Dò “khẩu vị” Việt kiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hành lang pháp lý mới đã mở rộng hơn cánh cửa sở hữu bất động sản tại Việt Nam của kiều bào cũng như người nước ngoài, nên việc xác định dòng sản phẩm ưa thích của nhóm khách hàng này là cần thiết.
Nhóm khách hàng Việt kiều thường nhắm vào sản phẩm nhà riêng và căn hộ chung cư ở khu vực trung tâm các thành phố lớn. Nhóm khách hàng Việt kiều thường nhắm vào sản phẩm nhà riêng và căn hộ chung cư ở khu vực trung tâm các thành phố lớn.

Nhu cầu lớn

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) cho biết, hiện có khoảng 5,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hơn 1 triệu người là thế hệ F2, F3 mang quốc tịch nước ngoài có bố mẹ hoặc ông bà là người Việt Nam.

Trong đó, có khoảng 600.000-700.000 người là doanh nhân, trí thức có trình độ cao (chiếm 10-12% cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài), nhiều người muốn trở về quê hương để đầu tư, kinh doanh hay sinh sống, nên nhu cầu mua bất động sản ở trong nước là rất lớn.

“Nhiều kiều bào muốn về Việt Nam định cư bởi sau mấy chục năm ở nước ngoài, gửi tiền vào ngân hàng không lãi, thậm chí tới đây còn phải đóng phí, nên họ muốn về Việt Nam đầu tư, kinh doanh, trong đó bất động sản rất được quan tâm bởi đây là loại tài sản vừa có thể sinh lời, vừa có thể làm ‘của để dành’ cho thế hệ sau này”, ông Peter Hồng - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội, Việt kiều Canada chia sẻ.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Kinh doanh CBRE Việt Nam cũng cho hay, đơn vị này đã thực hiện nhiều giao dịch với người nước ngoài và nhận thấy rằng, nhu cầu mua nhà ở Việt Nam của người nước ngoài nói chung và bà con Việt kiều nói riêng rất cao. Trong gần 10 năm qua, với gần 5.000 giao dịch đã được CBRE thực hiện, có tới 45% thuộc về khách hàng nước ngoài.

Đồng quan điểm, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết, trước giờ nhu cầu tìm kiếm mua bất động sản của kiều bào Việt không thay đổi.

Tuy nhiên, lượng kiều hối chảy về Việt Nam hàng năm còn phụ thuộc vào nền kinh tế của nước ngoài (nước sở tại), đầu tư vào Việt Nam để có thêm lợi nhuận hoặc gửi tiền về cho người thân, phần lớn sẽ tập trung vào mua bán bất động sản.

Theo ông Tuấn, số lượng hàng năm tìm kiếm mua nhà của kiều bào trên trang Batdongsan.com.vn nhiều nhất đến từ bang California (Mỹ), chiếm khoảng 2% lượng tìm kiếm trên cả nước, tiếp đến là Úc và Singapore.

Bên cạnh sự ổn định về chính trị, nền kinh tế, có nhiều động lực khác để kiều bào đầu tư về Việt Nam như muốn đầu tư về quê hương, nơi họ sinh ra và làm giàu cho đất nước, hay trước đây quy định pháp luật còn chặt chẽ, giờ cởi mở hơn nhiều nên càng muốn đầu tư trở lại trong nước, tốc độ tăng trưởng bất động sản tại Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực...

“Lịch sử cho thấy dòng vốn đầu tư từ bà con kiều bào ở nước ngoài về trong nước xuất hiện từ lâu và đã thành công, nên đây cũng là lý do họ tiếp tục đầu tư cho tới nay.

Các dự án căn hộ ở khu vực Thủ Thiêm, Thảo Điền (TP.HCM)… luôn có tỷ lệ 20-30% số lượng sản phẩm được bán cho khách nước ngoài.

Các dự án căn hộ ở khu vực Thủ Thiêm, Thảo Điền (TP.HCM)… luôn có tỷ lệ 20-30% số lượng sản phẩm được bán cho khách nước ngoài.

Ngoài ra, nếu đầu tư tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với nước sở tại thì kiều bào vẫn sẽ chọn quê hương để đầu tư. Khi dòng tiền kiều hối về Việt Nam sẽ giúp cho dòng tiền luân chuyển mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế, tạo ra nhu cầu tiêu dùng giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ… và khi tiêu dùng tăng thì GDP cũng sẽ tăng”, ông Tuấn phân tích.

Tiền chảy vào phân khúc nào?

Có thể thấy, nhu cầu sở hữu bất động sản tại Việt Nam của người nước ngoài cũng như các kiều bào luôn hiện hữu, nên việc xác định “khẩu vị” của nhóm khách hàng này như thế nào, phân khúc mà họ nhắm tới là gì, trong khoảng giá bao nhiêu… là điều cần thiết.

Theo ông Đinh Minh Tuấn, dòng tiền kiều hối thường nhắm vào phân khúc bất động sản có thể làm tài sản, cụ thể là nhà riêng và căn hộ chung cư ở khu vực trung tâm các thành phố lớn, vì các sản phẩm này có thể tạo ra thu nhập đều đặn trong dài hạn từ việc hoạt động cho thuê và giữ được tài sản lâu dài, còn các sản phẩm mang tính chất đầu cơ như đất nền, condotel… ít được chọn mua.

“Thường thì kiều bào ở nước ngoài ít mua bất động sản để đầu cơ do thủ tục mua bán khá phức tạp, nhưng mua để đầu tư cho thuê tạo ra dòng tiền đều đặn trong thời gian dài được lựa chọn nhiều”, ông Tuấn nói và chia sẻ thêm, về giá cả, đối với nhà phố, nhóm khách hàng thường tìm kiếm căn có giá trị trên 15 tỷ đồng ở những nơi có thể kinh doanh được, còn chung cư thì chọn căn hộ trong tầm giá khoảng 5 tỷ đồng để có thể dễ dàng cho thuê.

Cùng quan điểm, TS. Phạm Anh Khôi - chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản cũng cho rằng, phần lớn khách hàng Việt kiều sẽ tập trung vào các sản phẩm có khả năng cho thuê, đem lại mức sinh lời cao. Các sản phẩm bất động sản ở Việt Nam mà nhóm khách hàng này chọn mua là để đầu tư lâu dài.

“Tôi cũng hơi ngạc nhiên với điều này, bởi suy nghĩ ban đầu của tôi là khi được phép mua nhiều thì họ sẽ tập trung vào các phân khúc cao cấp hoặc siêu sang, nhưng thực tế lại cho thấy điều ngược lại, hầu hết những người mua sản phẩm ở phân khúc cao cấp và siêu sang là người Việt Nam chứ không phải là Việt kiều”, ông Khôi nói và cho biết thêm, tại Mỹ, lãi suất chỉ ở mức 1-2%/năm, do vậy các sản phẩm đầu tư sinh lời cao hơn ở nước ngoài sẽ được nhóm khách hàng này chú ý. Họ sẽ tập trung vào phân khúc nào vừa túi tiền, có thể cho thuê được ngay, mang lại lợi nhuận tức thời cũng như trong thời gian dài.

Ông Trịnh Hoài Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần RealPlus cho biết, đối với thị trường bất động sản nhà ở, các phân khúc trung cấp và cao cấp tại khu vực trung tâm các thành phố lớn luôn thu hút được sự quan tâm rất lớn của Việt kiều cũng như nhà đầu tư nước ngoài, chẳng hạn các dự án căn hộ ở khu vực Thủ Thiêm, Thảo Điền (TP.HCM)… luôn có tỷ lệ 20-30% số lượng sản phẩm được bán cho khách nước ngoài.

Ông Đức nhận xét, hành lang pháp lý mới không chỉ giúp người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thuận tiện, mà nhìn rộng hơn, thị trường kỳ vọng thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án bất động sản nhà ở, đóng góp vào sự sôi động của thị trường bất động sản trong nước, cũng như tạo ra các loại hình bất động sản mang tính quốc tế hóa nhiều hơn.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, cần phân loại người nước ngoài mua nhà đến từ đâu, là Việt kiều, khu vực Đông Á hay châu Âu, châu Mỹ để nắm bắt nhu cầu, từ đó có chiến lược bán hàng thành công.

“Chẳng hạn, đối với người châu Âu, châu Mỹ, họ sẽ không mua nhà để đầu cơ do thói quen không bỏ tiền vào bất động sản tại các nước ở xa quê hương. Đối với người Đông Á, phần lớn sẽ là người Hàn Quốc, Nhật Bản, họ làm việc, kinh doanh tại Việt Nam nên thường có nhu cầu mua nhà để ở lâu dài; trong khi đó, với người Trung Quốc, có thể họ có mối quan hệ làm ăn với người Hoa ở Việt Nam nên có khả năng sẽ mua để đầu tư do quan hệ họ hàng thân thiết, nhưng số lượng sẽ không nhiều. Do đó, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam để đầu cơ có thể chủ yếu là Việt kiều, người Việt Nam có quốc tịch nước ngoài”, ông Hiển phân tích.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục