ty bảo hiểm trong toàn ngành. Nội dung này đã được thống nhất về mặt quy định pháp luật với Luật Doanh nghiệp (Điều 110) và Luật Chứng khoán (Điều 120).
Như vậy, ngoài các thông tin định kỳ như các báo cáo tài chính, công ty bảo hiểm buộc phải “bung” các thông tin lâu nay vẫn thường được che đậy theo kiểu “xấu che, tốt khoe”. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm là công ty đại chúng thực hiện công khai thông tin theo quy định của luật này và Luật Chứng khoán.
Hiện nay, trên hai sàn niêm yết có 9 doanh nghiệp thuộc khối tài chính - bảo hiểm gồm PTI, MIG, BMI, PGI, PRE, VNR và BIC, PVI và BVH. Ngoài ra, có một số công ty đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM như Bảo hiểm Hàng không (mã AIC), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (mã ABI), Tổng công ty cổ phần Bảo Long (mã BLI)…
Nhiều doanh nghiệp vẫn “quên” công bố thông tin
Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, hiện còn khá nhiều doanh nghiệp bảo hiểm ở cả 4 khối phi nhân thọ, nhân thọ, môi giới bảo hiểm, tái bảo hiểm vẫn không công bố báo cáo tài chính và các thông tin trọng yếu liên quan đến hoạt động trên website hoặc chỉ công bố bảng tóm tắt.
Ngoại trừ các công ty bảo hiểm niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM công bố thông tin theo quy định của pháp luật chứng khoán, đa số công ty bảo hiểm nước ngoài công bố thông tin theo chuẩn mực của công ty mẹ thì phần lớn các công ty không thuộc diện này đều xem nhẹ việc công khai báo cáo tài chính và các thông tin trọng yếu liên quan đến hoạt động.
Ở mảng bảo hiểm phi nhân thọ, một số công ty không đăng tải báo cáo tài chính đầy đủ như Công ty TNHH Bảo hiểm HD; Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành (Xuân Thành); Công ty cổ phần Bảo hiểm Phú Hưng (PAC); Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam; Công ty cổ phần Bảo hiểm AAA (AAA); Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam…
Có công ty đăng tải báo cáo tài chính trên website công ty nhưng lại buộc phải là cổ đông và phải có tài khoản đăng nhập thì mới có thể xem.
Ở khối bảo hiểm nhân thọ, một số công ty không đăng tải báo cáo tài chính đầy đủ (mà chỉ có báo cáo tóm tắt) trên website của doanh nghiệp như Hanwha Life. Một số công ty bảo hiểm như BIDV MetLife, Bảo Việt Nhân thọ,... vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 (tính đến 24/8/2022).
Trong khi đó, theo quy định hiện hành tại Thông tư số 50/2017/TT-BTC, công ty bảo hiểm (bao gồm cả công ty môi giới bảo hiểm) phải có trách nhiệm công bố công khai trên trang thông tin điện tử toàn bộ nội dung báo cáo tài chính đã được kiểm toán của doanh nghiệp kèm theo ý kiến của tổ chức kiểm toán độc lập và nội dung này phải được công khai trong thời hạn 120 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày công bố công khai các thông tin quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải gửi bản chính hoặc bản sao các thông tin đã công bố công khai đến Bộ Tài chính.
Liên hệ với các công ty “quên” công khai kể trên, có doanh nghiệp thì cho rằng đó là “lỗi website, website đang nâng cấp”; có doanh nghiệp lại lấy lý do: “tưởng đăng tóm tắt như thế là được rồi, cứ tưởng công ty bảo hiểm chưa niêm yết thì không phải đăng”???
Cần cơ chế giám sát, chế tài đủ mạnh
Việc công khai thông tin về tài chính là nhằm minh bạch thông tin tài chính, để cổ đông, đối tác, khách hàng… có thể nắm rõ được sức khỏe tài chính của công ty bảo hiểm, hiểu được các hoạt động đầu tư vốn là mảng quan trọng của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng đang bị nhiều doanh nghiệp coi nhẹ.
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Phú, luật sư điều hành Hãng luật NPLaw, dù pháp luật hiện hành có quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng lại chưa có quy định về chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm này.
Hiện mới có Nghị định 156/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định vi phạm đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết nói chung (trong đó có công ty bảo hiểm đã là công ty đại chúng, công ty niêm yết). Còn với các công ty bảo hiểm không thuộc diện trên thì hiện chưa có chế tài xử phạt. Đây được coi là điểm hở của pháp luật dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chỉ làm cho có.
Còn đối với hành vi giới hạn theo kiểu “phải có tài khoản đăng nhập thì mới xem được” kể trên, theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM, quy định hiện hành không giới hạn đối tượng được công khai, mà công khai theo diện “mở” trên website, đồng nghĩa với việc công khai cho mọi đối tượng, không phân biệt đó là cổ đông hay không, nên công ty nào yêu cầu phải có tài khoản đăng nhập mới xem được thì được coi là tự sinh ra “giấy phép con”, gây cản trở thông tin, trái quy định của pháp luật.
“Công ty bảo hiểm càng minh bạch thông tin về doanh nghiệp, trừ các thông tin về bí mật kinh doanh thì càng tạo niềm tin cho khách hàng, nhà đầu tư. Còn đối với việc không chịu công khai báo cáo tài chính đầy đủ theo quy định thì vô tình tự hại mình. Giống như ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm cũng là một định chế tài chính, dòng tiền được luân chuyển qua lại lớn, các công ty hoạt động dưới hình thức cổ phần, công ty niêm yết… càng công khai càng tốt, càng tạo niềm tin, hấp dẫn nhà đầu tư, khách hàng, đối tác”, ông Tuấn khuyến cáo.
Tới đây, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi còn bổ sung quy định công ty bảo hiểm phải công khai cả kết quả điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính; ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán độc lập đối với báo cáo tài chính; việc lựa chọn hoặc thay đổi tổ chức kiểm toán độc lập; thông tin định kỳ về vốn thực có và tỷ lệ an toàn vốn.
Các luật sư cũng mong cơ quan quản lý sớm ban hành các quy định về công bố thông tin theo hướng chuẩn mực, tiệm cận dần với thế giới, đi đôi với tăng cường giám sát các công ty bảo hiểm trong việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin trong bối cảnh ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay.