Doanh nghiệp an ninh mạng 'tiến quân' ra nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Xu hướng tăng cường đầu tư cho an ninh mạng, bảo mật của các doanh nghiệp nước ngoài tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam mở rộng thị trường.
Doanh nghiệp an ninh mạng 'tiến quân' ra nước ngoài

Chi tiêu cho an ninh mạng tăng mạnh

Báo cáo vừa công bố của Gartner cho thấy, tổng chi tiêu cho an ninh mạng và quản trị rủi ro trên toàn cầu đạt 188 tỷ USD trong năm 2023, tăng 12% so với năm trước đó.

Trên thế giới, nhu cầu chi tiêu cho các giải pháp an toàn thông tin trên môi trường đám mây đang tăng trưởng mạnh nhất (tăng 25,2% trong năm qua) và được dự đoán tiếp tục đứng đầu về tăng trưởng tới năm 2026. Theo sau đó là chi tiêu cho bảo mật dữ liệu, với mức tăng 20,1% trong năm qua.

Còn theo Báo cáo Dự báo định hướng công nghệ 2024-2026 của FPT, các loại rủi ro mới nhất, đe dọa lớn nhất trong tương lai gần là các cuộc tấn công được thực hiện bởi trí tuệ nhân tạo (AI), các cuộc tấn công liên quan đến điện toán lượng tử. Với các loại rủi ro mới này, khoản đầu tư cho các giải pháp an ninh mạng được dự báo tăng cao trong các năm tới. Ước tính vào năm 2026, đầu tư cho các giải pháp an ninh mạng sẽ khoảng 21.000 tỷ USD, nhằm đảm bảo khả năng ứng phó với các loại rủi ro mới phát sinh.

Đó sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam gia nhập thị trường cung ứng giải pháp an ninh, bảo mật cho nước ngoài. Năm 2023, doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng của Việt Nam đạt 5.522 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng không ngừng tăng lên. Đến nay, có 109 doanh nghiệp được cấp phép (3 tập đoàn nhà nước, 69 công ty cổ phần và 34 công ty trách nhiệm hữu hạn). Trong đó, 74 doanh nghiệp được cấp phép nhập khẩu sản phẩm, 30 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất sản phẩm và 80 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ.

Đáng chú ý là, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, sau khi khẳng định vị thế trong nước, đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài. Động thái này mở ra hướng đi mới cho doanh nghiệp an ninh mạng Việt Nam.

Chẳng hạn, sản phẩm của Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) đã có mặt tại nhiều thị trường quốc tế, trong đó có những thị trường cạnh tranh cao như Nhật Bản. Với hơn 400 lỗ hổng bảo mật Zero-day được phát hiện của các nền tảng, hệ thống lớn của Microsoft, Oracle, Zenkin…, VCS đã góp phần lớn trong việc giảm thiểu các cuộc tấn công mạng và nâng cao tri thức an ninh mạng toàn cầu.

Hay như Verichains của Việt Nam nổi tiếng trong vụ hỗ trợ xác định và khắc phục thành công lỗ hổng an ninh trên cầu nối BNB Chain của Binance sau vụ tấn công gây thiệt hại 600 triệu USD chỉ vài giờ. Doanh nghiệp này dù mới thành lập, nhưng 90% doanh thu đến từ các doanh nghiệp nước ngoài.

Cạnh tranh với các “ông lớn” nước ngoài

Thực tế, các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với nước ngoài. Còn nhớ, năm 2016, trong cuộc tấn công vào hệ thống của Vietnam Airlines tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các công ty an ninh mạng của Việt Nam đã giải cứu, khắc phục sự cố này. Đây là ví dụ điển hình cho việc những hệ thống trọng yếu vẫn có thể sử dụng giải pháp trong nước để đảm bảo an ninh mạng.

Theo thống kê, hiện tại, Việt Nam đáp ứng trên 90% giải pháp phục vụ đảm bảo an toàn an ninh mạng trong nước. Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam (NCS) cho biết, về số lượng chủng loại giải pháp, doanh nghiệp Việt Nam tương đối đầy đủ, nhưng tuổi đời còn non trẻ so với các sản phẩm của thế giới. Các sản phẩm này cần phải trải qua quá trình người dùng sử dụng, phát sinh tình huống trong thực tế. Sau đó, các doanh nghiệp Việt mới cải tiến, nâng cấp rồi phát hành phiên bản mới có chất lượng.

“Đối với các tổ chức lớn như ngân hàng, đòi hỏi mức độ trưởng thành của sản phẩm cao, nên thường chọn sản phẩm nước ngoài đã có va chạm trên thực tế, vì họ triển khai ở nhiều quốc gia khác nhau, đối mặt với các thách thức khác nhau. Lợi thế của giải pháp Việt Nam là giá rẻ, có những giải pháp chỉ bằng 1/3 so với nước ngoài. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Sơn chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Công ty An ninh mạng Viettel đánh giá, sản phẩm an ninh mạng đi ra toàn cầu sẽ khó hơn, vì thông thường, sản phẩm an toàn thông tin được mua theo tham chiếu, đặc biệt là tham chiếu Gartner. Tuy nhiên, cũng có nhiều thị trường đang phát triển có lựa chọn khác. Khi mua sản phẩm, họ sẽ mua sản phẩm và cách thức nào đấy để tạo ra giá trị chung. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp ở nước ngoài có nhu cầu tìm sản phẩm đủ tốt, mà sản phẩm Việt Nam đảm bảo tiêu chí này, trong khi chi phí hợp lý, nên sẽ có nhiều cơ hội.

Trong khi đó, ông Hà Thế Phương, Giám đốc điều hành CMC Cyber Security cho rằng, năm vừa qua xuất hiện những tín hiệu tích cực vì lĩnh vực này có thêm doanh nghiệp mới tham gia, tạo nên “làn gió mới”. Theo ông Phương, chúng ta đi sau các tập đoàn toàn cầu về an ninh mạng và chưa có được tập khách hàng đủ lớn để nâng cao chất lượng phần mềm. Dù sản phẩm Việt Nam chưa cạnh tranh được với các tập đoàn quốc tế, nhưng cũng cần “sân chơi” để doanh nghiệp có cơ hội phát triển, bắt kịp toàn cầu.

“Nếu không có sân chơi, chúng ta sẽ không bao giờ đuổi kịp các tập đoàn toàn cầu. Làm chưa chắc thành công, nhưng không làm chúng ta sẽ chết. Nếu không tạo sân chơi cho các kỹ sư Việt Nam đi ra thế giới để cạnh tranh với các tập đoàn toàn cầu, thì chúng ta cũng không có được kinh nghiệm và nguồn nhân lực chất lượng, thậm chí không đủ nguồn lực an ninh mạng chất lượng cho thị trường trong nước”, ông Phương phân tích.

Ông Thành Nguyễn, nhà sáng lập Verichains tiết lộ, sở dĩ Verichains được nhiều khách hàng quốc tế lựa chọn vì sở hữu đội ngũ chuyên gia hàng đầu về an toàn thông tin. Đội ngũ này đã phát hiện và báo cáo nhiều lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, giúp giảm thiểu rủi ro cho người dùng.

“Điều này không chỉ tăng cường niềm tin từ tổ chức quốc tế, mà còn tăng cơ hội mở rộng khách hàng. Bên cạnh đó, Công ty luôn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 27001, PCI-DSS, ISO 9001, CREST..”, ông Thành cho biết.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục