Nếu như trước đây, khách hàng Việt quan tâm nhiều tới giá cả của sản phẩm và ưa chuộng sử dụng những loại có giá rẻ, thì hiện nay, ngày càng có nhiều người tìm đến phân khúc trung và cao cấp để trang hoàng cho tổ ấm của mình.
Theo đó, những tiêu chuẩn lựa chọn đồ nội thất trong gia đình hiện nay của khách hàng sẽ có đặc điểm chung là thuộc về thương hiệu lớn, tính thẩm mỹ cao, đồ bền theo thời gian, khả năng tự vệ sinh tốt, các khuyến mãi đi kèm...
Chẳng hạn, với thị trường thiết bị vệ sinh, trong năm 2017 đã chứng kiến sự phủ sóng của rất nhiều thương hiệu cả trong nước lẫn ngoài nước như Inax, Toto (Nhật Bản); American Standared, Kohler (Mỹ); Ariston (Italy); Champion (Thái Lan); Kelim (Hàn Quốc); Orin (Malaysia)... Tuy nhiên, khách hàng Việt dường như vẫn "ưu ái" thương hiệu đến từ Nhật Bản hơn và sẵn sàng chịu chi để có một sản phẩm cao cấp cho gia đình.
Với nền công nghiệp phát triển từ sớm, Nhật Bản nổi tiếng với các sản phẩm dùng trong gia đình. Các sản phẩm của Nhật Bản thường thiết kế tiện lợi và đảm bảo tính năng sử dụng, nên đã từ lâu, nguồn gốc Nhật Bản trở thành bảo chứng về chất lượng của hàng hoá trong tâm trí người Việt.
Điển hình như thương hiệu sứ vệ sinh hàng đầu Nhật Bản là Inax. Với các sản phẩm đáp ứng hầu hết nhu cầu của người tiêu dùng, từ thương hiệu với 90 năm lịch sử, tính thẩm mỹ của các sản phẩm, cho đến công nghệ Aqua Ceramic, mang đến lớp sứ vệ sinh chống bám cặn silica tối đa, giữ độ trắng bóng lên đến 100 năm.
Các sản phẩm này không chỉ tối ưu hiệu quả của mỗi lần xả nước, tiết kiệm thời gian, công sức dọn dẹp cho người sử dụng, mà còn đảm bảo yếu tố thẩm mỹ - một trong những tiêu chí được ưu tiên hàng đầu trong lựa chọn thiết bị vệ sinh hiện nay.
Bên cạnh đó, trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản và nhu cầu sử dụng gỗ công nghiệp để làm nội thất trong gia đình của giới trẻ Việt, người Nhật đã nhanh chóng tiếp tận thị trường đầy tiềm năng này qua các hình thức khác nhau.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Phạm Văn Lương, Chủ tịch HĐQT HPL Group cho biết, trong quá trình phân phối sản phẩm nội thất trước đó từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, người của Tập đoàn AICA Kogyo (Nhật Bản) đã đến đặt vất đề về việc mời công ty của ông làm đại lý phân phối tấm Laminate của họ.
Sau khi trải qua quá trình đánh giá, nghiên cứu và tìm hiểu, nhận thấy chất lượng và giá trị sản phẩm của Nhật Bản tốt, từ thẩm mỹ bề ngoài đến chất lượng bên trong, phù hợp với thị trường Việt Nam, nên HPL Group đã nhận lời và là tổng đại lý phân phối độc quyền tấm Laminate AICA tại Việt Nam của Tập đoàn AICA Kogyo.
“Chúng tôi sẽ đồng hành cùng AICA để cung cấp ra những sản phẩm tấm trang trí gỗ bề mặt hàng công nghiệp đến cộng đồng người tiêu dùng bây giờ và tương lai một chất lượng của Nhật tại Việt Nam”, lãnh đạo HPL Group nhấn mạnh.
Chưa dừng lại ở đó, Tập đoàn AICA vừa khởi công xây dựng Nhà máy AICA Laminates tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch III - giai đoạn 2 (Đồng Nai). Được biết, đây là nhà máy sản xuất tấm Laminates đầu tiên tại Việt Nam với quy mô 2,3 triệu sản phẩm/năm, tương đương 10.300 tấn/năm và dự kiến sẽ chạy thử vào tháng 2/2019, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2019.
“Sản phẩm của AICA sẽ không cạnh tranh trên phượng diện giá cả, mà sẽ đi sâu vào chất lượng. Bởi điểm mạnh sản phẩm của AICA là được sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật Bản, hàm lượng khí độc phát thải ra môi trường bên ngoài gần như bằng 0”, đại diện AICA nói và cho biết thêm, ngoài việc tiêu thụ tại thị trường Việt Nam, sản phẩm của nhà máy sản xuất sẽ được xuất sang thị trường Nhật Bản và các nước khác để tiêu thụ.
Theo đánh giá của AICA, thị trường gỗ công nghiệp tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển hơn so với các nước khác như Thái Lan hay Nhật Bản, bởi Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa cao, kinh tế phát triển mạnh, cuộc sống năng động hơn và tiêu chuẩn sống của người dân cũng ngày một cao hơn. Do đó, nhu cầu sử dụng gỗ công nghiệp có chất lượng cao để làm nội thất cũng tăng theo.