Chính phủ đề xuất mở đường cho bảo hiểm vi mô

0:00 / 0:00
0:00
Tại Việt Nam, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.
 Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp.

Chính phủ khẳng định, việc phát triển bảo hiểm vi mô thông qua các tổ chức chính trị - xã hội sẽ góp phần không nhỏ trong việc thực hiện chính sách đảm bảo an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Theo chương trình phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được Chủ tịch Quốc hội quyết định, việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội sẽ được cho ý kiến vào chiều 13/7.

Trước đó, chiều 6/7, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã họp mở rộng thẩm tra  việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, bảo hiểm vi mô là các sản phẩm bảo hiểm hướng tới người nghèo, người có thu nhập thấp và những người yếu thế trong xã hội, với đặc điểm phí bảo hiểm thấp, số tiền bảo hiểm nhỏ, sản phẩm bảo hiểm đơn giản, dễ hiểu.

Tại Việt Nam, việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho người có thu nhập thấp được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp.

Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật không có quy định về sản phẩm hay nghiệp vụ bảo hiểm vi mô. Đồng thời cũng chưa có quy định riêng đối với tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô.

Đến nay, Bộ Tài chính đã phê chuẩn cho 3 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai các sản phẩm bảo hiểm có đặc điểm giống sản phẩm bảo hiểm vi mô. Tuy nhiên, do vướng mắc trên, các doanh nghiệp khi triển khai bảo hiểm cho người có thu nhập thấp vẫn phải thực hiện các yêu cầu về vốn, chi phí phân phối như đối với các sản phẩm thương mại thông thường. Vì thế, việc triển khai trong thời gian qua không đạt được hiệu quả, số người tham gia ít, doanh thu phí bảo hiểm thấp, doanh nghiệp bảo hiểm không muốn triển khai bảo hiểm vi mô.

Về bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp triển khai, từ năm 2014, Chính phủ đã cho phép Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thí điểm để cung cấp quyền lợi bảo hiểm cho các thành viên của mình. Số lượng hội viên tham gia bảo hiểm vi mô đến 2019 là 161.254 người, tăng hơn 90.000 khách hàng so với cuối năm 2016. Doanh thu phí bảo hiểm tăng từ 4,71 tỷ đồng (năm 2016) lên 14,4 tỷ đồng (năm 2019).  Về chi trả quyền lợi bảo hiểm thì từ năm 2016 đến năm 2019, Hội đã chi trả cho 296 trường hợp với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá, việc triển khai bảo hiểm vi mô của Hội đáp ứng nhu cầu của những hộ gia đình nghèo, thu nhập thấp nhằm góp phần vào chủ trương an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước và nhận được sự ủng hộ về ý nghĩa nhân văn của loại hình bảo hiểm này. Tuy nhiên không đảm bảo cơ sở pháp luật để thực hiện lâu dài.

Theo Chính phủ, để đảm bảo tính bền vững cho việc triển khai bảo hiểm vi mô, cần phải bổ sung quy định về bảo hiểm vi mô vào Luật Kinh doanh bảo hiểm, tương tự như quy định về tài chính vi mô trong Luật các tổ chức tín dụng và có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước để thúc đẩy loại hình này phát triển.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định về bảo hiểm vi mô cho các tổ chức chính trị - xã hội tại thời điểm này sẽ tạo tiền đề xây dựng khung khổ pháp lý cho việc triển khai bảo hiểm vi mô nói chung trong thời gian tới. Điều này cũng phù hợp với một số nước trong khu vực như Ấn Độ, Philippines, Thái Lan... khi ban hành cơ chế riêng để đẩy mạnh triển khai bảo hiểm vi mô.

Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Quốc hội, tại phiên thẩm tra, một số ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của quy định tại dự thảo nghị định. Vì, nếu giao cho tổ chức chính trị - xã hội thì sẽ gặp khó khăn về vốn, phải gắn với tổ chức tài chính vi mô, quỹ tài chính, khả năng giám sát kéo theo đó là bộ máy và chi phí cho bộ máy, khả năng thanh toán, đầu tư, yêu cầu về nghiệp vụ bảo hiểm và công nghệ như vấn đề định giá, chi trả… đòi hỏi hết sức chuyên nghiệp.

Có vị đại biểu đề nghị cần có đánh giá tổng kết thực hiện thí điểm hoạt động bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội để từ đó có cơ sở để sửa đổi, bổ sung trong Luật Kinh doanh bảo hiểm và trong giai đoạn chuyển tiếp, để không làm đứt gãy hoạt động mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang triển khai, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ thể tham gia bảo hiểm.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục