Đoán đỉnh VN-Index trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hầu như tất cả các thành viên thị trường đều đồng thuận về quan điểm VN-Index sẽ xác lập những đỉnh mới trong năm 2022, với mức dự báo khác nhau.
Đoán đỉnh VN-Index trong năm 2022

Sẽ lập đỉnh mới

Tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, thị trường chứng khoán đã xác lập mức tăng khá tích cực, khi VN-Index đóng cửa ở mức 1.528,48 điểm, tương đương mức tăng hơn 30 điểm so với phiên cuối năm 2021.

Mở đầu câu chuyện về xu hướng thị trường, ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS lý giải về sự “lên đồng” của thị trường trong năm qua.

Theo ông Kiên, dịch bệnh Covid-19 căng thẳng kéo dài, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm kích thích kinh tế. Lãi suất giảm mạnh so với giai đoạn bình thường, cộng với việc người dân bí kênh đầu tư khiến dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán.

“Giai đoạn 2020 - 2021, chứng khoán tăng điểm mạnh chung quy cũng vì tiền rẻ và kênh đầu tư hấp dẫn quá ít”.

Nhìn lại năm qua, dễ dàng nhận thấy cả chứng khoán và bất động sản đều tăng vì tiền rẻ và bí kênh đầu tư.

Năm 2022, nếu dịch bệnh được kiểm soát, khả năng cao là dòng tiền sẽ rút về phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực cốt lõi của các doanh nghiệp (năm 2020 và 2021, nhiều tổ chức, doanh nghiệp tranh thủ sự đi lên của thị trường đã đẩy mạnh đầu tư chứng khoán), cùng với đó là áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư.

Với nhiều yếu tố vĩ mô tích cực, VN-Index có thể lập đỉnh 1.600 điểm.

Ông Phùng Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán AIS

Tuy nhiên, ông Kiên dự báo, trong phiên họp với nhiều yếu tố vĩ mô tích cực như Chính phủ đang đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và triển khai gói kích thích kinh tế quy mô lớn, VN-Index có thể lập đỉnh 1.600 điểm.

Còn theo ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nếu gói kích thích kinh tế được thông qua trong phiên họp ngày hôm nay (10/1/2022) của Quốc hội khóa XV đúng với quy mô đề xuất của Chính phủ thì chắc chắn, cổ phiếu nhóm ngành bất động sản, xây dựng sẽ được hưởng lợi, “nhưng để biết rõ hơn thì nên chờ xem gói kích thích sẽ thực sự đi vào khu vực, lĩnh vực nào”.

Ông Nam nhận định, về cơ bản, dòng tiền vẫn mạnh mẽ nên triển vọng tăng điểm của thị trường vẫn vững. Nhìn lại giai đoạn VN-Index thăng hoa 2017-2018 thì có thể thấy khi đã đạt đỉnh mới vào năm 2017 thì đến năm 2018, mức tăng vẫn có nhưng không quá đột biến, chỉ ở mức 8%. Đây có thể cũng là mức tăng của năm 2022 so với đỉnh của năm 2021.

Trông chừng dòng tiền đang có xu hướng "tránh" VN30 như các nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài nguyên cơ bản và cả chứng khoán, nên có thể 1 - 2 tháng đầu năm, thanh khoản thị trường sẽ giảm một chút so với giai đoạn hai tháng cuối năm 2021.

Biến số lãi suất và lạm phát

Trong khi đó, ông Trần Minh Tuấn, cố vấn Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng, năm 2022, thị trường chứng khoán trong nước ít có khả năng đột biến về nguồn cung do thiếu vắng bóng dáng của các doanh nghiệp lớn niêm yết, nhưng VN-Index vẫn có thể tạo lập đỉnh mới.

Dự báo được ông Tuấn đưa ra là chỉ số này sẽ đạt mức tăng khoảng 20% so với mốc 1.450 điểm giai đoạn cuối năm 2021, tương đương mức đỉnh mới của VN-Index sẽ vào khoảng 1.740 điểm.

Về nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng tốt, ông Tuấn cho rằng, trong nửa đầu năm 2022, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, doanh nghiệp hưởng lợi từ đầu tư công sẽ dẫn dắt thị trường. Riêng với chứng khoán, đây là lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm qua, nhờ hưởng lợi trực tiếp từ sự bùng nổ của thanh khoản.

Trên nền tảng đó, các công ty chứng khoán đã đẩy mạnh tăng vốn, đầu tư nâng cấp hệ thống, tuyển dụng nhân sự, mở rộng quy mô hoạt động và tạo đà vững chắc cho giai đoạn phát triển mới.

Từ góc nhìn của một nhà đầu tư cá nhân, ông Nguyễn Kim Sáng cho rằng, năm 2022 vẫn sẽ là một năm thuận lợi đối với việc đầu tư chứng khoán, nhưng lợi nhuận sẽ không dành cho số đông như năm 2021 nữa.

Theo ông Sáng, thị trường sẽ đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức và sự hiểu biết tốt. Nhà đầu tư ít kinh nghiệm nên lựa chọn việc nắm giữ lâu dài hơn là việc giao dịch quá thường xuyên.

“Tôi tin tưởng VN-Index hướng đến vùng 1.800 điểm trong năm nay”, ông Sáng nói và cho biết thêm: “Riêng trong quý I/2022, bất động sản vẫn là ngành thu hút dòng tiền tốt nhất và dẫn dắt thị trường. Nhà đầu tư có thể cân nhắc thêm dòng xây dựng, đầu tư công và thủy sản. Tuy nhiên, cần chọn thời điểm vào phù hợp với phương pháp giao dịch của từng người”.

Còn theo nhà đầu tư Đỗ Khoa, kiêm tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán TP.HCM thì năm 2022, thị trường có thể tạo lập đỉnh mới ở mức tăng khoảng 300 điểm so với đỉnh cũ của năm 2021, tức VN-Index sẽ đạt mức 1.800 điểm. Về vốn hóa thị trường, do năm 2022 chưa nhìn thấy nguồn hàng lớn, tiềm năng, nên có thể quy mô thị trường sẽ không tăng đột biến, có thể ở mức 20% so với vốn hóa thị trường năm 2021.

Về mặt vĩ mô, theo nhà đầu tư này, lãi suất và lạm phát vẫn là 2 vấn đề lớn cần được quan tâm. Năm 2022, lãi suất thấp vẫn là nguồn vốn rẻ cho thị trường, là động lực chi phối chính. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần phải theo dõi sát lạm phát, đặc biệt là câu chuyện lạm phát của Mỹ. Trường hợp lạm phát ở Mỹ tăng như xu hướng 2021 thì gần như chắc chắn ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng lãi suất và có tác động đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Quý I này, theo ông Khoa, sẽ là quý các nhà đầu tư bám theo báo cáo tài chính năm 2021 và quý I/2022 cùng thông tin về đại hội cổ đông thường niên.

“Các blue-chips hàng đầu như VIC, VHM, VNM, VCB... sẽ dẫn dắt thị trường. Riêng cổ phiếu ngân hàng, do đã có 6 tháng cuối năm tích lũy nên vẫn có cửa tăng trưởng. Với các cổ phiếu chứng khoán thì tiềm năng phụ thuộc nhiều vào thanh khoản thị trường, quan trọng là có vượt qua được ngưỡng 30.000 – 40.000 tỷ đồng/phiên hay không, vì nếu thanh khoản thấp thì doanh thu, lợi nhuận của các công ty chứng khoán đều giảm và tác động đến giá cổ phiếu.

Năm 2021, VN-Index thiết lập đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi chạm mốc 1.500,81 điểm. Tính đến ngày 28/12/2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đạt mức 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 28/12/2021, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1.727.000 tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020…

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục