"Đọ sức" các kênh đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với nhiều người, dù cơ hội lựa chọn kênh đầu tư là không ít, nhưng nhà đất vẫn là điều gì đó rất khó cưỡng lại...
Bất động sản là điểm dừng chân quen thuộc của dòng tiền Bất động sản là điểm dừng chân quen thuộc của dòng tiền

Thị trường phục hồi sớm

Ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc BHS Group cho biết, sau thời gian dài bị nén chặt, dòng tiền đầu tư đang có xu hướng bung ra mạnh mẽ và trong bối cảnh nhiều kênh đầu tư không còn hấp dẫn hoặc an toàn, bất động sản lại trở thành điểm đến quen thuộc.

“Vàng đã tăng quá cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, lãi suất tiền gửi lại quá thấp, không còn hấp dẫn, trong khi chứng khoán là lĩnh vực không dành cho tay mơ…, tất cả những điều này khiến dòng tiền đang trực chờ chảy vào bất động sản. Theo đó, thị trường địa ốc cũng đang vận động và phục hồi nhanh hơn so với ước đoán của nhiều người”, ông Nga nói và cho biết thêm, trước đó, nhiều quan điểm cho rằng, thị trường sẽ chỉ có thể phục hồi từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy, bất động sản đã “bắt nhịp” chính sách, giao dịch thị trường đã sôi động hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó và dòng tiền đã hào hứng nhập cuộc trở lại.

Dữ liệu khảo sát của Batdongsan.com.vn trong quý I/2024 cho thấy, thị trường bất động sản có nhiều diễn biến tích cực, nhất là về mặt tâm lý. Cụ thể, có tới 65% nhà đầu tư đánh giá tác động là tích cực, con số này với các chủ đầu tư và sàn môi giới cũng ở mức cao, lần lượt là 58% và 54%. Đặc biệt, có tới 62% nhà đầu tư cho biết đang tận dụng cơ hội để mua bất động sản giảm giá/có chính sách tốt, 31% nhà đầu tư cho biết đang quan sát chọn điểm mua phù hợp. Từ phía chủ đầu tư, 26% doanh nghiệp cho biết đã tăng ngân sách marketing, 19% doanh nghiệp tăng quy mô nhân sự trong quý đầu năm nay.

Còn theo One Mount Real Estate - thành viên của Tập đoàn One Mount, là công ty công nghệ cung cấp hệ sinh thái số về mua sắm nhà ở và đầu tư bất động sản, trong khảo sát vào cùng thời điểm, khoảng 53% khách hàng được hỏi đang có nhu cầu mua bất động sản, tăng 17% so với quý IV/2023. Phần lớn nhóm khách hàng này có thu nhập cao và giàu có, một nửa trong đó dự định mua bất động sản ngay trong năm nay.

Về suất đầu tư, báo cáo của One Mount Real Estate cho thấy, 8% số người có kế hoạch mua nhà có tài chính dưới 3 tỷ đồng; 10% có từ 3-5 tỷ đồng; 12% có từ 5-10 tỷ đồng và 22% có trên 10 tỷ đồng.

Về thanh khoản thị trường, One Mount Real Estate cho biết, trong quý I/2024, giao dịch bất động sản tại Hà Nội khá sôi động với hơn 22.000 giao dịch sơ cấp và thứ cấp, chủ yếu tập trung tại các sản phẩm có giá dưới 5 tỷ đồng. Trong đó, 90% giao dịch là giao dịch chung cư và thổ cư; 75% các giao dịch tập trung ở các quận khu Đông và khu Tây.

Chuyển dòng tiền nhàn rỗi vào nhà đất

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Tuấn - một môi giới bất động sản cho hay, chia sẻ từ nhiều khách hàng cho thấy điểm chung là nhiều người giờ đây không còn thấy kênh tiền gửi hấp dẫn, từ đó có những động thái tìm nơi bỏ vốn thay thế.

“Dù mặt bằng lãi suất huy động cũng như cho vay xuống thấp trong thời gian khá dài, nhưng việc tìm kiếm các sản phẩm bất động sản chỉ thực sự sôi động hơn từ đầu tháng 4/2024. Nhiều nhà đầu tư cho biết, dù cũng thích thú với vàng, nhưng việc giá kim loại quý này tăng quá mạnh khiến họ ‘cảm thấy vô lý’ và không tự tin xuống tiền, do đó phân khúc được hướng đến nhiều vẫn là nhà đất trong dân”, môi giới này nói và cho biết thêm rằng, với những nhà đầu tư từng thành công với đất nền, không ít người đã chủ động tìm đến những nơi đang hưởng lợi từ hiệu ứng hạ tầng như những khu vực nằm dọc các tuyến đường Vành đai 3.5, Vành đai 4… với suất đầu tư phổ biến khoảng 2 tỷ đồng/lô.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, trong giai đoạn hiện tại, các kênh đầu tư chính đều có sự hấp dẫn cũng như rủi ro riêng. Chẳng hạn, với vàng, mức giá đã tăng quá cao, nên sẽ là rủi ro lớn cho nhà đầu tư nếu quyết định tham gia ở giai đoạn hiện tại. Hay với tiền gửi, kênh này không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Từ đầu năm 2024 tới nay, lượng tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đã sụt giảm đáng kể, nguyên nhân chủ yếu do các ngân hàng được sự chỉ đạo là đưa lãi suất tiền gửi xuống thấp, sát với tỷ lệ lạm phát. Khi lãi suất xuống thấp thì việc người dân tìm lĩnh vực khác mang lại lợi nhuận cao hơn để đầu tư là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, mức độ huy động vốn của các ngân hàng trong những tháng đầu năm 2024 đều giảm so với thời điểm cuối năm 2023.

Với bất động sản, ông Thịnh cho rằng, dù đang có sự chuyển biến ngày một tích cực, một số phân khúc chứng kiến thanh khoản tăng mạnh, nhưng thị trường này vẫn cần thêm thời gian để thực sự hồi phục. Đặc biệt, hiện tại, giá căn hộ đang ở mức quá cao, trong khi các phân khúc khác như đất nền, bất động sản nghỉ dưỡng… vẫn khá trầm lắng, do đó nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ khi tham gia thị trường lúc này.

“Về bối cảnh vĩ mô nói chung, câu chuyện dòng tiền, tỷ giá cũng sẽ chịu những tác động từ bên ngoài. Trong đó, đáng lưu ý là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa giảm lãi suất đã nằm trong dự báo ngay từ đầu năm và hiện nay, mọi thông tin vẫn chưa có gì thay đổi. Dự báo trước đó, cơ quan này sẽ giảm lãi suất từ tháng 6, hay giờ chuyển sang tháng 9 cũng chỉ là kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Tuy vậy, Việt Nam vẫn có các điều kiện để duy trì tỷ giá ổn định cho đến hết năm”, ông Thịnh chia sẻ thêm.

Đáng chú ý, với lượng kiều hối gửi về Việt Nam mỗi năm ước tính tương đương giá trị 10.000 căn hộ, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là dòng vốn “tươi mới” và có thể sẽ được dùng nhiều hơn cho mục đích đầu tư vào thị trường bất động sản.

Theo ông David Jackson - Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam, với Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nếu mua bất động sản trong nước để ở, ưu tiên đầu tiên là vị trí gần họ hàng và gia đình, hoặc ở các đô thị lớn nhưng vẫn có môi trường tự nhiên tốt cho sức khỏe để nghỉ dưỡng. Người mua có thể chọn nhà liền thổ hoặc chung cư tùy vào giá bất động sản khu vực đó và khả năng tài chính của họ. Một cách khác, nếu muốn đầu tư, thay vì trực tiếp mua bất động sản, chủ nhân nguồn tiền sẽ sử dụng các công cụ khác như tín chỉ quỹ, trái phiếu… vì tính thuận tiện, dễ kiểm soát tài sản hơn khi họ không sống ở Việt Nam.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục