Theo đại biểu Quốc hội Lương Văn Đoan, thời gian thí điểm những năm qua cho thấy, tuy là loại hình bảo hiểm mang tính thương mại, nhưng lợi nhuận từ bảo hiểm vi mô rất thấp, cũng đồng nghĩa với việc hiệu quả kinh doanh kém. Để cải thiện vấn đề này, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, cụ thể là Bộ Tài chính cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các chủ thể tham gia kinh doanh sản phẩm này.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng khác như Ủy ban Xã hội, Ủy ban Kinh tế cũng cần chung tay xây dựng cơ chế, chính sách cho bảo hiểm vi mô - một loại hình, mang tính nhân văn cao khi hướng đến tầng lớp yếu thế trong xã hội, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
“Việt Nam có cả loại hình bảo hiểm mang tính xã hội lẫn thương mại. Bảo hiểm vi mô chắc chắn không thể mang tính xã hội vì đã có bảo hiểm y tế của cơ quan Bảo hiểm Xã hội, nên cần tập trung nâng cao tính thương mại và muốn làm được điều đó thì phải có chính sách khuyến khích”, ông Đoan nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều đại biểu khác đánh giá, càng là sản phẩm dành cho người nghèo, người thu nhập thấp, người làm nông nghiệp thì càng phải mang tính khả thi cao, nhưng với quy định pháp lý còn quá sơ sài như hiện nay thì triển khai bảo hiểm vi mô sẽ khó có hiệu quả. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai khá thành công mô hình này, như tại Nam Mỹ có 7-15% dân số tham gia bảo hiểm vi mô, con số này ở khu vực Đông Nam Á cũng ở mức cao, khoảng 10%... và kinh nghiệm từ những nước đi trước này sẽ hữu ích cho việc áp dụng tại nước đi sau như Việt Nam.
Liên quan tới yếu tố pháp lý, chuyên gia kinh tế Đỗ Khắc Sinh cho biết, dự thảo Luật có 151 điều, trong đó có hơn 100 điều đề cập tới các loại hình kinh doanh bảo hiểm, từ quy định về tổ chức bộ máy, hoạt động quản trị, đến khả năng thanh toán, sản phẩm bảo hiểm…, nhưng chỉ có vỏn vẹn 2 điều quy định về bảo hiểm vi mô cho thấy cơ chế, chính sách cũng như tính pháp lý của bảo hiểm vi mô chưa tương xứng với “sứ mệnh” mà sản phẩm này hướng đến.
Nghiên cứu kỹ một số sản phẩm mang tính an sinh xã hội tương tự như bảo hiểm vi mô do các công ty bảo hiểm thương mại (công ty bảo hiểm phi nhân thọ) triển khai nhiều năm qua như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tàu cá, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho rằng, cần tính đến yếu tố hiệu quả khi triển khai, bởi trên thực tế, các công ty bảo hiểm được giao triển khai bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tàu cá đều thua lỗ khiến họ không mặn mà tham gia, cho dù có sự hỗ trợ từ Nhà nước.
“Do đó, theo tôi, hãy để cho các tổ chức nghề nghiệp, các đơn vị tương hỗ của Nhà nước triển khai loại hình này, thay vì để các công ty bảo hiểm thương mại thực hiện như hiện nay”, vị đại diện trên nói.
Theo Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, có 2 chủ thể tham gia kinh doanh bảo hiểm vi mô là công ty bảo hiểm và tổ chức tương hỗ. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong 15-16 năm triển khai Nghị định về tổ chức tương hỗ (Nghị định 18/2005) thì chưa có tổ chức tương hỗ nào thành lập, nên cũng có ý kiến quan ngại về tính khả thi nếu để tổ chức này tham gia triển khai bảo hiểm vi mô.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến phản biện và có kế hoạch sửa đổi phù hợp.