Đo sức margin của các công ty chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) tại không ít công ty chứng khoán lập kỷ lục mới, một số công ty luôn trong tình trạng “căng” margin.
Quy mô thị trường tăng, giá trị giao dịch tăng, nhu cầu giao dịch ký quỹ cũng tăng. Quy mô thị trường tăng, giá trị giao dịch tăng, nhu cầu giao dịch ký quỹ cũng tăng.

Những con số kỷ lục

Từ đầu năm 2021 đến nay, tỷ số dư nợ margin/thanh khoản khớp lệnh trung bình của HOSE thường xuyên ở mức cao. Tỷ số này cao hơn nhiều vùng đỉnh năm 2018. Ghi nhận tại nhiều công ty chứng khoán cho thấy, dư nợ margin tính đến cuối quý III/2021 đang ở mức đỉnh lịch sử.

Bà Vũ Nam Hương, Giám đốc Tài chính, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, số dư cho vay margin tính đến 30/9/2021 tại Công ty lập kỷ lục mới ở mức 11.300 tỷ đồng, tăng 22% so với 30/6/2021 (9.300 tỷ đồng) và tăng 141% so với đầu năm 2021.

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho hay, dư nợ margin toàn thị trường đến cuối quý III/2021 là 141.304 tỷ đồng, phá kỷ lục 126.761 tỷ đồng cuối quý II. Dù vậy, so với quy mô giao dịch toàn thị trường thì mức tổng dư nợ margin vẫn ở ngưỡng bình thường.

Cách đây hơn một năm, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường bình quân là 8.000 tỷ đồng/phiên, tổng dư nợ margin toàn thị trường khi đó khoảng 83.000 tỷ đồng.

Tổng dư nợ toàn thị trường chứng khoán tính đến cuối quý III/2021 ở mức đỉnh lịch sử là 141.304 tỷ đồng.

Hiện nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường ở mức trên 20.000 tỷ đồng/phiên, trong khi dư nợ margin đạt hơn 141.000 tỷ đồng.

Như vậy, quy mô giao dịch trên thị trường tăng mạnh hơn so với mức tăng của margin. Tất nhiên, thanh khoản thị trường tăng còn do số lượng nhà đầu tư mở tài khoản mới liên tục ghi nhận các con số ấn tượng trong một năm qua, nâng tổng số lượng tài khoản lên trên 3,6 triệu.

Tại MBS, dư nợ margin tính đến cuối tháng 9/2021 là 5.900 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Lãnh đạo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ, dư nợ margin tính đến cuối quý III/2021 đạt trên 10.000 tỷ đồng và Công ty luôn trong tình trạng “căng” margin. Tuy nhiên, tình trạng “căng” margin nếu có tái diễn thì tỷ trọng dòng tiền này trên tổng quy mô giao dịch thị trường vẫn thấp hơn đáng kể so với các năm trước, do thanh khoản ở mức cao.

Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, dư nợ margin tại Công ty tính đến cuối tháng 9/2021 đạt xấp xỉ 4.300 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Theo thống kê của ACBS, tổng dư nợ toàn thị trường đang ở mức đỉnh lịch sử sau khi phá đỉnh của các quý trước đó. Tuy nhiên, vốn hóa thị trường, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tăng mạnh, thanh khoản thị trường cũng tăng và đặc biệt, lượng tiền mặt của khách hàng tại các công ty chứng khoán đang ở mức cao kỷ lục. Các yếu tố này giúp ổn định và điều tiết đòn bẩy margin ở mức hợp lý.

Thanh khoản không theo kịp margin

9 tháng đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân tại HOSE đạt trên 19.543 tỷ đồng/phiên với khối lượng giao dịch bình quân 682,42 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 138,3% về khối lượng và tăng 294,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 8 thiết lập kỷ lục vào phiên 20/8 với khối lượng gần 1,2 tỷ cổ phiếu, giá trị 38.075 tỷ đồng, cao nhất trong 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán.

Tính riêng quý III/2021, thanh khoản bình quân đạt 19.974 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với con số 19.883 tỷ đồng/phiên của quý II, nhưng thanh khoản nhóm VN30-Index giảm 15%, trong khi đây được coi là nhóm được giao dịch ký quỹ nhiều nhất.

ACBS cho rằng, trong quý III, thị trường thiếu hụt thông tin hỗ trợ sau khi mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh khả quan của quý II kết thúc. Đặc biệt, đợt dịch Covid-19 lần thứ tư có diễn biến phức tạp, lan rộng và kéo dài, dần gây thiệt hại nặng nề hơn đối với nền kinh tế. Theo đó, dòng tiền giải ngân trở nên dè dặt, trong khi áp lực chốt lời ở không ít cổ phiếu gia tăng.

“Mặc dù dư nợ margin tăng mạnh, nhưng nhu cầu giao dịch ký quỹ của khách hàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều công ty chứng khoán không thể tăng thêm dư nợ do giới hạn về hạn mức dư nợ tối đa 200% vốn chủ sở hữu. Trong những tuần gần đây, không ít công ty chứng khoán đã hoàn tất thủ tục tăng vốn hoặc đã thông qua quyết định tăng vốn, hứa hẹn khả năng cung cấp margin ổn định trong quý cuối năm”, ông Trịnh Thanh Cần nói.

Ba đối tượng vay margin

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, giám đốc môi giới tại một công ty chứng khoán cho biết, có 3 đối tượng có nhu cầu vay margin.

Một là các nhà đầu tư chơi chứng khoán thường xuyên, họ luôn ở trạng thái “full margin” (sử dụng hết hạn mức vay).

Hai là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, đối tượng này sử dụng margin không nhiều.

Ba là khách hàng cá nhân lớn và lãnh đạo các doanh nghiệp sử dụng margin để thực hiện các giao dịch thỏa thuận. Họ có nhu cầu vay vốn gấp mà không cần quá nhiều thủ tục, chỉ có tài sản thế chấp là cổ phiếu. Cổ phiếu đó nằm trong rổ VN30-Index thì thủ tục vay càng đơn giản, nhanh chóng.

Nhu cầu vay ký quỹ tăng cao giúp các công ty chứng khoán có thêm nguồn thu lớn. Chẳng hạn, lãnh đạo ACBS chia sẻ, doanh thu hoạt động cho vay ký quỹ trong quý III/2021 của công ty này tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp khoảng 22% tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh và bằng khoảng 43% doanh thu hoạt động môi giới.

Tại VNDIRECT, bà Hương cho hay, trong quý III, lãi thu được từ hoạt động cho vay margin của Công ty là 313 tỷ đồng, chiếm 24% trong tổng doanh thu hoạt động trong kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2021, doanh thu từ cho vay margin là 730 tỷ đồng, chiếm 21% tổng doanh thu hoạt động. Lợi nhuận trước thuế quý III ước đạt 686 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm ước đạt 1.822 tỷ đồng.

Với SSI, một báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt gần đây đã tăng giả định dư nợ cho vay ký quỹ năm 2021 của SSI thêm 49%, lên 18.000 tỷ đồng so với báo cáo trước đó. Theo đó, doanh thu vay ký quỹ năm 2021 của SSI ước tính tăng thêm 27%, lên 1.200 tỷ đồng, mặc dù giả định lãi suất cho vay ký quỹ thấp hơn.

Thực tế, nguồn tin từ SSI cho thấy, tính đến hết ngày 30/9/2021, số dư nợ cho vay ký quỹ đạt 18.100 tỷ đồng, tăng 2.600 tỷ đồng so với 1 quý trước và đang là công ty có số dư nợ cho vay lớn nhất thị trường. Trong quý III/2021, lợi nhuận của SSI ước tính đạt 836 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Hiện tại, lãi suất cho vay tại các công ty chứng khoán dao động phổ biến từ 9 - 11%/năm. Một số công ty cho vay với mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung như Chứng khoán VPS là 7%/năm, MBS là 8%/năm, HSC là 9%/năm. Tất nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng được áp dụng mức lãi suất ưu đãi đó.

Nhu cầu vay margin cao khiến các công ty chứng khoán gấp rút tăng vốn và không ít công ty đã huy động vốn thành công để nâng dư địa cho vay margin. Một số công ty lớn còn huy động vốn từ các định chế tài chính nước ngoài thông qua hình thức vay tín chấp.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục