Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, qua 7 năm triển khai thực hiện, Luật đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng phát sinh một số những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp; điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng, cộng với điều kiện hưởng lương hưu chặt chẽ khiến số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần tăng; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa thu hút nhiều người dân tham gia...
Vĩnh Phúc đặt nhiệm vụ chăm lo cho đời sống người lao động và các tầng lớp nhân dân lên hàng đầu |
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 9 chương với 136 điều, tăng 11 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Dự thảo Luật có 10 nội dung thay đổi chính thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, người lao động, doanh nghiệp. Mục tiêu của việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền lợi ích của người dân để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
Các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là cần thiết nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, tập trung góp ý đối với những vấn đề nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội, khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất phù hợp với thực tiễn và hoạt động quản lý Nhà nước như: Cần bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho người có mức sống thấp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; bổ sung chế độ ốm đau, thai sản cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố; bổ sung chế độ thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; quy định không giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp sau 12 tháng không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu đối với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; sử dụng sổ bảo hiểm xã hội điện tử thay cho sổ bảo hiểm xã hội giấy như hiện nay.
Ghi nhận các ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo Luật, đặc biệt là đối với những vướng mắc, tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện pháp luật, ông Nguyễn Văn Mạnh cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.