Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn không bị “phân biệt đối xử”

0:00 / 0:00
0:00
Nêu thực trạng càng bán càng lỗ vì bị áp đặt mức chiết khấu, bị áp đặt “cuộc chơi” bởi quy định chỉ được mua hàng của một đầu mối…, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị sửa đổi các quy định về kinh doanh xăng dầu để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn không bị “phân biệt đối xử”

Những ngày qua, tình trạng hết xăng, hay cửa hàng bán lẻ xăng dầu “nghỉ Tết” không bán hàng một lần nữa làm “nóng” thị trường xăng dầu ở TP.HCM, Hà Nội, Bình Phước, Hải Phòng… Ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt một loạt cửa hàng bán lẻ xăng dầu tự ý nghỉ bán mà không thông báo.

Mới nhất, Tổng cục Quản lý thị trường xác nhận, 2 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại Ninh Bình ngừng bán hàng mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền vừa bị xử phạt với tổng số tiền phạt 30 triệu đồng.

Tại Hà Nam, trong thời gian từ ngày 25 đến 30/1/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã phát hiện, xử lý 3 cơ sở vi phạm các quy định trong kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền 45 triệu đồng. TP. Hải Phòng cũng xử phạt 2 doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu nghỉ bán nhưng không thông báo tới Sở Công thương.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng nghỉ bán xăng dầu của một số cửa hàng bán lẻ là càng bán càng lỗ vì không có chiết khấu, không nhập được hàng từ các thương nhân phân phối cùng hàng loạt nguyên nhân khác.

Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi, nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác, thì vẫn bị chèn ép chiết khấu. Bởi nhà phân phối biết rằng, nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ, thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác. doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, bị triệt tiêu khả năng cạnh tranh.

(Trích Đơn kiến nghị khẩn cấp của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 1/2/2023)

Những bức xúc này đã được các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu bày tỏ trong cuộc trao đổi với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra vào chiều 31/1.

Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh, qua thời gian thực hiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có nhiều quy định chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt ngãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn, thiếu hụt xăng dầu…

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) khẳng định: “Tình trạng đứt gãy nguồn cung là do đang có vấn đề trong quản lý kinh doanh xăng dầu”.

Theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nên dù lời hay lỗ, doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Thực tế thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng và đang lỗ rất nặng, song các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn phải duy trì kinh doanh.

“Nhà phân phối muốn cho chiết khấu bao nhiêu thì cho. Dù là 500 đồng, 200 đồng hay 100 đồng, thậm chí là 0 đồng, nhưng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn phải chấp nhận để có hàng. Thêm nữa, chúng tôi chỉ được lấy hàng từ một nguồn, nên không được quyền thỏa thuận, ở vào thế rất bất lợi”, ông Giang Chấn Tây bức xúc.

Cho rằng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang bị áp đặt “cuộc chơi” bởi quy định chỉ được mua hàng của một đầu mối, một doanh nghiệp tại Yên Bái kiến nghị sửa đổi các nghị định theo hướng cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được mua hàng của nhiều đầu mối để đa dạng nguồn cung, tránh bị động khi nguồn căng thẳng, đồng thời cần có quy định về mức chiết khấu cố định cho đại lý bán lẻ ở mức phù hợp.

Tại buổi làm việc với VCCI, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đồng loạt kiến nghị, nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.

Giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên, đảm bảo mục tiêu “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI cho biết, cơ quan này sẽ sớm tổ chức cuộc làm việc giữa doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan để góp ý vào sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Hải Yến
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục