Đây là một trong những thông tin đáng chú ý trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng do liên danh tư vấn đứng đầu là Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) đề xuất.
Tăng tốc đầu tư cho đường sắt
Theo liên danh tư vấn TEDI, hệ thống đường sắt Việt Nam đã được hình thành đầu thế kỷ 2010, sau hơn 100 năm. Mặc dù được nâng cấp, cải tạo nhưng đã lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu và thực tế đã bị mất thị phần vận tải ngay trên những hành lang, chặng tuyến mà trước đây là lợi thế.
Việc đường sắt đang dần mất vai trò, góp phần làm chi phí logistics cao, nguy cơ mất an toàn giao thông, gia tăng ô nhiễm môi trường, hạn chế sự phát triển các đô thị có đường sắt đi qua, ảnh hưởng năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Bước sang thế kỷ 21, lần đầu tiên tại văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có yêu cầu “Quan tâm đúng mức phát triển giao thông đường sắt”.
Đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận liên quan đến chủ trương sớm đầu tư hoàn thành tuyến đường sắt chiến lược này như: “nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển” tại Nghị quyết số 29-NQ/TW, “phấn đấu hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” tại Kết luận số 97-KL/TW, “ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn thành tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng...” tại Kết luận số 72-KL/TW.
Vừa qua, Trung ương, Quốc hội đã quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc thực hiện dự án chiến lược khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
“Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ là công trình tiếp theo để hiện thực hóa chủ trương đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đề ra”, đại diện TEDI cho biết.
Bên cạnh đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Việt Nam đã định hướng phát triển theo 13 hành lang kinh tế, trong đó hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước (sau hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông), đồng thời hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng nằm trong khuôn khổ của Khung hợp tác thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN.
Trong các hành lang kinh tế có nhu cầu vận tải lớn, vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng do có ưu thế vận tải khối lượng lớn, chi phí thấp.
“Tuyến đường sắt mới khổ 1.435 mm là công trình giao thông chiến lược của hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, là trục kết nối các trung tâm đô thị, khu công nghiệp lớn của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, là tuyến đường sắt ngắn nhất để vận tải hàng hóa từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến cảng biển quốc tế”, đại diện tư vấn phân tích.
Theo tính toán, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối cửa khẩu quốc tế Hà Khẩu - Lào Cai, với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đi qua 9 địa phương, chiếm lần lượt khoảng 20%, 25,4% và 25,1% về dân số, GRDP, khu công nghiệp cả nước.
Trên cơ sở số liệu khảo sát giao thông, cập nhật định hướng phát triển không gian, kinh tế - xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực nghiên cứu và sử dụng mô hình dự báo tiên tiến để tính toán, kết quả cho thấy, đến năm 2050 tổng nhu cầu vận tải trên hành lang là khoảng 397,1 triệu tấn hàng hóa và 334,2 triệu hành khách.
Để tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng vận tải, giảm chi phí logistics bảo đảm phát triển bền vững, dựa trên vai trò, lợi thế của từng phương thức vận tải, vận tải bằng đường sắt cần đảm nhận khoảng 25,6 triệu tấn hàng hóa, 18,6 triệu hành khách.
Trong khi đó, tuyến đường sắt hiện hữu khổ 1.000 mm có bán kính đường cong nhỏ, độ dốc lớn, tốc độ khai thác trung bình 50 km/h, không kết nối được vận tải liên vận, năng lực cạnh tranh thấp chỉ đáp ứng khoảng 4,1 triệu tấn hàng hóa, 3,8 triệu hành khách, phục vụ cho khách du lịch chặng ngắn, một số hàng hóa, nguyên liệu công nghiệp.
Do đó cần phải đầu tư tuyến đường sắt mới để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải, giảm chi phí logistics, bảo đảm phát triển bền vững.
Cú hích cho cơ khí chế tạo
Dự án có tổng chiều dài 403,1 km gồm tuyến chính dài 388,1 km và 2 tuyến nhánh dài 15 km. Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng là tuyến trục chính có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống đường sắt, có kết nối quốc tế và là đường sắt cấp 1 - khổ 1.435 mm. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 194.929 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,027 tỷ USD).
Một tác động tích cực khác của Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng chính là việc tham gia tạo ra thị trường xây dựng, công nghiệp cơ khí trong nước.
Theo tính toán, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 4,4 tỷ USD, ước tính tạo ra khoảng 90.000 việc làm trong thời gian xây dựng và khoảng 2.500 việc làm lâu dài trong quá trình vận hành, khai thác.
Trường hợp tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 98,2 tỷ USD và hàng triệu việc làm.
Đồng thời, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt, ngoài Dự án, hệ thống đường sắt tiêu chuẩn cần xây dựng mới khoảng 1.953 km, điều này tạo lập thị trường ổn định, dài hạn để tiếp tục triển khai các dự án trong giai đoạn tiếp theo.
Nếu được chuyển giao công nghệ thích hợp, Việt Nam có khả năng phát triển công nghiệp đường sắt, trong đó: làm chủ công nghiệp xây dựng; từng bước làm chủ và nội địa hóa về chế tạo toa xe, hệ thống cấp điện động lực, hệ thống thông tin, tín hiệu; tự chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì và sản xuất một số linh kiện thay thế.
“Vì vậy, cùng với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Dự án này là tiền đề để phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ”, đại diện tư vấn đánh giá.
Do phương thức vận tải đường sắt là phương thức vận tải có mức phát thải thấp nhất nên tuyến đường sắt sử dụng năng lượng điện sẽ là giải pháp tối ưu để chuyển đổi phương thức vận tải góp phần đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26.
Đồng thời, tuyến đường sắt được nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại để giảm bớt các tác động tiêu cực của thời tiết, có hệ thống cảnh báo sớm động đất, thiên tai nên rất an toàn, có khả năng chống chịu các điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn trên tuyến giao thông huyết mạch của hành lang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
“Bên cạnh đó, tuyến đường sắt hiện hữu bị hạn chế khổ giới hạn nên việc đầu tư tuyến đường sắt khổ 1.435 mm, có thể vận chuyển các loại hàng hóa đặc chủng phục vụ quốc phòng, an ninh, hình thành thêm trục cơ động khi có tình huống khẩn cấp”, Báo cáo nghiên cứu tiền khi Dự án nêu rõ.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mạng lưới đường sắt gồm 25 tuyến đường sắt, tổng chiều dài khoảng 6.354 km, gồm: 7 tuyến đường sắt hiện hữu, 18 tuyến đường sắt mới, trong đó trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có 2 tuyến: đường sắt hiện hữu, đường đơn, khổ 1.000 mm, được tiếp tục duy trì, khai thác phù hợp với nhu cầu; đường sắt mới, đường đôi, khổ 1.435 mm, tiến trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.