"Chúng tôi muốn tăng số cửa hàng phân phối sản phẩm lên gấp đôi vào năm nay”, An chia sẻ.
Năm 2007, Nguyễn Thị Thanh An được Chính phủ Australia trao tặng giải thưởng Nhà lãnh đạo tiêu biểu và giải thưởng Fulbright của Mỹ năm 2009. An hiện cũng được chọn là đại sứ cho tuần lễ Tăng Trưởng Xanh tại Việt Nam do Viện Sinh thái môi trường tổ chức.
Ý tưởng về việc tạo ra một trong những sản phẩm chăm sóc sức khỏe và được làm từ thiên nhiên xuất hiện từ khi An còn là sinh viên Đại học Ngoại Thương (Hà Nội). Khi đó, nghe các phương tiện truyền thông đài báo nói nhiều về nguy cơ thực phẩm bẩn tại Việt Nam, cộng với sở thích kinh doanh, cô đã viết dự án “sản xuất và phân phối thực phẩm sạch” và đoạt giải “Thắp sáng tài năng kinh doanh trẻ” năm 2003.
Sau khi ra trường với tấm bằng loại giỏi và 10 năm làm việc tại những vị trí lãnh đạo khác nhau ở các tập đoàn đa quốc gia như Asia Pacific Breweries, Unilever, Heineken, Danone Group... An luôn giữ vai trò chủ chốt trong việc đưa sản phẩm của các doanh nghiệp ngoại vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khi tới Mỹ vào giữa năm ngoái, An phải làm điều ngược lại khi mang sản phẩm thiên nhiên từ Việt Nam sang thị trường này.
An cho biết mục tiêu là sẽ không dừng lại ở thị trường California. Cô và các đồng nghiệp đang làm việc với các nhà phân phối lớn nhất Mỹ để nhanh chóng đưa sản phẩm lên kệ của các cửa hàng chuyên bán các sản phẩm thiên nhiên cao cấp như Wholesfoods, Sprouts... Công ty còn muốn mở rộng thị trường tới Bắc Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.
Tuy nhiên, phía sau bước đầu thành công ấy, An cho biết còn có vô vàn khó khăn mà khi ở Việt Nam chị không thể lường trước.
“Khi ở Việt Nam làm cho các tập đoàn lớn lúc nào cũng có xe đưa xe đón, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu. Vậy mà khi tới San Francisco, để lựa chọn văn phòng cho công ty, tôi phải đi bộ khắp nơi để tìm kiếm. Tuần đầu tiên ở Mỹ, ngày nào tôi cũng đi bộ từ sáng đến tối giải quyết đủ loại công việc, đến mức có hôm gót chân rớm máu mà chẳng hay. Về sau tôi mới biết, San Francisco là thành phố trên đồi nên khi đi bộ cần chọn giày thể thao chứ không phải giày da như ở Việt Nam", chị kể lại.
An cho biết, đó chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng đã giúp khiến chị cảm thấy thấm thía về sự khác biệt giữa lúc làm việc trong môi trường một công ty đa quốc gia - nơi có một hệ thống đã sẵn sàng và khi khởi đầu ở một doanh nghiệp mới…
Thách thức lớn hơn nữa theo An là mức độ cạnh tranh ở thị trường Mỹ. Tuy là một thị trường tiềm năng nhưng đây cũng là nơi của những khách hàng "khó tính" nhất.
"Công ty chúng tôi muốn thay đổi quan niệm rằng hàng Việt Nam là rẻ và kém chất lượng nên chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm cao cấp. Người dân Mỹ có thu nhập cao nên cũng sẵn sàng đầu tư thích đáng cho những sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn sản phẩm tại đây rất nhiều và chặt chẽ nên chúng tôi phải mất nhiều thời gian để hoàn tất các thủ tục đưa sản phẩm ra thị trường", chị An chia sẻ.