Đo lường áp lực dòng tiền trên thị trường chứng khoán

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đã cán mốc 1.300 điểm, một kỷ lục mới được xác lập ngay trong tháng 5, tháng được cho là lời nguyền của hoạt động bán ra. Nhiều nhà đầu tư tin rằng đà tăng chưa dừng lại, bởi dòng tiền vẫn tiếp tục chảy mạnh vào thị trường.
Dòng tiền nội, nhất là dòng tiền cá nhân vẫn tiếp tục đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.

Tiền mới vẫn vào thị trường

Thị trường chứng khoán trong nước tăng mạnh là một kỳ tích trong bối cảnh đại dịch đang hoành hành, không ít lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn. Giá nhiều cổ phiếu đã tăng 3-4 lần, thậm chí 10 lần từ đáy như HSG, DGW, TCM... Các cổ phiếu ngân hàng, sắt thép, đặc biệt là nhóm VN 30 đã có mức tăng rất tốt.

Không phủ nhận những cổ phiếu này hầu hết đều đến từ các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực bất chấp dịch bệnh diễn ra. Tuy nhiên, xét về yếu tố tạo nên sự tăng trưởng đột biến của thị trường chứng khoán giai đoạn vừa qua, cần phải khẳng định một điều rằng, dòng tiền mới là yếu tố lớn nhất.

Không chỉ Việt Nam, ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, làn sóng đầu tư vào thị trường chứng khoán bất ngờ tăng vọt khi dịch Covid-19 xuất hiện. Nhóm nhà đầu tư mới, thế hệ F0 xuất hiện do lệnh phong tỏa, hoạt động kinh doanh bị đình đốn khiến họ tìm cơ hội sinh lời ở kênh đầu tư chứng khoán.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương cùng lúc bơm ra hàng nghìn tỷ USD chỉ trong thời gian rất ngắn nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của nền kinh tế đã khiến dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán.

Tại Việt Nam, điều này đã trở thành một xu hướng khi nhà đầu tư mới xuất hiện ngày một nhiều. Số lượng tài khoản mở mới tăng vọt, chỉ tính riêng 4 tháng đầu năm 2021, số lượng tài khoản mở mới đã là 370.000 tài khoản, bằng hơn 90% cả năm 2020.

Nếu tính từ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện, tức từ tháng 3/2020 đến nay thì số lượng tài khoản tăng thêm gần 800.000. Giả sử mỗi tài khoản bỏ vào 50 - 100 triệu đồng thì số tiền đưa vào thị trường đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Đo lường những yếu tố ảnh hưởng tới dòng tiền

Giá nhiều cổ phiếu đã chạy xa so với đà tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết và trở nên quá đắt. Câu hỏi sẽ đặt ra vào lúc này là liệu dòng tiền nội có thể tiếp tục khuấy đảo và lấp đầy những khoảng trống sắp diễn ra hay không và đâu là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới dòng tiền trên thị trường?

Đầu tiên là kịch bản lãi suất tăng lên. Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng rõ ràng, đặc biệt khi nhiều nước đã tiêm phòng vắc-xin. Sự thiếu hụt nguồn cung, hoạt động đầu cơ cùng sự tăng tốc hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp khiến lạm phát có nguy cơ tăng cao đột biến. Điều này đã buộc nhiều nước phải cẩn trọng hơn với chính sách tiền tệ của mình.

Trong nhóm 37 ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế đang phát triển, các nhà hoạch định chính sách ở Ukraine, Georgia, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tăng lãi suất, trong đó nhiều ngân hàng đưa ra mức tăng lớn hơn dự kiến.

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư chỉ quan sát vào hành động của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) xem họ bao giờ tăng lãi suất hơn là nhiều quốc gia khác. Mặc dù Fed vẫn tin rằng lạm phát sẽ sớm hạ nhiệt nhưng nhà kinh tế Siegel dự báo, lạm phát tại Mỹ sẽ tăng trong 2 - 3 năm tới, có thể tăng đến 20%. Áp lực này liệu có buộc Fed phải thay đổi chính sách tiền tệ sớm hơn những gì mà ông Jerome Powel đã công bố?

Việc Mỹ tăng lãi suất nếu xảy ra sẽ thúc đẩy dòng tiền dịch chuyển như đã từng xảy ra trong quá khứ. Các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhiều thời gian qua chủ yếu lo ngại về yếu tố này.

Tại Việt Nam, lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang được duy trì ở mức thấp và theo dự báo khó tăng trở lại trong ngắn hạn, do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Nhưng nhìn xa hơn, lãi suất có thể tăng nhẹ 0,3 - 0,5%/năm vào cuối năm 2021, nhất là khi nhu cầu vốn phục vụ các hoạt động sản xuất – kinh doanh tăng lên khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ làm giảm sức hấp dẫn của chứng khoán.

Thứ hai là áp lực đến từ hoạt động tăng vốn của doanh nghiệp. Thống kê sơ bộ từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp trên sàn đã lên kế hoạch huy động vốn khoảng 60.000 tỷ đồng và còn có thể tăng thêm.

Thông thường, giai đoạn từ nay đến tháng 8, 9 sẽ là giai đoạn nóng nhất của các đợt phát hành thêm này. Nếu kịch bản nhà đầu tư bỏ tiền ra mua hết thì lượng tiền sẽ bị rút ra khỏi thị trường là không hề nhỏ.

Thứ ba là khối ngoại bán ròng, doanh nghiệp bán ra cổ phiếu quỹ và cổ đông lớn đăng ký bán. Tính từ năm 2020 đến nay, lượng vốn nội đã phải bù đắp không nhỏ cho dòng vốn ngoại khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 40.000 tỷ đồng (năm 2020 là 17.000 tỷ đồng và từ đầu năm đến nay là hơn 23.000 tỷ đồng).

Con số này còn có thể tiếp tục nâng lên, bởi nhịp bán này chưa dừng lại và yếu tố khiến họ bán ròng đến từ mối lo ngại các ngân hàng trung ương tăng lãi suất.

Dòng tiền nội chảy mạnh vào thị trường chứng khoán từ đầu năm 2020 tới nay đã hấp thụ hết lực bán ròng của khối ngoại, nhưng nếu lãi suất ở trong nước đổi chiều thì sẽ tạo ra một lực cộng hưởng tới thị trường chứng khoán.

Chưa có thống kê đầy đủ về lượng đăng ký bán ra cổ phiếu quỹ và các cổ đông lớn thời gian gần đây, nhưng có nhiều thương vụ lớn.

Chẳng hạn, TPBank bán ra 40 triệu cổ phiếu quỹ, Petrolimex bán 25 triệu cổ phiếu qũy, DPG hay TCH cũng có động thái tương tự... Số tiền thu về cho doanh nghiệp hẳn sẽ không hề nhỏ.

Tính sơ sơ từ các nguồn thì dòng tiền bị hút ra khỏi thị trường khoảng gần 100.000 tỷ đồng trong một năm.

Thứ tư là thuế và phí giao dịch bị rút ra khỏi thị trường. Giá trị giao dịch hàng ngày của 3 sàn trung bình khoảng 22.000 tỷ đồng/phiên. Với mức phí 0,1% (cả 2 chiều mua và bán là 0,2%) và thuế 0,1% thì mỗi một phiên, các công ty chứng khoán và thuế sẽ thu của nhà đầu tư khoảng 70 tỷ đồng. Như vậy, sau 1 năm khoản tiền này bị rút ra khỏi thị trường cũng lên đến 1.500 tỷ đồng.

Như vậy, tính sơ bộ từ các nguồn thì dòng tiền nếu đúng với kế hoạch sẽ hút của thị trường ra khoảng gần 100.000 tỷ đồng là con số rất lớn.

Tất nhiên, thị trường cũng được bổ sung dòng tiền cổ tức hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhưng cũng cần lưu ý, những nhà đầu tư lớn không giao dịch nhiều như những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng chủ đạo trên thị trường chứng khoán trong nước. Chính điều này khiến cho dòng tiền margin của các công ty chứng khoán hiện nay luôn trong tình trạng căng cứng.

Con số cho vay margin toàn thị trường hiện lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhiều công ty chứng khoán gần như cạn nguồn cho vay, hoặc nhiều mã cổ phiếu không còn room để cho vay thêm.

Điều này đồng nghĩa, lượng tiền như hiện tại vẫn là chưa đủ và nhà đầu tư cần tiếp tục vay thêm. Để có dòng tiền cho vay thêm này, các công ty chứng khoán buộc phải phát hành tăng vốn.

Tổng số lượng cổ phiếu sẽ phát hành là hơn 1 tỷ cổ phần, với giá trị hơn 10.000 tỷ đồng. Cùng với đó, nhiều công ty chứng khoán cũng gia tăng phát hành trái phiếu – gián tiếp tạo áp lực tăng lãi suất.

Như vậy, để thị trường chứng khoán tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, hoặc là nhà đầu tư phải bỏ thêm lượng tiền mới vào thị trường, hoặc các công ty chứng khoán phải nhanh chóng có thêm nguồn cho vay, đồng thời tăng nhanh vòng quay vốn.

Bởi sẽ còn thêm một áp lực nữa là hàng tỷ cổ phiếu được các doanh nghiệp phát hành mới để trả cổ tức và tăng vốn bổ sung cho thị trường. Áp lực dội cung sẽ tác động không hề nhỏ đến diễn biến thị trường chứng khoán.

Nhìn lại những giai đoạn thị trường chứng khoán tăng nóng như năm 2007, 2009 hay 2018, hầu hết các doanh nghiệp đều tận dụng thị trường để tăng vốn. Quá trình này thành công và thị trường sau đó cần khoảng thời gian tương đối dài để “tiêu hóa” hết số lượng cổ phần được phát hành ra.

Năm 2021 này, dòng tiền mới của những nhà đầu tư F0 có đủ sức hấp thụ lượng cổ phiếu khổng lồ mới phát hành một cách nhanh nhất hay không, điều này vẫn là một dấu hỏi.

Nguyễn Hữu Bình

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục