Doanh nghiệp bảo hiểm chật vật bán bảo hiểm thân vỏ xe

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đang chật vật với bài toán kinh doanh bảo hiểm thân vỏ xe ô tô, mảng nghiệp vụ đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu doanh thu các năm trước.
Tăng trưởng tiêu thụ xe chậm lại là thách thức lớn với mảng bảo hiểm xe cơ giới. Ảnh: Dũng Minh Tăng trưởng tiêu thụ xe chậm lại là thách thức lớn với mảng bảo hiểm xe cơ giới. Ảnh: Dũng Minh

Sụt giảm theo doanh số bán xe mới

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô tháng 10 được cải thiện, với mức tăng 120% so với tháng 9, tuy vậy, so với cùng kỳ năm ngoái vẫn giảm 10,4%. Tính chung 10 tháng đầu năm 2021, doanh số bán xe của các đơn vị thành viên VAMA đạt 218.734 xe các loại, tăng 3% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, để đạt được doanh số bán xe mới tương đương với năm 2020 là khó khả thi. Năm 2020, việc Chính phủ triển khai chính sách giảm thuế trước bạ 50% với các dòng xe ô tô lắp ráp trong nước từ cuối tháng 6 đến hết năm 2020 đã tạo đột biến về doanh số bán xe, với con số 400.000 xe được tiêu thụ trong cả năm, đặc biệt tập trung vào hai tháng cuối năm. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ gia tăng doanh số mảng bảo hiểm thân vỏ xe.

Năm nay, ngay cả khi đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ xe ô tô được chấp thuận và triển vào đầu tháng 12 tới, theo phụ trách mảng bảo hiểm xe của một công ty bảo hiểm lớn, “cũng khó lòng cứu được đà giảm trong giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài suốt quý III”.

Thị trường bảo hiểm xe cơ giới cả năm 2021 khó giữ được nhịp tăng trưởng như nhiều năm trước là nhận định chung của nhiều chuyên gia trong ngành.

Bảo hiểm xe cơ giới vốn là nghiệp vụ đóng góp tỷ trọng chính trong cơ cấu doanh thu của khối phi nhân thọ và có đà tăng trưởng rất tốt hàng năm. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2020, phân khúc bảo hiểm này ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 6,26% và đóng góp 30,53% trong cơ cấu doanh thu của khối phi nhân thọ; thậm chí, năm 2019 tăng trưởng tới 12,51%, chiếm 30,56% trong cơ cấu doanh thu của khối.

Trở lại với tình hình kinh doanh nghiệp vụ này của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong năm nay, thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, mức tăng trưởng doanh thu trong 9 tháng đầu năm… âm tới 7,9%.

Doanh thu bảo hiểm xe cơ giới trong 9 tháng đầu năm giảm 7,9% so với cùng kỳ.

Cũng theo số liệu của IAV, doanh thu phí của bảo hiểm xe cơ giới trong 8 tháng đầu năm đạt 10.279 tỷ đồng, giảm 7,70% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện (bao gồm bảo hiểm thân vỏ xe) giảm hơn 5% so với cùng kỳ; doanh số bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới giảm tới 14,86% so với cùng kỳ.

Sự sụt giảm liên tiếp trong những tháng gần đây khiến tỷ trọng doanh thu của bảo hiểm xe cơ giới chỉ còn 27,6%/tổng doanh thu, lui xuống sau nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe.

Covid-19 ảnh hưởng tới thói quen mua bảo hiểm

Từ các doanh nghiệp kỳ cựu như Bảo Việt, PVI, PTI, PJICO..., hay những nhân tố mới như MIC, BSH cũng không tránh khỏi những khó khăn trong thuyết phục khách hàng mua mới cũng như tái tục hợp đồng bảo hiểm xe ô tô. Thời gian qua, một số công ty bảo hiểm như PJICO, BIC, Bảo Việt, BSH… đã triển khai chính sách giảm phí, tăng thời gian bảo hiểm cho khách hàng nhằm cứu vãn tình thế.

Tuy vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm đang chịu thách thức từ hiện tượng thực tế là nhiều chủ xe có xu hướng bỏ mua bảo hiểm thân vỏ xe từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Thay vào đó, họ dùng số tiền mua bảo hiểm để lập quỹ sửa xe.

Trên một diễn đàn mạng xã hội mới đây, chủ đề “không mua bảo hiểm xe, thay vào đó là lập quỹ tự sửa xe” được bàn luận rất rôm rả.

Anh Nguyễn Tuấn Trường (Hà Nội) kể, đầu tháng 4/2020, anh hết hạn hợp đồng bảo hiểm thân vỏ xe ô tô cũng đúng thời điểm thực hiện giãn cách xã hội trên cả nước để phòng chống dịch. Lúc đó, anh tự nhủ xe ô tô cá nhân của mình cũng ít đi hơn trước nên rủi ro va quệt trên đường cũng bớt đi nên không mua bảo hiểm từ đó đến nay.

“Gần 2 năm nay, tôi không hề mua bảo hiểm thân vỏ xe sau hơn 10 năm miệt mài mua. Hơn 60 triệu đồng phí bảo hiểm lẽ ra phải đóng tôi mang đi gửi ngân hàng, tổng gốc và lãi đến nay là gần 70 triệu đồng. Từ đó đến nay, tôi chỉ mất gần 10 triệu đồng sửa xe sau vài lần va quệt nhẹ. Nếu Covid vẫn chưa dứt hẳn, tôi vẫn không mua bảo hiểm”, anh Trường bộc bạch.

Diệu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục