Định hình văn hóa kinh doanh minh bạch và sáng tạo

(ĐTCK) Năm 2017 là năm thứ 10 Cuộc bình chọn báo cáo thường niên (ARA) đồng hành và phát triển cùng TTCK Việt Nam, trở thành một sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và hàng triệu nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tổng kết 2017 cũng đồng thời là 10 năm ARA song hành cùng TTCK, xin chia sẻ một số đánh giá từ phía Sở GDCK TP. HCM và Hội đồng.
Định hình văn hóa kinh doanh minh bạch và sáng tạo

1: Cuộc bình chọn ngày càng có sức lan tỏa trên thị trường

Mùa giải đầu tiên của cuộc bình chọn vào năm 2008, đối tượng tham gia chỉ có các doanh nghiệp niêm yết trên sàn TP. HCM với 33 doanh nghiệp đăng ký tham gia và 6 doanh nghiệp đoạt giải.

Đến năm 2009, đối tượng tham gia được mở rộng ra sàn Hà Nội với 46 doanh nghiệp tham gia và 13 doanh nghiệp được trao giải.

Từ năm 2010 trở đi, Cuộc bình chọn đã mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở để từ đó có thể đưa ra những đánh giá đầy đủ hơn và đẩy mạnh việc minh bạch thông tin và quản trị công ty của tất cả các doanh nghiệp niêm yết.

2: Chất lượng báo cáo thường niên của các DN ngày càng được cải thiện

Trong những năm đầu của thị trường, đại đa số các công ty niêm yết lập Báo cáo thường niên như một dạng báo cáo nhằm tuân thủ quy định về công bố thông tin, chưa chú trọng đến chất lượng thông tin để cung cấp cho nhà đầu tư và cổ đông.

Đến nay, các báo cáo đã cải thiện rất nhiều cả về nội dung lẫn hình thức. Các nội dung trong báo cáo ngày một nâng cao, chú trọng nhiều hơn vào việc phân tích tình hình kinh doanh, tình hình tài chính, so sánh với các công ty cùng ngành, đánh giá các rủi ro cũng như chiến lược trung và dài hạn của công ty.

Các nội dung về quản trị công ty, phát triển bền vững được cải thiện theo các thông lệ tốt quốc tế. BCTN đã thể hiện một bức tranh toàn cảnh và chi tiết về tình hình doanh nghiệp trong năm đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế.

Hình thức báo cáo càng ngày càng được đầu tư, bắt mắt, dễ đọc, dễ hiểu và thu hút người đọc hơn. BCTN từ là nghĩa vụ phải làm, đã là một phương tiện hiệu quả để DN gửi các thông điệp cần thiết đến cổ đông và nhà đầu tư, giúp nâng cao uy tín DN, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư và đối tác kinh doanh.

3: Hội đồng bình chọn mở rộng, gồm các đơn vị, tổ chức có uy tín trong và ngoài nước

Từ những ngày đầu tiên, nhằm đảm bảo chất lượng của giải và sự minh bạch của Giải, Ban tổ chức đã mời các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Đại học Kinh tế TP. HCM, Hiệp hội Kế Toán và Kiểm toán Việt Nam (VACPA), Báo Đầu tư Chứng khoán và Sở GDCK TP. HCM và Sở GDCK Hà Nội tham gia Hội đồng.

Từ năm 2013, Cuộc bình chọn BCTN đã có thêm sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tham gia chấm điểm về các nội dung quản trị công ty, phát triển bền vững nhằm khuyến khích các công ty niêm yết công bố thêm các thông tin phi tài chính theo thông lệ quốc tế.

Năm 2017, nhằm tăng thêm độ tin cậy của các BCTN, cuộc bình chọn BCTN 2017 cũng bắt đầu có sự tham gia của 4 công ty kiểm toán hàng đầu (Deloitte, Ernst & Young, KPMG và PricewaterhouseCoopers –PWC) với vai trò thực hiện soát xét kết quả chấm sơ khảo để chọn báo cáo thường niên vào vòng chung khảo

4: Chất lượng đánh giá bổ sung thêm nhiều tiêu chí quan trọng

Qua 3 mùa giải đầu tiên (2008, 2009, 2010), yêu cầu đối với BCTN ngày càng cao theo hướng chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu thông tin của các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Đến nay, tuy vẫn căn trên các quy định về công bố thông tin làm cơ sở chấm giải, nhưng yêu cầu của một BCTN chuẩn mực đã có sự khắt khe hơn như: phân tích sâu tình hình tài chính, báo cáo đánh giá của Ban giám đốc, đánh giá của HĐQT về hoạt động của DN, đặc biệt là minh bạch thông tin về dòng tiền...

Ngoài ra, năm 2013, Ban Tổ chức quyết định bổ sung thêm báo cáo phát triển bền vững vào hệ thống giải thưởng BCTN với sự hỗ trợ kỹ thuật của IFC và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) nhằm khuyến khích các công ty niêm yết công bố thêm các thông tin phi tài chính theo thông lệ quốc tế.

Năm 2014 để khuyến khích và nâng cao nhận thức cũng như trách nhiệm của Doanh nghiệp trong vấn đề quản trị công ty, BTC đã đưa giải thưởng “Báo cáo có nội dung quản trị công ty tốt nhất” vào cơ cấu giải thưởng cuộc bình chọn.

Thông qua cuộc bình chọn chất lượng báo cáo PTBV và quản trị DN được cải thiện rõ qua từng năm. Chất lượng báo cáo PTBV được cải thiện rõ qua từng năm, đặc biệt là các Báo cáo trong Top đầu đa phần được lập theo hướng dẫn GRI nên có cấu trúc chặt chẽ, đầy đủ hơn và độ tin cậy cao.

Các thành viên HĐQT độc lập đã bước đầu thể hiện vai trò của mình trong hoạt động công ty, một số công ty đã thành lập các tiểu ban, ủy ban thuộc HĐQT để hỗ trợ HĐQT thực hiện tốt vai trò của mình.

Hoạt động của BKS cũng cụ thể và đầy đủ hơn thể hiện vai trò là đại diện đại hội đồng cổ đông giám sát hoạt động của HĐQT và Ban điều hành nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động công ty, nhiều công ty đã công bố đầy đủ thù lao và các khoản lợi ích của HĐQT, BGĐ và BKS thể hiện sự minh bạch trong hoạt động quản trị công ty.

Năm 2017, hầu hết trong BCTN đều có nội dung ESG. Những hoạt động xung quanh cuộc bình chọn BCTN đã không những có tác động tích cực đến sự thay đổi tư duy của doanh nghiệp trong vấn đề quan hê với nhà đầu tư, minh bạch hóa thông tin, đặc biệt là các thông phi tài chính mà còn là tiền đề để Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM xây dựng và cho ra mắt chỉ bộ chỉ số phát triển bền vững VN Sustainability Index (VNSI) trong năm nay.

5: Kế hoạch triển khai trong các năm tới

Trên cơ sở thành tích đạt được qua 10 năm, cùng với sự quan tâm ủng hộ của giới chuyên môn trong lĩnh vực chứng khoán, Quản trị công ty, Ban tổ chức Cuộc Bình chọn Báo cáo thường niên xây dựng mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng Cuộc Bình chọn trong các năm tới như sau:

Một là thúc đẩy việc áp dụng các thông lệ tốt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công bố thông tin:

Nghiên cứu phát triển các tiêu chí mới, khuyến khích việc áp dụng các thông lệ tốt nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp để cùng hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế.

Hiện nay, UBCK đang phối hợp với IFC và 2 Sở Giao dịch chứng khoán nghiên cứu ban hành CG code để các DN có định hướng rõ ràng hơn trong việc áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty. Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng được chú trọng. Hiện nay, Sở GDCK đã có hướng dẫn cụ thể nhằm khuyến khích các DN niêm yết thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh kịp thời và đầy đủ.

Hai là khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị công ty và quản trị rủi ro để hướng đến phát triển bền vững:

Quản trị công ty và thực hiện các cam kết phát triển bền vững trở thành tâm điểm nổi bật, nhận được rất nhiều sự quan tâm và kỳ vọng từ các nhà đầu tư và các đối tác hữu quan.

Trong xu thế hội nhập của nền kinh tế, quản trị công ty và quản trị rủi ro tại Việt Nam đang gặp nhiều thách thức bởi phần lớn các DN vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, còn nhiều thiếu sót trong tuân thủ lẫn năng lực.

Trong những năm sắp tới ban tổ chức cuộc bình chọn sẽ tập trung và tăng cường hơn nữa việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về quản trị công ty, quản trị rủi ro để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh và có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường vốn khu vực và quốc tế trong bối cảnh hội nhập ngày càng mạnh mẽ.

Ba là mở rộng kêu gọi các tổ chức chuyên nghiệp, hội nghề nghiệp tham gia Hội đồng bình chọn:

Tiếp theo sự tham gia của Big 4, Ban Tổ chức dự kiến sẽ tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp trong và ngoài nước và mời các tổ chức này tham gia vào Hội đồng bình chọn nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của giải cũng như nâng tầm giải thưởng thành giải thưởng có uy tín được công nhận trong cộng đồng nhà đầu tư quốc tế.

Nhiều DN chưa vượt qua ngưỡng làm báo cáo cho xong

Định hình văn hóa kinh doanh minh bạch và sáng tạo ảnh 1

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam 

Điểm quản trị công ty năm nay ghi nhận sự tiến bộ, nhất là việc thực hiện các quy định liên quan đến Luật Doanh nghiệp năm 2014, các vấn đề liên quan đến quản trị công ty trong Thông tư 121 của Bộ Tài chính. Theo đó, nhiều DN đã thành lập tiểu ban dưới quyền HĐQT; chế độ lương thưởng HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát chi tiết hơn thay vì chỉ ghi nhận tổng số như trước đây. Các quy định liên quan đến giao dịch nội bộ, những giao dịch có tác động của các đối tác liên quan DN cũng được công bố.

Một số doanh nghiệp, tập đoàn chuyển hướng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc trong lĩnh vực bất động sản xây dựng, nghỉ dưỡng đã có sự tiên phong trong đội ngũ về quản trị để xác lập các chuẩn mực theo các thông lệ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dầu khí, dịch vụ tài chính, dược phẩm, sữa là những lĩnh vực có truyền thống trong xây dựng báo cáo thường niên, báo cáo quản trị công ty và báo cáo phát triển bền vững tốt thì vẫn tiếp tục khẳng định vị thế.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, bất cập khi nhiều báo cáo nặng hình thức, giới thiệu quảng bá công ty, sản phẩm trong khi những nội dung mà NĐT, cổ đông quan tâm thì không đề cập sâu, bản chất hơn theo yêu cầu của một báo cáo thường niên. 

Chấm báo cáo không chỉ dừng ở việc xếp hạng

Định hình văn hóa kinh doanh minh bạch và sáng tạo ảnh 2

 GS.TS Trần Ngọc Thơ,Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM

Khối doanh nghiệp sản xuất có nỗ lực đáng khen bởi đã cung cấp được cho người đọc bức tranh tổng quát trong ngành, trong đó có những phân tích về triển vọng, rủi ro, cũng như định hướng hoạt động kinh doanh sắp tới. Những nội dung này không mới so với các năm trước nhưng khối này duy trì được phong độ như vậy là tốt.

Trong khi đó, khối ngành cần sự minh bạch nhất chính là ngân hàng nhưng kết quả không như kỳ vọng. Báo cáo thường niên của khối này gần như chỉ có thành tích; báo cáo tài chính kiểm toán chỉ viết lại con số chứ không diễn giải rõ ràng, điều này chỉ một bộ phận NĐT hiểu được.

Nếu như hệ thống ngân hàng minh bạch hơn thì truyền thông, giới chuyên gia sẽ có cơ sở dữ liệu xác thực, từ đó đưa ra những ý kiến, nhận định chính xác hơn về sức khỏe của doanh nghiệp so với bức tranh tổng quát mà Chính phủ công bố. Đó là chưa kể, các thông tin đưa ra có thể giúp Chính phủ, các nhà làm chính sách nhận diện bức tranh  hệ thống tài chính để có những chính sách thích hợp.

Nói rộng ra cả Cuộc bình chọn báo cáo thường niên, 10 năm qua, Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn đã làm tốt vai trò trong việc thúc đẩy sự minh bạch trên thị trường chứng khoán.

Cuộc bình chọn đã và cần tiếp tục cung cấp cho các nhà làm chính sách, cho thị trường biết được cấu trúc vi mô hệ thống tài chính, ngân hàng cũng như của các doanh nghiệp để xây dựng chính sách thích hợp chứ không chỉ dừng ở việc chọn ra những DN làm báo cáo xuất sắc nhất.

Tôi cho rằng, sau 10 năm, những thống kê về chất lượng báo cáo theo nhóm ngành sẽ giúp chúng ta nhìn thấy được bức tranh chi tiết của hơn 700 DN, chứ không nên chỉ nói về DN tốt, DN được giải cao trong mùa bình chọn.

Đến lúc cần mở rộng và nâng tầm Cuộc bình chọn

Định hình văn hóa kinh doanh minh bạch và sáng tạo ảnh 3

PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam 

Tôi đánh giá cao nhiều DN duy trì được cách trình bày rõ ràng, dễ hiểu cũng như ý kiến phân tích của các nhà quản trị. Nhóm ngành ngân hàng, tài chính, chứng khoán có kinh nghiệm hơn về mặt trình bày số liệu, phân tích nhưng nhược điểm là quá nhiều thuật ngữ chuyên môn mà thiếu sự lý giải khiến một bộ phận người đọc không nắm được hết thông tin.

Với nhóm ngành sản xuất, thông tin cần cho nhà quản lý chưa được mổ xẻ, phân tích khía cạnh tài chính chưa trọn vẹn, chưa sử dụng các phương pháp phân tích kỹ thuật hiện đại để bóc tách, chỉ rõ những vấn đề nội tại, rủi ro cũng như triển vọng của công ty trong năm sắp tới. Nhóm bất động sản cho thấy mặt bằng chung có kinh doanh tốt hơn nhưng những vấn đề tồn đọng vẫn chưa được báo cáo rõ ràng.

Chẳng hạn, vấn đề về hàng tồn kho, công nợ, các khoản đầu tư chưa xử lý…người đọc kỳ vọng xem được thông tin kỹ hơn về trích lập dự phòng, hướng xử lý trong tương lai, nhất là hàng tồn kho, biến động nguồn vốn và các rủi ro trong kinh doanh.

Cuộc bình chọn đã đi qua chặng đường 10 năm, đã hoàn thành được vai trò bước đầu là giúp DN từng bước công khai minh bạch hơn, chất lượng báo cáo cũng ghi nhận sự nâng cao hơn về chất lượng. Đến lúc này, cần một sự tổng kết đánh giá lại để cải thiện và nâng tầm.

Có thể xem xét công bố kết quả bình chọn để DN có thể bản thân những doanh nghiệp đạt giải thấy được điểm mạnh,yếu và thay đổi phù hợp. Mặt khác, thị trường có hàng trăm DN, nên việc vinh danh có thể mở rộng hơn cho các Top dưới để tạo động lực, khuyến khích các DN thực hiện báo cáo tốt hơn.

Thậm chí xem xét chấm báo cáo cả ở những DN chưa niêm yết, nhất là những DN lớn, qua đó tác động tích cực tới DN trong việc chú trọng hơn đến công tác công bố thông tin minh bạchcũng như giúp cơ quan Nhà nước thấy được những điểm mạnh, điểm yếu trong nền tài chính của mình.


Đặc san Báo cáo thường niên 2017

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục