Lãi suất huy động nhích nhẹ
Lãi suất huy động tiền đồng trên thị trường ngân hàng tăng nhẹ trong những tháng đầu năm 2017, hiện dao động trong khoảng 5,5 - 6,5%/năm với kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống và 6,5 - 7,7%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng, tùy từng ngân hàng.
Lãi suất tăng trong những tháng đầu năm ngoài nguyên nhân mang tính mùa vụ thì còn có nguyên nhân các ngân hàng tăng huy động để cơ cấu lại nguồn vốn, đưa giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khi thị trường bất động sản ấm lên, nhu cầu vay mua nhà gia tăng.
Mặt bằng lãi suất huy động vẫn trong xu thế tăng, ngoài những nguyên nhân nội tại ngành ngân hàng thì còn do tác động từ việc USD tăng giá. Nền kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu phục hồi vững chắc và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Do đó, Chính phủ Mỹ đã quyết định chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng.
Trong lần tăng lãi suất USD thêm 0,25 điểm phần trăm vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã khẳng định, quyết định tăng lãi suất phản ánh niềm tin của Fed vào những tiến triển mà nền kinh tế Mỹ đã đạt được cũng như dự báo đà hồi phục sẽ được duy trì.
Theo giới phân tích, các chính sách thúc đẩy chi tiêu cũng như cắt giảm thuế của ông Donald Trump được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng và kích thích lạm phát, qua đó đẩy lãi suất USD đi lên. Điều này đang tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND và lãi suất tiết kiệm tiền đồng.
Ông Huỳnh Trung Minh
Tuy nhiên, áp lực này không đáng ngại, bởi với mức dự trữ ngoại hối lên tới trên 40 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước có thể chủ động hơn trong điều tiết thị trường ngoại hối. Điểm tích cực trên thị trường tỷ giá so với trước đây là tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ hiện đã giảm nhiều.
Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra thông điệp sẵn sàng bán ngoại tệ để điều tiết thị trường. Hơn nữa, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối về Việt Nam vẫn khá tốt, đảm bảo cân đối cung - cầu ngoại tệ trên thị trường.
Cùng với đà tăng nhẹ của lãi suất huy động, lãi suất cho vay có thể nhích lên trong năm nay. Tuy nhiên, lãi suất cho vay khó có khả năng tăng đột biến. Đặc biệt, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép cơ chế khách hàng - ngân hàng được thỏa thuận lãi suất cho vay, các ngân hàng càng phải nỗ lực đưa ra mức lãi suất cạnh tranh nhất để thu hút khách hàng.
Tiết kiệm vẫn được lựa chọn
Dù USD có xu hướng tăng giá, nhưng kênh tiết kiệm ngân hàng bằng tiền đồng vẫn đang thu hút nhiều người có vốn nhàn rỗi. Bởi với mức lãi suất lên tới 7,7%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng, người gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất thực dương.
Với chính sách lãi suất huy động USD bằng 0% mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng, tỷ giá được kiểm soát ổn định, việc gửi tiết kiệm bằng VND đang cho lợi suất tốt hơn hẳn.
Chẳng hạn, người dân nếu có khoản tiền nhàn rỗi trị giá 2 tỷ đồng, gửi ngân hàng bằng VND, mỗi tháng có thể có thể thu khoản lãi hơn 10 triệu đồng, cả năm vào khoảng 130 triệu đồng. Còn nếu nắm giữ USD thì từ đầu năm đến nay họ chỉ lời vài chục triệu đồng.
Trong khi đó, với kênh đầu tư bất động sản, dù thị trường nhà đất có dấu hiệu ấm lên, nhưng đòi hỏi nhà đầu tư phải có nguồn vốn lớn.
Vàng vẫn luôn được xem là hầm trú ẩn an toàn của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư trên thế giới khi tình hình chính trị bất ổn, nhưng đây cũng là kênh đầu tư khá rủi ro, đòi hỏi những người tham gia vào thị trường này phải am hiểu thị trường, nắm bắt thông tin giá vàng trên thị trường thế giới hàng ngày, thậm chí hàng giờ.
Việc lựa chọn kênh đầu tư tùy vào cảm nhận của mỗi người và phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người với từng công cụ đầu tư đó. Thế nhưng, trước bối cảnh vàng biến động khó lường, bất động sản trong tình trạng cung khá dồi dào hiện nay, với những người muốn mức lợi nhuận phù hợp, đảm bảo an toàn vốn thì gửi tiết kiệm vẫn có thể là lựa chọn tốt, nhất là khi lãi suất huy động dự báo sẽ còn nhích nhẹ.