Đỉnh VN-Index: 11 năm và sự khác biệt

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đang tiệm cận mức đỉnh cao nhất của thị trường chứng khoán đạt được ngày 12/3/2007 là 1.179,3 điểm. 11 năm trước, chỉ số đạt đỉnh rồi “bổ nhào”. Lịch sử liệu có lặp lại?
Đỉnh VN-Index: 11 năm và sự khác biệt

Đỉnh và sự khác biệt

Không xét về điểm số, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở đỉnh cao trong lịch sử xét về quy mô, số lượng doanh nghiệp niêm yết và tính thanh khoản. So với giai đoạn năm 2007, mức vốn hóa thị trường đã thay đổi từ 423.000 tỷ đồng lên 3.360.000 tỷ đồng (chiếm 70% GDP), tức tăng 8 lần. Hay năm 2007, doanh nghiệp có giá trị vốn hóa 3.800 tỷ đồng là lớn nhất thì nay, doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất là Vinamilk, với vốn hóa 304.000 tỷ đồng.

Số lượng doanh nghiệp niêm yết trên thị trường cũng thay đổi rất lớn, từ 85 mã chứng khoán niêm yết tăng lên 739 mã, bên cạnh đó là hơn 700 mã đăng ký giao dịch trên UPCoM. Thanh khoản tăng mạnh, có những phiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng giá trị giao dịch.

Ông Đào Hồng Dương, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, thị trường không chỉ tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô, mà các sản phẩm cũng như tính minh bạch của thị trường đã có sự cải thiện rất lớn, cùng sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư trong và ngoài nước.

Điểm khác biệt đáng chú ý khác là mức độ kiếm lời của nhà đầu tư. Ở giai đoạn năm 2007, khi VN-Index lên thì cả thị trường lên và hầu như ai mua cũng có lãi, dù đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu niêm yết nào. Nhưng ở giai đoạn hiện nay, chỉ số chứng khoán tăng chủ yếu nhờ các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá, nên chỉ một bộ phận nhà đầu tư được hưởng lợi. Có nhiều phiên, VN-Index tăng điểm, nhưng số lượng mã cổ phiếu giảm chiếm tỷ trọng áp đảo.

Thành công nhất vẫn là các quỹ đầu tư và những nhà đầu tư theo trường phái đầu tư dài hạn, mua và nắm giữ cổ phiếu blue-chips. Điều này xuất phát từ hiện tượng các cổ phiếu lớn duy trì đà tăng trưởng mạnh, đặc biệt những cổ phiếu trụ. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thường lựa chọn danh mục các cổ phiếu thị giá thấp nên tài khoản ít sinh lời, thậm chí thua lỗ lớn.

Thống kê của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng (MBKE) cho thấy, VN-Index trong năm 2017 tăng 48%, bên cạnh một số cổ phiếu tăng giá gấp đôi như VCB, VIC, VJC thì có khoảng 20% số lượng mã trên sàn có giá thấp hơn năm 2016 như HBC, HSG, BMP, CSM, HAG…

Điểm đáng quan tâm và cũng là động lực lớn cho thị trường tăng trưởng trong thời gian qua chính là các yếu tố thúc đẩy thị trường đạt đỉnh. Cách đây 11 năm, VN-Index được đẩy lên chủ yếu từ niềm tin của nhà đầu tư, sự “hào phóng” của công ty chứng khoán trong việc cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính thì ở giai đoạn hiện tại, thị trường được kiểm soát tốt.

Động lực thúc đẩy thị trường tăng trưởng mang tính nền tảng và bền vững hơn nhiều, đó là sự ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa và đưa các doanh nghiệp lên sàn nhanh hơn nhiều lần 11 năm trước…

Cơ hội mở rộng, nhưng không dễ thắng

Với giới đầu tư, việc VN-Index lặp lại đỉnh lịch sử chỉ là vấn đề thời gian, thậm chí nhiều người cho rằng, việc lấy ngưỡng 1.170 điểm của VN-Index năm 2007 làm đích không có nhiều ý nghĩa. Điều quan trọng là tìm cơ hội đầu tư như thế nào ở giai đoạn mới để sinh lời.

Nhà đầu tư Nguyễn Tiến Dũng nhìn nhận, hiện tại, có một số yếu tố hỗ trợ thị trường như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết; mùa đại hội đồng cổ đông với nhiều kế hoạch kinh doanh khả quan được công bố tạo ra hiệu ứng tích cực với giá cổ phiếu; dòng tiền trên thị trường có diễn biến tích cực và lãi suất có xu hướng giảm; mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018 sắp diễn ra, dự báo có các con số tích cực…

“Cá nhân tôi cho rằng, thị trường giai đoạn tới sẽ phân hóa mạnh, có nghĩa mã cổ phiếu nào có tin tốt sẽ tăng giá và ngược lại. Nhà đầu tư sẽ có xu hướng tranh thủ chốt lời nếu giá tăng quá mạnh, khiến cho động lực chung khó xảy ra. Tôi hy vọng, cuối tháng 3 này, các thông tin kinh tế vĩ mô quý I/2018 đột biến sẽ giúp thị trường sôi động hơn”, ông Dũng nói.

Thực tế, giao dịch ngắn hạn cũng như việc tìm ra cổ phiếu tăng trưởng hiện nay đã khó hơn rất nhiều so với giai đoạn trước, các cổ phiếu có giá thấp so với triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc thấp hơn so với giá trị sổ sách là không nhiều. Trong khi đó, những doanh nghiệp được dự báo có triển vọng kinh doanh tích cực thì hầu hết cổ phiếu đã tăng khá mạnh trong thời gian qua. Tuy vậy, diễn biến giá chứng khoán thường không theo quy luật, tùy từng cổ phiếu, tùy từng thời điểm mà nhà đầu tư có những kỳ vọng khác nhau.

Theo Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) Trần Hải Hà, chỉ số VN-Index có thể vượt mốc 1.300 điểm trong năm 2018. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, VN-Index nhiều khả năng đạt 1.200 điểm và trong kịch bản tốt nhất, chỉ số có thể chạm đến ngưỡng 1.320 - 1.360 điểm. Nhìn chung, nhiều công ty chứng khoán có dự cảm tích cực về thị trường chứng khoán năm 2018.

Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cho biết, cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán năm 2018 là không nhỏ, nhưng chắc chắn sẽ có sự phân lớp, sàng lọc cổ phiếu một cách rõ ràng. Cổ phiếu nào có nền tảng hoạt động kinh doanh tốt, quản trị doanh nghiệp minh bạch, được hưởng lợi từ các chính sách hội nhập, có kết quả kinh doanh tăng trưởng… mới thực sự là cơ hội cho nhà đầu tư.

Theo PSI, ở thời điểm hiện tại, dòng tiền vẫn đang tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, những cổ phiếu đầu ngành tại các ngành, lĩnh vực chủ chốt như ngân hàng, bất động sản, thực phẩm, ăn uống, bán lẻ, dầu khí… Với dự báo thị trường tiếp tục có những cú huých mới trong năm 2018, PSI cho rằng, nhà đầu tư nên quan tâm đến một số nhóm ngành sẽ được hưởng lợi cũng như có thể sẽ là tâm điểm của dòng tiền. Chẳng hạn, ở lĩnh vực bất động sản, nhu cầu nhà ở, phát triển hạ tầng, xây dựng khu công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và ở mức cao, giúp ngành xây dựng tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định về quy mô. Hay ngành ngân hàng, sau năm 2017 thành công, ngành này vẫn còn dư địa tăng trưởng trong năm 2018, đặc biệt nhóm các ngân hàng tư nhân như VPB, LPB…, bởi hiệu quả hoạt động của khối này đã được cải thiện nhờ tín dụng mở rộng, một số ngân hàng dự báo có kết quả kinh doanh vượt trội như ACB, VCB…

Hiện tại, nhiều nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn cho danh mục đầu tư nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động. Ngoài ra, nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu thuộc các ngành được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, trong đó có CPTPP.

Với nhiều nhà đầu tư, việc chỉ số VN-Index tái lập mức đỉnh lịch sử sớm hay muộn không còn quan trọng, bởi vẫn sẽ có không ít cổ phiếu giảm giá. Điều mà họ quan tâm là làm thế nào để chọn được cổ phiếu có cơ hội tăng giá.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục