Định rõ diện mạo kinh tế 2019

Đi qua gần 2/3 chặng đường của năm, diện mạo kinh tế 2019 đã được định hình khá rõ nét, với 11/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Trong ảnh: Khu vực sản xuất của Panasonic tại Việt Nam. Kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Trong ảnh: Khu vực sản xuất của Panasonic tại Việt Nam.

11/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, tăng trưởng đạt cận cao

Một thông tin đáng chú ý vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, đó là dự kiến, trong số 12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội giao, có 4 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Theo đó, các chỉ tiêu vượt bao gồm tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (ước đạt 2,7-3%, trong khi kế hoạch là khoảng 4%); mức độ tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều; số giường bệnh trên 1 vạn dân và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Trong khi đó, các chỉ tiêu đạt đáng chú ý có tốc độ tăng sản phẩm trong nước, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP…

Vui mừng trước thành tựu này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh việc năm nay, chắc chắn sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cận cao trong Nghị quyết của Quốc hội (6,6-6,8%).

Theo Thủ tướng, kinh tế Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới dường như không còn chống đỡ được những tác động tiêu cực của tình trạng bất ổn do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cũng như căng thẳng địa chính trị gây ra, khiến nhiều nền kinh tế lớn chịu áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế.

Nhiều tổ chức quốc tế cũng có những đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam. Chẳng hạn, trong Báo cáo kinh tế toàn cầu quý III/2019, Standard Chartered nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là “nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong ngắn hạn”, với mức tăng trưởng dự kiến đạt 6,9% trong năm 2019.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, năm nay, thu ngân sách tăng khá, với tổng thu cân đối ước vượt 3,3% so với dự toán, tỷ lệ huy động đạt 23,7% GDP, trong đó thu nội địa chiếm khoảng 82%, duy trì ở mức trên 80%. Thu ngân sách tăng chứng tỏ thực lực của nền kinh tế.
Các con số khác cũng góp phần quan trọng “làm đẹp” bức tranh kinh tế 2019 là quy mô GDP ước đạt 266,5 tỷ USD, bình quân đạt 2.786 USD/người; năng suất lao động ước đạt 112,7 triệu đồng/lao động, tăng gần 5,9% so với năm ngoái; đóng góp của các nhân số tổng hợp TFP đạt 42,7%, duy trì ở trên mức 40%...    

Trong khi đó, các dự báo của ADB, HSBC đều cho rằng, năm nay, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6,7-6,8%. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia thậm chí đã đưa ra con số 6,86%; còn Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt mức 6,96% trong năm nay.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khá thận trọng với dự báo mức tăng trưởng 6,8% trong năm nay, khi sau 6 tháng, tăng trưởng GDP đạt 6,76% và nền kinh tế đang tiếp tục xu hướng tích cực.

Không chỉ là tăng trưởng GDP, nhìn vào các chỉ tiêu được dự báo đạt và vượt kế hoạch năm cho thấy, bức tranh kinh tế 2019 tiếp tục được phủ các gam màu sáng.

Ngay cả tăng trưởng xuất khẩu những tưởng khó đạt mục tiêu đề ra, do những tác động bất lợi của thương chiến Mỹ - Trung, cũng được dự báo đạt 7,9%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội được dự báo sẽ đạt khoảng 33,8% GDP (mục tiêu là 33-34%)...

Áp lực “đột phá”

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh các thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Chẳng hạn, xuất khẩu vẫn chậm lại do Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, trong khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc đang giảm sút; nguy cơ áp thuế và rào cản kỹ thuật khi xuất siêu vào Mỹ tăng cao; sức ép lạm phát vẫn còn; tỷ giá chịu áp lực lớn từ biến động của thị trường tài chính quốc tế; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm...

Để thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vẫn phải trông chờ vào 2 động lực chính là cầu nội địa và đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng trong quý III và quý cuối năm.

Tập trung đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, quy mô lớn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ cũng rất quan trọng để tạo ra các động lực mới thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, nhận định về tình hình kinh tế 2019, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang Thái vẫn nhắc đến hai chữ “đột phá” mà Chính phủ đặt ra trong mục tiêu năm 2019. “Tăng trưởng 6,8% là đạt mục tiêu đề ra, nhưng chưa đủ đột phá. Năm 2020 nếu cũng chỉ tăng trưởng 6,8% thì có nghĩa chỉ ở mức ‘bình bình’ mà không có đột phá”, ông Thái nói.

Trên thực tế, trong những phác họa đầu tiên về kinh tế 2020, mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến là 6,8%, bằng mức dự báo đạt được trong năm nay. Các mục tiêu khác gần tương tự năm 2019.

Cụ thể, CPI bình quân tăng khoảng 4% so với bình quân năm 2019; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7% so với năm 2019; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội chiếm 33-34% GDP…

Các mục tiêu trên, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng 6,8%, được cho là phù hợp trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều yếu tố bất định.

Hơn nữa, theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, tốc độ tăng trưởng này khá cao so với những con số đạt được vào đầu nhiệm kỳ (năm 2016, tăng trưởng GDP là 6,21%).

Với tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,81%; năm 2018 là 7,08%; và dự kiến 2 năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đạt 6,8%, mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong giai đoạn 5 năm này chắc chắn đạt được.

Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia Cao Viết Sinh luôn kỳ vọng, kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, trên 7%.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục