Đối thoại và đối thoại
Cho đến thời điểm này, sau gần 1 tháng được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chấp thuận giảm giá dịch vụ cho các chủ phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá Ninh Lộc (tỉnh Khánh Hoà) như đề xuất của chính quyền địa phương và nhàđầu tư, căng thẳng tại vị trí liên tục là “điểm nổ bất ổn” trên Quốc lộ 1 này đã cơ bản được hạ nhiệt.
Vị trí đặt trạm thu phí và mức phí được xem là hai vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội thời gian qua. Trong ảnh: Các phương tiện giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Dầu Giây qua trạm thu phí Long Phước. Ảnh: Độc Lập.
Ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả - Khánh Hòa (nhà đầu tư Dự án mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Km1374+525÷Km1392 và Km1405÷ Km1425+500) cho biết, ngay sau cuộc họp khẩn giữa Bộ GTVT và UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 10/5, nhà đầu tư đã nhanh chóng tái mở rộng vùng miễn giảm 100% đối với xe loại I cho 17 xã, phường lân cận (tương đương vùng bán kính 10 km) quanh trạm BOT Ninh Lộc.
Trước đó, ngày 17/1/2018, Bộ GTVT có Văn bản số 574/BGTVT-ĐTCT về việc giảm giá dịch vụ sử dụng tại trạm thu phí hoàn vốn dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn phía Bắc tỉnh Khánh Hòa.
Trong đó, Bộ GTVT không thống nhất với phương án giảm giá như đang thực hiện và yêu cầu thu hẹp vùng miễn giảm trong bán kính 5 km và mức miễn giảm.
Thực hiện yêu cầu của Bộ GTVT, từ 0h ngày 1/5/2018, nhà đầu tư bắt đầu thực hiện điều chỉnh thu hẹp vùng miễn giảm và mức miễn giảm. Ngay khi thực hiện, Trạm Ninh Lộc gặp phản ứng quyết liệt của người dân địa phương, những người đang được miễn giảm nay không được miễn giảm.
Cần phải nói thêm rằng, thực hiện chủ trương miễn, giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Công ty cổ phần Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đã phối hợp với Sở GTVT Khánh Hòa và Tổng cục đường bộ Việt Nam thống nhất miễn giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ từ ngày 1/12/2017 cho các xe loại I thuộc 3 xã lân cận trong bán kính khoảng 5 km (Bộ GTVT chấp thuận tại Văn bản số 13607/BGTVT-ĐTCT ngày 1/12/2017).
Ngay khi thực hiện miễn giảm, người dân địa phương ngoài khu vực được miễn giảm (chủ yếu các phường, xã thuộc thị xã Ninh Hòa) không đồng tình đã phản ứng, cản trở ách tắc giao thông Quốc lộ 1 nghiêm trọng liên tục trong các ngày 1, 2, 3 tháng 1/2018.
Trước nguy cơ mất an ninh, an toàn, nhà đầu tư đã chủ động cùng với đại diện UBND thị xã Ninh Hòa, Chi cục Quản lý đường bộ III.3 họp với các lái xe, người dân địa phương để đối thoại cùng thống nhất giải pháp tháo gỡ nhằm ổn định tình hình trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người dân địa phương.
Theo đó, nhà đầu tư đồng ý mở rộng vùng miễn giảm 100% đối với xe loại I cho 17 xã, phường lân cận (tương đương vùng bán kính 10 km).
“Việc mở rộng miễn giảm này chắc chắn sẽ làm giảm doanh thu, dẫn tới kéo dài thời gian hoàn vốn, nhưng chúng tôi sẵn sàng thực hiện, vì đây là đề nghị chính đáng của người dân địa phương”, nhà đầu tư này cho biết.
Bức xúc tại một số trạm thu phí BOT thời gian qua có nguyên nhân chính là do người dân - một bên chủ thể của giao dịch dân sự chưa được tôn trọng.
Rút kinh nghiệm từ Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1374+525 ÷ Km1392 và Km1405 ÷ Km1425+500, ngay trước khi tiến hành thu phí tại trạm thu phí Km93+160, Quốc lộ 1 tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn để hoàn vốn cho công trình BOT đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn từ ngày 1/6, nhà đầu tư đã chủ động tổ chức nhiều cuộc đối thoại với người dân, chính quyền địa phương tại vị trí đặt trạm.
Kết quả của các cuộc đối thoại là việc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chỉ đặt 1 trạm thu phí trên Quốc lộ 1 (trong phương án tài chính cho phép 2 trạm), đồng thời thực hiện miễn, giảm cho người dân sinh sống trong vòng bán kính 10 km tính từ Trạm thu phí Km93+160.
Được biết, bán kính miễn giảm 10 km mà hai doanh nghiệp dự án chấp nhận nhận phần thiệt khi thực hiện là rộng gấp đôi so với quy định của Bộ GTVT tại Công văn số 11519/BGTVT - ĐTCT ngày 11/10/2017.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn chia sẻ, Dự án ban đầu thiết kế 2 trạm thu phí trên tuyến đường 105 km này. Nếu có 2 trạm thu, thì đương nhiên nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn nhiều về phương án tài chính.
“Chúng tôi hiểu rằng, cần phải đối thoại, lắng nghe để hài hòa lợi ích với người dân. Chính vì vậy, chúng tôi và UBND tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa đi một trạm. Giải pháp ấy sẽ khiến chúng tôi khó khăn hơn về phương án tài chính, nhưng chắc chắn người dân sẽ hài lòng”, ông Hoàng cho biết.
Chỉnh lại quy trình tham vấn
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tính đến hết tháng 5/2018, đã có 39 dự án BOT do bộ này thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã tiến hành công tác rà soát và đàm phán giảm giá chung, giảm giá xung quanh trạm cho chủ các phương tiện trong bán kính khoảng 5 km.
Tuy nhiên, ngoài việc giảm giá chung sau quyết toán, việc miễn, giảm cho chủ phương tiện sống quanh khu vực trạm thu phí bị thiệt khi sử dụng đoạn đường ngắn, hoặc chỉ đi ngang qua vẫn phải trả giá dịch vụ sử dụng đường bộ chỉ được thực hiện sau khi có những phản ứng, bức xúc của người dân địa phương.
Đây là điều khiến Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm đặt câu hỏi: “Tại một số dự án BOT thấy chỉ khi dân chịu thì thu, dân không chịu lại dừng, giảm giá. Sau đó thuyết phục, rồi lại thu. Như thế đã vì lợi ích của dân chưa?”.
Bên cạnh đó, vị trí đặt trạm thu giá và mức phí - hai vấn đề gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT cho rằng, đã thực hiện đúng quy định pháp luật: tư vấn khảo sát hiện trường dự kiến vị trí trạm thu phí và sau đó thỏa thuận với địa phương.
“Thiết chế đại diện quy định thế nào, chúng tôi đều đã thực hiện. Đã tham vấn UBND tỉnh, HĐND tỉnh, rồi cả đoàn đại biểu Quốc hội. Được chấp thuận mới có các bước tiếp theo”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết.
Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển đánh giá, bức xúc tại một số trạm thu phí BOT thời gian qua có nguyên nhân chính là do người dân - một bên chủ thể của giao dịch dân sự chưa được tôn trọng.
“Nếu nói rằng đã tham vấn ý kiến nhân dân thông qua cơ chế đại diện, mà cơ chế ấy lại vận hành một cách quan liêu thì khó có kết quả xác thực”, ông Giao nhận định.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Tư duy nhiệm kỳ (lãnh đạo thế hệ sau phủ nhận chủ trương, cam kết của thế hệ trước như trường hợp của Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới; BOT Cai Lậy); thiếu tính thực chất trong lấy ý kiến người dân là bài học đắt giá không chỉ trong lĩnh vực BOT mà cả trong công tác dân vận.
Ông Lương Quang Thi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư, thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico) - một trong những nhà đầu tư Dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy cho biết, không một doanh nghiệp dự án nào muốn căng thẳng với người dân.
“Giá như việc tham vấn đến từng người dân sống trong vùng dự án, đặc biệt là ở các vị trí đặt trạm thu phí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chính quyền địa phương thực hiện ngay từ bước lập dự án và ghi nhận những mong muốn, đề xuất đó ngay trong phương án tài chính ban đầu thì chắc chắn sẽ không xảy ra những đối kháng gay gắt mà người dân và nhà đầu tư chính là đối tượng chịu trận cuối cùng”, ông Thi cho biết.