Năm 2012, hầu hết DN bảo hiểm đảm bảo mức chi trả cổ tức như kế hoạch, chỉ có một vài DN là trả ở mức thấp hơn. Chẳng hạn, Tổng CTCP Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC) chia cổ tức 2012 ở mức 6%, trong khi kế hoạch đặt ra là 10%. Hay như Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC) trình cổ đông kế hoạch trả cổ tức năm 2012 là 5%, thay vì mức 12 - 15% như kế hoạch trước đó.
SVIC bỏ ngỏ phương án chi trả cổ tức năm 2013
Lý giải nguyên nhân cổ tức 2012 thấp, lãnh đạo MIC cho biết, đó là do năm 2012, Công ty không đạt kế hoạch lợi nhuận như đã cam kết ban đầu. Cụ thể, Công ty không thực hiện được 32,6 tỷ đồng lợi nhuận từ các dự án đầu tư bất động sản; do phải mua lại 19% cổ phần của Tân Phú Long nên phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư 10,4 tỷ đồng, làm giảm lợi nhuận ở mức tương đương (giảm 10,4 tỷ đồng). Nếu không trích khoản dự phòng này thì lợi nhuận năm 2012 của MIC sẽ đạt 42,3 tỷ đồng (60,5% kế hoạch), thay vì 32,4 tỷ đồng (46,3% kế hoạch). Ngoài ra, lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm năm 2012 của MIC chỉ bằng 1,9% so với năm 2011, nhưng mức sụt giảm này chủ yếu là do năm 2011 có khoản thu nhập khác 13,9 tỷ đồng.
Theo MIC, trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản và thị trường bảo hiểm nói riêng, cũng như MIC đang trong giai đoạn chuyển đổi về nhân sự và tổ chức lại bộ máy (sau khi Ngân hàng Quân đội nắm giữ cổ phần chi phối tại MIC), kết quả trên cũng cho thấy nỗ lực của toàn Công ty. Năm 2013, MIC đặt kế hoạch cổ tức ở mức 8 - 10%.
Tại Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), dù đảm bảo lời hứa với cổ đông là chi trả cổ tức năm 2012 ở mức 10%, nhưng năm 2013 này, Công ty chỉ đặt kế hoạch cổ tức 8 - 10%. Cổ đông tham dự đại hội đề nghị Công ty ấn định tỷ lệ cổ tức tối thiểu là 10%, chứ không nên giảm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc ABIC cho biết, cổ tức 8 - 10% đã là nỗ lực lớn, do Công ty gặp khó khăn liên quan đến việc xử lý bảo hiểm vụ tàu Vinalines Queen. Vụ này liên quan đến các nhà đồng bảo hiểm, các nhà tái bảo hiểm, vì vậy không định lượng chắc chắn được mức chi trả bao nhiêu.
Khảo sát của ĐTCK tại nhiều DN bảo hiểm, mức cổ tức năm 2012 được hầu hết DN đảm bảo theo đúng cam kết cho cổ đông, thậm chí có DN còn tăng tỷ lệ chi trả như Tập đoàn Bảo Việt (BVH), tăng từ 12% lên 15%. Nhưng xét kế hoạch cổ tức năm 2013 thì đa phần DN bảo hiểm đều giảm mức cổ tức, ngoại trừ BVH, Vinare. Vinare đặt kế hoạch cổ tức năm 2013 ở mức 20% so với mức chi trả 18% của năm 2012. Đây là mức cổ tức cao nhất của các DN bảo hiểm Việt
Có thể kể đến các DN bảo hiểm hạ cổ tức năm 2013 như PVI giảm từ mức 15% của năm 2012 xuống 9%. Pjico đặt kế hoạch cổ tức năm 2013 tối thiểu là 10% so với kế hoạch tối thiểu 13% của năm 2012. SVIC thì bỏ ngỏ phương án chi trả cổ tức 2013, nhiều khả năng là không chia, do lợi nhuận đặt ra cho năm nay chỉ là 916 triệu đồng.
Trao đổi với ĐTCK, các DN bảo hiểm lý giải nguyên nhân chính khiến cổ tức giảm là do lợi nhuận từ đầu tư giảm mạnh (lãi suất tiền gửi giảm), trong khi thị trường bảo hiểm vẫn còn khó khăn.
PVI cho biết, 6 tháng đầu năm 2013, mặt bằng lãi suất tiền gửi liên tục giảm, nhưng Công ty vẫn đạt được kết quả hoạt động đáng khích lệ. Cụ thể, tổng doanh thu của Công ty mẹ - PVI Holdings đạt 351 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch năm. Tổng doanh thu hợp nhất của PVI trong 6 tháng đầu năm là 3.906 tỷ đồng, đạt 57% kế hoạch năm. Trong đó, doanh thu bảo hiểm gốc đạt 2.922 tỷ đồng, tăng 5,5%; doanh thu từ tái bảo hiểm đạt 615 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2012; doanh thu từ hoạt động tài chính là 359 tỷ đồng. Để về đích kế hoạch 6 tháng cuối năm và cả năm, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông, PVI sẽ đưa ra các giải pháp về thị trường, nhân sự, quản trị và công nghệ.
Mặc dù vậy, với đặc thù kinh doanh rủi ro, ngành bảo hiểm được xem là khó có thể nói trước về kết quả hoạt động, bởi sự kiện bảo hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chẳng hạn, với ABIC, vụ đắm tàu Vinalines Queen bất ngờ xảy ra vào ngày cuối năm 2011 (ngày 25/12) và đến nay, Công ty vẫn đang phải giải quyết. Lãnh đạo ABIC chia sẻ, dù kế hoạch cổ tức năm 2013 giảm so với năm trước, nhưng để đạt được kế hoạch thì còn phụ thuộc phần lớn vào việc giải quyết bồi thường cho vụ đắm tàu Vinalines Queen. Hiện Công ty đang thực hiện các thủ tục vay tiền ngân hàng để thanh toán tiền bồi thường cho người tham gia bảo hiểm trước khi thu hồi tiền từ các nhà đồng bảo hiểm, tái bảo hiểm.