“Cân đong” thuận - nghịch kinh tế 2019

Dù có nhiều yếu tố thuận lợi, song những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt không phải là nhỏ. Điều này có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2019.
Thúc đẩy xuất khẩu là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Chí Cường Thúc đẩy xuất khẩu là một nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Chí Cường

Cân đong các yếu tố “thuận - nghịch”

Có vẻ như ngày càng nhiều yếu tố rủi ro đối với nền kinh tế trong năm 2019 xuất hiện. Bởi thế, khi báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2019, diễn ra vào cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, do không còn nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2018.

Các minh chứng cụ thể đã được nhắc tới như ngành nông nghiệp khó đạt mức tăng trưởng cao trong các quý tới, do kinh tế Trung Quốc được dự báo tiếp tục giảm tốc, ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản; ngành khai khoáng cũng khó có khả năng cải thiện mạnh, do giá dầu thế giới bình quân cả năm 2019 được dự báo thấp hơn năm 2018.

Ngay cả tăng trưởng của khu vực dịch vụ cũng khó có sự bứt phá khi ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành sẽ chịu những tác động nhất định bởi việc khách Trung Quốc đến Việt Nam suy giảm, khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc.

Đặc biệt, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo sẽ cải thiện trong các quý tới do vốn đầu tư nước ngoài vào ngành này gia tăng, nhưng khả năng tăng trưởng của ngành vẫn thấp hơn năm trước. Một trong những nguyên nhân được nhắc tới là sự bão hòa của thị trường thế giới, khiến tăng trưởng của ngành này khó đạt kỳ vọng.

Có lẽ, khi nhấn mạnh điều này với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang muốn nhắc tới các con số thống kê chưa thật đẹp trong 4 tháng qua. Đó là xuất khẩu điện thoại và linh kiện - mặt hàng hiện chiếm tới hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chỉ đạt 16 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp của mặt hàng linh kiện điện thoại thậm chí đã giảm 24,6% so với cùng kỳ. Còn xuất khẩu nông – lâm - thủy sản chỉ ước đạt 7,9 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ.

Nhu cầu sụt giảm từ thị trường Trung Quốc có lẽ là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 10,4 tỷ USD, giảm 5,8% so cùng kỳ năm trước; trong đó, hàng thủy sản giảm 31,5%, còn điện thoại và linh kiện giảm tới 62,3%.

Khó khăn không nhỏ, song nếu “cân đong”, thì xem ra, các yếu tố thuận lợi cho kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng rất lớn. Các yếu tố thuận lợi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh là tăng trưởng kinh tế vẫn được hỗ trợ ở cả phía cung và cầu. Trong đó, tiêu dùng cá nhân tiếp tục tăng trưởng mạnh, các ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, dịch vụ và nông nghiệp tiếp tục phát triển, khả năng tiếp cận thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam vẫn rộng mở thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do và luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Các nhận định này đã nhận được sự đồng tình của các thành viên Chính phủ tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã luôn nhấn mạnh xu hướng tích cực của nền kinh tế.

Cán cân nghiêng về bên nào?

Dù những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là không nhỏ, song cán cân đong đếm “thuận - nghịch” dường như vẫn đang nghiêng về phía lạc quan. Bởi thế, một mặt nhấn mạnh những khó khăn của nền kinh tế, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu nỗ lực, nền kinh tế vẫn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay.

Ngân hàng ADB mới đây cũng dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,8% trong năm 2019. Ngân hàng Thế giới thì đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn là tích cực, dù đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 6,6% trong năm nay.

Câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có thể trông vào đâu để tăng trưởng? Một trong những yếu tố được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc tới là, thay vì trông cậy quá nhiều vào sản xuất điện thoại di động và linh kiện, có thể đặt kỳ vọng vào ngành sản xuất xe có động cơ. Ngành này được cho là sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy lĩnh vực chế biến - chế tạo tăng tốc trong thời gian tới.

Trong khi đó, theo ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, công thức tăng trưởng kinh tế là cầu nội địa thông qua tiêu dùng. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công vẫn chiếm vai trò quan trọng, trong khi thúc đẩy xuất khẩu cũng là cần thiết.

“Nhưng những nhân tố tăng trưởng đó không phải là mới. Cái mới là phải đổi mới thể chế và phải có một hệ thống giám sát, qua đó tạo ra niềm tin cho doanh nghiệp, niềm tin cho người dân”, ông Phước nói.

Còn ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thì khẳng định, năm nay có thể không có những cú huých lớn về gia tăng sản lượng như trường hợp Formosa, Samsung... của các năm trước, nhưng nhìn về xu hướng, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, kinh tế tư nhân được ưu tiên phát triển nhiều hơn...

“Tất cả những nhân tố đó đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế năm 2019 vẫn có thể đạt được kế hoạch đã định”, ông Cung khẳng định.

Các định chế tài chính nước ngoài đánh giá cao về các yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, như thu hút đầu tư nước ngoài, xuất khẩu vẫn đang tăng trưởng, cầu tiêu dùng khả quan… Thậm chí, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn khẳng định, Việt Nam vẫn sẽ là quốc gia duy trì được mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực trong năm nay.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục