Bán lẻ xăng dầu bị bóp nghẹt
Đơn kiến nghị khẩn cấp của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi Thủ tướng Chính phủ ký ngày 1/2/2023, nêu lên một loạt quy định chưa phù hợp ở Nghị định 83 /NĐ-CP và Nghị định 95/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ còn quá nhiều bất cập, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, từ đó làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn…
Theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lời hay lỗ doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Và thực tế thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, (nhà cung cấp) tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên các DN bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng vẫn phải duy trì kinh doanh.
DN bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã nhận được kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, cơ quan này sẽ sớm tổ chức cuộc làm việc giữa doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan để góp ý vào sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Sở dĩ có tình trạng như vậy, bởi nhà phân phối biết rằng nếu DN bán lẻ không lấy hàng của họ thì cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác “DN bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu”.
"Trong khi đó, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, nhưng những sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định này không thay đổi được gì với thực trạng của DN bán lẻ hiện nay”, Đơn kiến nghị khẩn cấp của cộng đồng DN bán lẻ xăng dầu gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 1/2/2023 nêu.
Các doanh nghiệp bán lẻ cũng nhấn mạnh: “Bất công nhất là thương nhân phân phối vừa được bán buôn vừa được bán lẻ để cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ và được hưởng quá nhiều quyền lợi về giá bán buôn và được chủ động nguồn hàng từ nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường họ có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách.
Trong năm 2022, khi thị trường căng thẳng nhất, các thương nhân phân phối cũng tìm mọi cách hạn chế bán ra, dù họ được phép nhập từ 3 nguồn khác nhau.
Khi giá tăng, DN bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng, họ để tồn trữ, giữ lại hưởng chênh lệch giá, cho dù DN bán lẻ nói sắp hết hàng nhưng họ nhất quyết không giao hàng nên dẫn đến đóng cửa.
Trong khi đó, DN bán lẻ không được quyền lấy nhiều nguồn hàng và bị hạn chế nguồn hàng khi khan hiếm, dẫn đến đứt gãy buộc phải ngưng bán hàng.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kiến nghị, cần xem xét việc cho phép các doanh nghiệp bán lẻ được lấy từ 3 nguồn khác nhau giống như thương nhân phân phối".
Kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ
Doanh nghiệp cũng kiến nghị ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự “phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp”.
Giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên, đảm bảo mục tiêu “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay.
Làm được như vậy, Bộ Công thương cũng không phải mất nhiều thời gian, công sức, nhân lực đi kiểm tra, giám sát…, thị trường vận hành ổn định.
Thị trường xăng dầu hiện có khoảng 17.000 cửa hàng, trong đó hệ thống cửa hàng bán lẻ của hai doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần lớn chỉ có gần 3.000 cửa hàng. Do đó, với vai trò của các cửa hàng tư nhân cung ứng cho toàn thị trường ngày càng lớn, các doanh nghiệp kiến nghị cần sửa đổi quy định trong Nghị định 84 và 95 để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được cạnh tranh lành mạnh.
Phương án các doanh nghiệp đề nghị sửa đổi, bổ sung điểm c, đ khoản 28 “Bổ sung Điều 38a sau Điều 38 về công thức giá cơ sở” gửi Thủ tướng Chính phủ:
c) Giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) giá xăng dầu thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí kinh doanh định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh. (gồm: khâu nhập khẩu; Khâu phân phối; Khâu bán lẻ chi phí định mức dành riêng cho Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 3,5% x giá bán lẻ tại thời thời điểm bán ra) cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có lợi nhuận kinh doanh (gồm: Khâu nhập khẩu; Khâu phân phối; Khâu bán lẻ lợi nhuận định mức dành riêng cho Cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 2,5% x giá bán lẻ tại thời thời điểm bán ra) cộng (+) chi phí về thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế giá trị gia tăng) cộng (+) phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nguồn: Thư kiến nghị của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 1/2/2023