Doanh nghiệp bảo hiểm đẩy mạnh sản phẩm bảo hiểm vi mô

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều công ty bảo hiểm đang nỗ lực đẩy mạnh mảng bảo hiểm vi mô, đặc biệt trong bối cảnh loại hình bảo hiểm này vừa được luật hóa.
Ảnh: Dũng Minh Ảnh: Dũng Minh

Nghiên cứu, triển khai những sản phẩm đơn giản, thiết thực

Tính đến giữa tháng 7/2022, Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã hoàn thành ký kết hợp tác với 56/63 hội nông dân tỉnh, thành phố. Tổng số hội viên Hội Nông dân đăng ký tham gia đào tạo và thi chứng chỉ đại lý lên đến gần 10.000 người.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác thực hiện Chương trình an sinh xã hội, phúc lợi cho hội viên, nông dân giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bảo hiểm PVI, được ký hồi tháng 3 năm nay. Mục tiêu của việc hợp tác này là cung cấp cho người nông dân sản phẩm thiết thực với mức phí ưu đãi nhất.

Bảo hiểm PVI kỳ vọng kênh mới này sẽ tạo thêm nguồn thu trong dài hạn cho Công ty, góp phần tăng giá trị cho kênh bán lẻ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Bảo hiểm Nông nghiệp (ABIC) đã triển khai sản phẩm chiến lược là Bảo An Tín dụng – sản phẩm bảo hiểm liên kết với ngân hàng mẹ Agribank. Theo đó, khách hàng vay vốn của Agribank tham gia sản phẩm này sẽ được nhà bảo hiểm trả nợ thay (trong phạm vi số tiền bảo hiểm của khách hàng) nếu rơi vào tình huống bị bệnh hiểm nghèo hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

ABIC cho biết, thời gian qua, Công ty đã triển khai thành công sản phẩm này, trở thành điểm tựa cho người nông dân. Hiện sản phẩm này đã bảo vệ cho khoảng 60% khách hàng vay vốn tại Agribank, với khoảng 20% dư nợ của Ngân hàng. Việc tăng phí bảo hiểm đối với sản phẩm đang được cân nhắc để phù hợp với khách hàng đang rất lớn ở khu vực nông thôn.

Cùng với các sản phẩm đơn giản, dễ hiểu dành cho hộ gia đình thời gian qua, Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) bắt tay với Công ty cổ phần Vựa Miền Trung triển khai bảo hiểm cho khách hàng mua sắm qua app FuMart chuỗi siêu thị). Qua đó, các bà nội trợ vừa mua sắm được thực phẩm chất lượng từ Fumart vừa được bảo vệ bởi nhà bảo hiểm.

Nhiều công ty bảo hiểm khác cũng đang nghiên cứu để cho ra đời những dòng sản phẩm vi mô, được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản trước các rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản cho nhiều đối tượng khác nhau (không chỉ dành cho người có thu nhập thấp), như sản phẩm dành cho vận động viên tham gia các cuộc thi mạo hiểm như leo núi… Có công ty kết hợp với các app để ra sản phẩm bảo hiểm đơn giản thông qua ứng dụng công nghệ.

Cơ hội đẩy mạnh khi được luật hóa

Luật Kinh doanh bảo hiểm mới được thông qua đã có quy định cụ thể về sản phẩm bảo hiểm vi mô (tại Điều 144). Theo đó, sản phẩm này có các đặc điểm cơ bản: được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu, có thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định bảo hiểm; chỉ bao gồm các quyền lợi nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ cơ bản trước các rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản của người tham gia bảo hiểm với thời hạn bảo hiểm không quá 5 năm; số tiền bảo hiểm trên từng hợp đồng và phí bảo hiểm hàng năm cho từng người được bảo hiểm của một hợp đồng không vượt quá mức tối đa theo quy định của Chính phủ. Như vậy, sản phẩm bảo hiểm vi mô đã không còn được hiểu là bảo hiểm chỉ dành cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp như trước đây.

Theo dự thảo Luật trước đây, số tiền bảo hiểm trên từng hợp đồng bảo hiểm vi mô không vượt quá 5 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm; phí bảo hiểm hàng năm cho từng người được bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm vi mô không vượt quá 6% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm.

Trong những lần lấy ý kiến về dự thảo Luật, từng có ý kiến cho rằng quy định bảo hiểm vi mô là bảo hiểm hướng tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe, tài sản, nhưng dự thảo Luật lúc đó lại chưa quy định bảo hiểm vi mô như một loại hình bảo hiểm. Do đó, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng đối với loại hình bảo hiểm vi mô, ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung loại hình bảo hiểm vi mô vào khoản 1, Điều 7 và được xem là một trong các loại hình của bảo hiểm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết bảo hiểm vi mô không phải là một sản phẩm bảo hiểm cụ thể, mà là các sản phẩm bảo hiểm hướng tới đối tượng khách hàng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm bảo hiểm thương mại thông thường. Các sản phẩm bảo hiểm vi mô có thể thuộc 1 trong 3 loại hình (bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khoẻ) hoặc kết hợp các quyền lợi của cả 3 loại hình bảo hiểm này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Luật.

Việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm vi mô được Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, thông qua quy định tại Điều 88 của Luật này: đơn giản hoá thủ tục hành chính; tuyên truyền các chính sách bảo hiểm; xây dựng cơ sở dữ liệu, hỗ trợ ứng dụng công nghệ trong thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm, giám định tổn thất, bồi thường bảo hiểm; hỗ trợ một phần phí bảo hiểm, kinh phí hỗ trợ được bảo đảm từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm hoặc các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Với việc bảo hiểm vi mô được luật hóa, các doanh nghiệp bảo hiểm có hàng lang pháp lý rõ ràng hơn để triển khai sản phẩm nhỏ, đơn giản, nhưng mang ý nghĩa lớn lao và thị trường rất rộng.

Điều 146. Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô

1. Tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:

a) Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam;

b) Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

2. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

3. Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, đình chỉ nội dung hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.

(trích Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

Kim Lan

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục