Tại cuộc họp báo về Phiên họp thứ 2, Kỳ họp Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khoá thứ 12 diễn ra ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Cao Hổ Thành đã thông báo những thành tựu mới nhất mà nước này đạt được trong hợp tác kinh tế đối ngoại. Theo ông Cao Cao Hổ Thành, năm 2013, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn của 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời cũng là nước có kim ngạch thương mại lớn nhất toàn cầu. “Ngoại thương của Trung Quốc có sự đóng góp rõ rệt đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu”, ông Cao Hổ Thành nhấn mạnh.
Ông Jim O’Neill, nguyên kinh tế gia trưởng của Golman Sachs Asset Management, người đưa ra thuật ngữ BRIC (gồm các chữ viết tắt bằng tiếng Anh: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) tin tưởng, thành công của Trung Quốc sẽ tạo nên một hình mẫu cho sự chuyển đổi kinh tế toàn cầu. “Trung Quốc đã đối mặt với đầy rẫy thách thức và không tiếc sức để điều chỉnh. Cải cách của Trung Quốc là rất ấn tượng và tôi lạc quan về những triển vọng kinh tế tiếp theo của nước này”, ông Jim O’Neill nói. Với tư cách là đối tác có kim ngạch thương mại lớn nhất, Trung Quốc có kim ngạch nhập khẩu đạt gần 2.000 tỷ USD mỗi năm và một phần đáng kể trong số đó đến từ các nước ASEAN. Trong 4 năm liền, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của các nước ASEAN.
Những sản phẩm xuất khẩu chính của các nước ASEAN được đánh giá có ưu thế, bao gồm: hàng nông sản, thực phẩm, nội thất đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ, trang sức đá quý và nguyên liệu thô như cao su, dầu cọ… Đặc biệt, thông qua Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO), nhiều doanh nghiệp ASEAN đã khẳng định được chỗ đứng và thu được lợi nhuận đáng kể, trong đó phải kể đến các thương hiệu sản phẩm đến từ Việt Nam
Các sản phẩm đồ gỗ nội thất của Việt Nam rất được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Do chất lượng gỗ tốt cùng với kỹ thuật khảm thủ công, chạm khắc tinh xảo, đồ gỗ Việt Nam đã giành được sự quan tâm đặc biệt của khách hàng Trung Quốc. Các mặt hàng nông sản nhiệt đới đa dạng của Việt Nam cũng ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường Trung Quốc. Hiện cà phê và các loại hoa quả sấy khô được người tiêu dùng nước này rất ưa chuộng và đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị. Cao su, gạo cũng là các mặt hàng được thương nhân Trung Quốc tìm mua nhiều.
Hiện tại, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ và một số nhãn hàng giày dép của các doanh nghiệp Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu và ngày một phổ biến hơn với người tiêu dùng Trung Quốc.
Tại CAEXPO năm nay, ngoài thu hút khách nội địa Trung Quốc, Ban Tổ chức cho biết, sẽ tiếp tục mở rộng đối tượng phong phú khách mời từ các nước, vùng lãnh thổ và khu vực, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đến tham quan và mua sắm; tạo cơ hội nhiều hơn cho các đơn vị tham gia trưng bày, kinh doanh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.