Đóa hướng dương kiêu hãnh trên đất Việt

(ĐTCK) Vẫn là ngỡ ngàng, ngạc nhiên và thán phục, thậm chí là vô cùng thán phục. Đó là cảm giác của tôi khi trở lại với Trang trại TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), sau chuyến thăm lần đầu tiên trang trại này cách đây hơn 3 năm về trước. 
Cánh đồng hướng dương của TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách Cánh đồng hướng dương của TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An) đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách

Tất cả thật khác biệt, và điều đó khiến tôi hiểu rằng, bà Thái Hương và Tập đoàn TH đã làm được nhiều hơn rất nhiều so với giấc mơ ban đầu là đưa đồng cỏ châu Âu về giữa lòng xứ Nghệ, về với đất Việt thân yêu...

1. Bị hấp dẫn bởi cánh đồng hoa hướng dương, đang khiến giới trẻ trong Nam, ngoài Bắc, mà cũng chẳng cứ chỉ là giới trẻ... phát cuồng, tôi cũng quyết định xách ba lô và đi - vào đúng những ngày Đông đầy nắng.

Đến Nghĩa Đàn (Nghệ An) khi những sợi nắng chiều vẫn còn vàng óng ả, thực sự choáng ngợp trước hàng triệu đóa hướng dương đang khoe sắc vàng rực rỡ trên cả một cánh đồng mênh mông rộng tới 100 ha. Chẳng khác nào cảnh thần tiên, bởi trước nay, đây là điều chưa từng có ở Việt Nam, cho đến khi TH xuất hiện.

Một năm hai lần TH trồng hướng dương để làm... thức ăn cho bò, vô tình biến cao nguyên Phủ Quỳ thành một điểm đến hấp dẫn. Thêm những mùa cao lương tím hay cỏ mombasa ngút ngàn xanh, Trang trại TH đã thực sự trở thành một đồng cỏ châu Âu giữa lòng xứ Nghệ, như giấc mơ ban đầu của bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH.

Nhưng những ấn tượng đẹp về một cách đồng hướng dương vàng rực trong nắng, làm sáng cả một khoảng trời Nghĩa Đàn, đã nhanh chóng nhường chỗ cho sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên và thán phục, thậm chí là vô cùng thán phục khi được tham quan trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa của TH, cả khu chế biến thức ăn, rồi khu xử lý nước thải của TH...

Đã hơn một lần tới nơi này, mà cảm giác thì vẫn vẹn nguyên lần đầu. Vẫn thú vị nghe tiếng nhạc du dương trong khu vắt sữa bò, vẫn ngỡ ngàng trước đàn bò sữa mà con nào cũng được gắn chip để theo dõi từng bước chân đi, từng lượng thức ăn được hấp thụ, từng lít sữa được vắt mỗi ngày...

Nhưng đã không còn chỉ là 1-2 trang trại như trước kia nữa, mà hệ thống các trang trại bò sữa giờ đã được mở rộng ra rất nhiều, để ít nhất đủ “chỗ ở” cho đàn bò 45.000 con, trong đó 25.000 con đang cho sữa và đủ “cung ứng” khoảng 450 tấn sữa tươi mỗi ngày cho nhà máy chế biến sữa TH.

Thậm chí, trò chuyện với chúng tôi, các nhân viên của TH tự hào bảo, giờ TH không còn phải lo nhập bò sữa từ NewZealand như trước kia nữa. Bởi các chuyên gia, cán bộ của TH đã thành công trong việc giữ được nguồn gene quý của đàn bò, không chỉ tiết kiệm chi phí nhập khẩu mà còn là minh chứng cho thấy, bàn tay và khối óc người Việt hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ đầu cuối của thế giới.

Giữa năm 2015, những kỹ sư và chuyên gia của Alfimilk (Israel), công ty được bà Thái Hương thuê để thực hiện dịch vụ tư vấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa và quản lý đàn, cũng đã tự tin bàn giao toàn bộ quy trình công nghệ chăn nuôi bò sữa cho người Việt…

Và cũng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến hầm biogas, mà theo công suất thiết kế - lên tới 1.500 m3/ngày đêm, đã có thể xếp vào loại lớn nhất khu vực ASEAN. Hầm biogas này chỉ vừa mới được hoàn thành vào cuối tháng 11/2016, để đảm bảo xử lý tốt nhất chất thải từ Trang trại TH, vừa góp phần bảo vệ môi trường, lại vừa mang lại giá trị kinh tế. Nghe nói, năng lượng của hầm sẽ được dùng để sấy phân và phát điện cho dự án, với công suất có thể lên tới 6.000 MW/năm...

2. Cứ như thế, chúng tôi đã đi từ hết thú vị này tới thú vị khác khi tới thăm mỗi hạng mục của Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, mà bà Thái Hương và Tập đoàn TH đã dày công gầy dựng trong hơn 7 năm qua. Nhưng thú vị nhất, bất ngờ nhất là nghe bà Thái Hương hé lộ thông tin về mô hình chăn nuôi bò sữa mới - mô hình chăn nuôi organic (hữu cơ) mà hiện nay, nhiều hãng sữa đang theo đuổi.

Không theo con đường nhập khẩu sữa organic từ các trang trại, nhà máy ở nước ngoài, TH chọn cách “organic hóa” dòng sữa tươi ngay tại đồng đất Việt Nam và trên chính đàn bò sữa mà mình đang phát triển.

500 con bò sữa đầu tiên đã được tách đoàn để chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi organic. Nghĩa là sẽ đưa đàn bò về với thiên nhiên, về với cách chăn thả truyền thống xưa kia, được chăn nuôi bằng thức ăn hữu cơ, được chăm sóc bằng các phương pháp hoàn toàn tự nhiên, không dùng hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật…

Bò nếu có bệnh, cũng sẽ chỉ dùng tỏi, gừng, lá trầu không… để chữa, và ngay cả các thảo dược này cũng được trồng theo phương thức organic. Cả chuồng trại cũng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn organic, rất gắt gao. Tất cả là để cho ra những dòng sữa organic ngọt ngào, tươi mới và đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Mỹ và châu Âu…

“Ở Nga, Chính phủ hỗ trợ trực tiếp 3 rúp trên mỗi lít sữa organic”, đã có lần nghe bà Thái Hương chia sẻ thế.

Vậy thì bước chuyển đổi chăn nuôi bò và chế biến sữa sang phương thức organic phải chăng cũng là sự chuẩn bị cho sự vận hành dự án ở Nga? Tôi đem thắc mắc đó hỏi Trần Đình Tuệ, quản lý trang trại bò organic thì chỉ nhận được câu trả lời rằng, đó là “tầm chiến lược của Tập đoàn” mà chỉ những lãnh đạo Tập đoàn mới trả lời được.

Còn hiện thời, Tuệ chỉ biết, 500 “cô” bò sữa đã được chuyển đổi thành công sang mô hình organic. Và tới đây, sẽ không chỉ là 500 con, mà sẽ là một đàn bò sữa organic 2.500 con được phát triển ngay tại cánh đồng Nghĩa Đàn.

Tới thăm trang trại này, nhìn đàn bò sữa organic tung tăng trên cánh đồng bát ngát xanh, càng thêm thán phục tầm nhìn của “người đàn bà sữa Thái Hương”. Hơn 7 năm phát triển Dự án TH, bà không những thực hiện thành công “cuộc cách mạng sữa tươi sạch” ở thị trường Việt Nam, mà sắp tới, còn có thể tạo đột phá trên thị trường sữa organic Việt Nam.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng để định tính và định lượng được chất lượng sữa tươi hữu cơ TH true MILK”, bà Thái Hương nói.

Hiện tại, TH đang trong những bước đi cuối cùng để có thể nhận chứng nhận hữu cơ theo chuẩn châu Âu là EC 834-2007 và EC 889-2008; tiếp đó sẽ là chuẩn Mỹ (tiêu chuẩn USDA-NOP) cho đàn bò sữa organic và cho cả chuỗi sản xuất, từ trang trại, nhà máy tới khâu phân phối. Với cách làm này, bà Thái Hương sẽ tiếp tục là người kiến tạo những chuẩn mực, chất lượng sữa organic ngay tại Việt Nam, giống như cách mà bà đã làm đối với sữa tươi sạch hay sữa học đường...

3. Lại nhắc đến Trần Đình Tuệ. Đó là chàng kỹ sư trẻ mà tôi đã có duyên được gặp từ chuyến thăm trang trại TH hơn 3 năm về trước. Lúc ấy, chàng kỹ sư nông nghiệp quê Trà Vinh, học đại học ở Israel, đáng lẽ sẽ làm việc cho Afikim, nhưng cuối cùng lại quyết định đầu quân cho TH và đã ở lại TH từ đó cho tới nay. Nghe cách cậu ấy nói chuyện, vẫn đầy say mê với từng bước phát triển của Trang trại TH.

Ở TH còn có một cặp vợ chồng nổi tiếng khác, Lê Thăng và Vy Hằng, mà tôi cũng đã nhiều lần được gặp. Cả hai sau một thời gian dài gắn bó ở TH cũng đã đều được ngồi vào vị trí quản lý, Vy Hằng ở trung tâm chế biến thức ăn, còn Lê Thăng - vẫn trên cánh đồng bạt ngàn nắng và gió. Và cũng vẫn thấy Lê Thăng không thay đổi bao nhiêu so với trước kia, ngày ngày ra cánh đồng, mải mê với những cỗ máy cắt cỏ, những cánh tay tưới dài mênh mang. Và vẫn chiếc máy ảnh trên tay để ghi lại từng khoảnh khắc TH thật tuyệt vời.

Năm rồi, thấy Lê Thăng đi khắp nơi, lúc sang Đức, khi ở Mỹ và trong những bức ảnh của cậu, vẫn tràn ngập hình ảnh những cỗ xe khủng, mà có thể một ngày nào đó sẽ xuất hiện trên cánh đồng TH, trở thành “người hùng” cắt cỏ. Rồi có đận, thấy Lê Thăng “ăn dầm, ngủ dề” ở nước Nga xa xôi, chỉ đến khi tuyết đã phủ trắng những cánh đồng nước Nga mới chịu về Việt Nam…

Thấy cậu ấy để biết rằng, dự án 2,7 tỷ USD của TH ở Nga đã sắp thành hình. Và thấy Thăng, thấy Tuệ, thấy Vy Hằng để tin rằng, TH đã làm được hơn rất nhiều so với chỉ một giấc mơ ban đầu của bà Thái Hương là đưa đồng cỏ châu Âu về giữa lòng xứ Nghệ.

“Phải tới cuối năm 2017, dự án mới có thể vận hành, để đầu năm 2018, cho ra dòng sữa TH đầu tiên ở nước Nga”, bà Thái Hương tự hào.

Thật kỳ lạ, càng gặp, càng nói chuyện với bà Thái Hương càng thấy nhựa sống tràn trề và năng lượng sáng tạo tuyệt vời ở người phụ nữ này.

Còn nhớ, vài năm trước, nghe bà kể về những dự định ấp ủ của mình, về một dự án dược liệu, hay một cánh đồng rau hữu cơ, cả nhà máy ván ép MDF ở ngay Nghĩa Đàn, ngay cả tôi cũng phân vân. Nhưng, cũng giống như cái cách mà bà thuyết phục và chứng minh với mọi người về một cánh đồng châu Âu giữa lòng xứ Nghệ, thực phẩm chức năng mang thương hiệu TH Herbals, rau sạch FVF, ván ép MDF… đều đã lần lượt ra đời.

Thậm chí, một trường học mang tên TH School, với một mô hình hoàn toàn mới cũng đã chính thức được khai giảng năm học đầu tiên. Và không dừng lại ở đó, bà Thái Hương bảo, vẫn còn nhiều kế hoạch mà bà đang ấp ủ, để làm sao mục đích cuối cùng là mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người dân Việt Nam.

Có thể, sẽ vẫn có những nghi ngờ. Nhưng tôi tin, bà Thái Hương và TH - cũng giống như triệu đóa hướng dương kiêu hãnh kia - sẽ luôn hướng về ánh mặt trời, cũng có nghĩa luôn hướng về cái đẹp, cái thiện. Và nếu vậy, chẳng có lý do gì để TH không tiếp tục thành công, bởi những tấm lòng hướng thiện sẽ luôn được đền đáp xứng đáng.

Tố Vương
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục