Nếu tăng vốn thành công, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ có quy mô vốn lớn nhất thị trường bảo hiểm phi nhân thọ
Lợi thế từ công ty mẹ
Trong những DN bảo hiểm có kế hoạch tăng vốn năm nay, tăng vốn có thể là dự định mới, nhưng cũng có trường hợp được đặt ra từ những năm trước, do một số nguyên nhân nên bị ách lại. Một số DN khác chia sẻ, công ty cũng muốn triển khai tăng vốn trong năm nay, nhưng nhận thấy thị trường còn nhiều khó khăn, nên đành “ngâm” lại, bởi lỡ đặt ra kế hoạch mà không thực hiện được thì mang tiếng lỗi hẹn. Có DN cho rằng, tăng vốn cũng là tăng mức trách nhiệm với đồng vốn được tăng thêm, khi phải đảm bảo sinh lời cho đồng vốn mới cũng như tăng thêm lợi ích cho cổ đông, nên công ty chưa vội khởi động kế hoạch này. Mặc dù vậy, tăng vốn vẫn là câu chuyện mà các DN bảo hiểm tiếp tục phải tính đến nhằm tăng cường năng lực tài chính để nâng cao khả năng giữ lại, đồng thời phát triển mạng lưới, tạo nguồn vốn đầu tư tài chính và cơ sở vật chất.
Nhìn lại động thái tăng vốn của các DN bảo hiểm những năm vừa qua cho thấy, gọi vốn vào lĩnh vực bảo hiểm là không dễ, đặc biệt là đối với các DN nhỏ. Đối với các DN lớn như Bảo hiểm PVI hay Bảo hiểm Bảo Việt, việc phát hành tăng vốn thành công cũng chủ yếu là nhờ công ty mẹ. Chẳng hạn, Bảo hiểm PVI tăng vốn thành công lên 1.700 tỷ đồng hồi đầu năm 2013 do được hưởng lợi từ nguồn vốn rót từ công ty mẹ nắm 100% vốn là PVI Holdings sau khi phát hành thành công cho đối tác chiến lược Talanx. Như vậy, chỉ hơn 1 năm hoạt động (ra đời tháng 8/2011, với số vốn điều lệ 800 tỷ đồng), vốn điều lệ của Bảo hiểm PVI đã được tăng lên hơn gấp đôi. Hay với Bảo hiểm Bảo Việt, trở thành DN có quy mô vốn lớn trên thị trường hiện nay là nhờ có nguồn tiền được bổ sung từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty mẹ, nắm 100% vốn là Tập đoàn Bảo Việt.
Với việc vốn điều lệ được bổ sung ở mức đáng kể, có ý kiến cho rằng, Bảo hiểm PVI và Bảo hiểm Bảo Việt “gặp may” khi tận dụng được nguồn tài chính từ công ty mẹ để tạo lợi thế trong hoạt động kinh doanh, cũng như trong việc duy trì/theo đuổi xếp hạng tín nhiệm tài chính quốc tế.
Thách thức gọi vốn
Cũng là công ty con thuộc PVI Holdings, nhưng Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) gặp không ít khó khăn trong việc tăng vốn, khi trong năm 2012 chưa hoàn tất việc tăng vốn lên 600 tỷ đồng như kế hoạch đề ra, trong khi áp lực phải tăng vốn đang ngày một tăng.
Theo đại diện PVI Re, vốn điều lệ ở mức thấp như hiện nay là một hạn chế ảnh hưởng đến mục tiêu nâng mức giữ lại và tăng năng lực thu xếp tái bảo hiểm, đặc biệt đối với thị trường bảo hiểm quốc tế. Ngoài ra, vốn điều lệ thấp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc duy trì và nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc tế của Công ty. Năm 2013, PVI Re đặt chỉ tiêu duy trì xếp hạng tín nhiệm tối thiểu ở mức B+. Nếu tăng vốn thành công thông qua việc lựa chọn đối tác chiến lược, PVI Re không chỉ tránh được các bất lợi kể trên, mà còn tận dụng được mối quan hệ với đối tác chiến lược để tiếp nhận kỹ thuật cho hoạt động kinh doanh, xây dựng mô hình đánh giá hệ số tín nhiệm, tối đa hóa năng lực của Công ty.
Đại diện PVI Re cho biết, trong năm 2013, Công ty sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch tăng vốn, nhưng dự kiến tăng lên mức cao hơn, tăng lên 800 tỷ đồng thay vì 600 tỷ đồng, thông qua việc tìm đối tác chiến lược để hoàn thành phương án cổ phần hóa.
Tại Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC), Công ty này cũng đã lên kế hoạch tăng vốn cho giai đoạn 2012 - 2015. Theo đó, BIC dự kiến tăng vốn từ 660 tỷ đồng lên 850 tỷ đồng trong giai đoạn 2012 - 2013 và đạt 1.500 tỷ đồng vốn điều lệ vào năm 2015.
Chia sẻ với ĐTCK, đại diện BIC cho hay, trong năm nay, công tác tăng vốn tiếp tục được Công ty triển khai theo kế hoạch đã định. Tuy nhiên, vị này cho rằng, trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, kế hoạch tăng vốn điều lệ có chậm lại thì cũng là điều dễ hiểu.
Nếu như những năm trước, việc tăng vốn đặt ra cho DN bảo hiểm những thách thức nhất định, trong đó có áp lực từ việc sử dụng có hiệu quả đồng vốn tăng thêm, thì năm nay, thách thức lớn nhất liên quan đến tăng vốn theo khảo sát của ĐTCK là làm sao để gọi được vốn.