Định hình lại chiến lược đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường lao dốc được coi là cơ hội để mua những cổ phiếu tốt cho trung và dài hạn, nhưng với nhiều nhà đầu tư cá nhân, họ đã cạn tiền để có thể mua thêm và nỗi sợ giá tiếp tục dò đáy vẫn thường trực.
Định giá P/E của thị trường chứng khoán đang ở mức thấp, khoảng 13,5 lần. Định giá P/E của thị trường chứng khoán đang ở mức thấp, khoảng 13,5 lần.

Xu thế giảm chung trên toàn cầu

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, các chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới đều giảm điểm như Dow Jones (Mỹ) giảm 3,05%, DAX (Đức) giảm 9,17%, SHCOMP (Trung Quốc) giảm 13,27%, KOSPI (Hàn Quốc) giảm 8,37%... Khi lãi suất tăng, cộng thêm một số yếu tố bất lợi khác, thị trường chứng khoán thường giảm điểm trong ngắn hạn và chỉ số VN-Index của Việt Nam có mức giảm 8,55%, phản ánh xu thế chung của thị trường tài chính thế giới.

Với đà giảm từ đầu tháng 4/2022 đến nay, nhiều cổ phiếu tốt đã có mức chiết khấu giá 20 - 30%, không ít nhà đầu tư lớn bắt đầu tính đến việc mua vào. Nhưng với đa số nhà đầu tư khác, họ chưa dám giải ngân, vì diễn biến “kéo - xả” cuối phiên, thanh khoản sụt giảm và các thông tin hỗn loạn, nên kịch bản tiêu cực là VN-Index giảm sâu hơn, thậm chí về vùng 1.200 điểm đã được nghĩ đến (chỉ số đóng cửa phiên hôm qua tại 1.310,92 điểm, giảm 213,8 điểm so với phiên 4/4, tương đương giảm 14%).

Thị trường giảm điểm trùng với động thái tăng cường kiểm soát giao dịch của cơ quan chức năng đối với các cá nhân có dấu hiệu thao túng thị trường chứng khoán, đồng thời xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, hoạt động tăng cường thanh tra, giám sát, xử phạt được cho là có tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư, dù góp phần giúp thị trường phát triển lành mạnh, bền vững hơn trong dài hạn.

Có 2 yếu tố có thể giải thích bất hợp lý trên, trước hết là hoạt động đầu cơ, lái giá cổ phiếu giai đoạn này sẽ không dám manh động, trong khi đa phần nhà đầu tư cá nhân ưa thích lướt sóng, mua cổ phiếu đầu cơ, giao dịch theo phân tích kỹ thuật đang bị “kẹp hàng”, khiến lực cầu giảm, kéo theo giá và thanh khoản sụt giảm.

Thứ hai là hiệu ứng lệnh gọi bổ sung ký quỹ (call margin), bán giải chấp (force sell) dần lan rộng, trong đó có cổ phiếu tốt dùng làm tài sản ký quỹ cũng bị bán để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ, khiến thị trường giảm nhanh và mạnh, đặc biệt sau 10h và 14h. Điều này gây ám ảnh các nhà đầu tư trong 1 - 2 tuần qua, khi lực cầu bắt đáy vừa “ấm lên” đã bị “dội nước lạnh”.

Tất nhiên, một loạt cổ phiếu nhỏ, mang tính chất đầu cơ, tăng nóng kể từ giữa năm 2021, trong khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không có chuyển biến tích cực, gần đây đồng loạt bị bán tháo được nhìn nhận là diễn biến hợp lý.

Về “con dao hai lưỡi” giao dịch ký quỹ (margin), chuyên gia chứng khoán Đào Phúc Tường cho rằng, dùng đòn bẩy tài chính là nhu cầu chính đáng của các nhà đầu tư, nên trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính.

Trong 1 năm trở lại đây, ý thức quản trị rủi ro và áp dụng công nghệ của các công ty chứng khoán và các đơn vị đầu tư bên ngoài đều tăng, nhất là với nguồn margin không chính thống (các “kho hàng”).

Chính vì vậy, khi chứng khoán giảm nhanh và mạnh, bên cho vay thực hiện bán giải chấp rất nhanh. Quản lý rủi ro như vậy là tốt, nhưng trong bối cảnh dư nợ margin ở mức cao, thị trường chịu áp lực rất lớn.

Mức định giá đang thấp

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, khi lãi suất tăng, giá vốn không còn rẻ (cả thế giới đang kiểm soát cung tiền ra thị trường), đây là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán giảm điểm.

Thống kê tại Mỹ cho thấy, trong 2 tháng đầu tăng lãi suất, thị trường chứng khoán luôn điều chỉnh giảm, nhưng sau 12 tháng thì đa số thị trường tăng điểm cao hơn so với trước khi tăng lãi suất.

Theo ông Hưng, P/E năm 2022 của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khoảng 13,5 lần, là mức định giá khá thấp. Thị trường đang mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro cho nhà đầu tư so với lúc thị trường tăng nóng.

Tất nhiên, khi thị trường giảm bất kể vì lý do gì thì các nhà đầu tư đang giữ danh mục cổ phiếu đều thấy mất tiền và có cảm giác bi quan, nhưng “sau cơn mưa, trời lại sáng”, việc làm lành mạnh hoá thị trường như mạnh tay với các hành vi vi phạm luôn là yếu tố tích cực nhằm bảo vệ nhà đầu tư và cả nền kinh tế.

Dự báo, thị trường trong tuần mới sẽ có nhịp hồi phục, có thể kéo dài cho đến giữa tháng 5. Nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội, chuyển hướng sang danh mục cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tăng trưởng và hưởng lợi từ các yếu tố vĩ mô như thuỷ sản, logistic, cao su, sản xuất, vật liệu, bán lẻ và doanh nghiệp có câu chuyện riêng.

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc MBS

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trong dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều đỉnh mới.

Còn hiện nay, sau 2 năm tăng trưởng mạnh, thị trường điều chỉnh là tất yếu. Năm 2022, cơ hội đầu tư lãi lớn khó hơn, lựa chọn cổ phiếu tốt cũng khó hơn, nhưng không đồng nghĩa với chỉ số không có khả năng vượt đỉnh cũ.

Trong bối cảnh thị trường hiện nay, các nhà đầu tư ngắn hạn có nên trở thành nhà đầu tư giá trị và chuyển đổi cách thức đầu tư? Về vấn đề này, ông Tường nhận xét, nhiều nhà đầu tư trong năm 2021 chiến thắng quá dễ dàng nên không chú trọng đến trường phái, chiến lược đầu tư.

Cách tiếp cận “trận đấu” đang có vấn đề, nên hiện tại là cơ hội để nhà đầu tư nhìn lại mình, định hình lại công cụ và “vũ khí” đầu tư, từ đó xác định mục tiêu và chiến lược, chiến thuật đầu tư phù hợp. Trên thị trường có nhiều gu đầu tư khác nhau, không nhất thiết phải theo gu đầu tư giá trị, nếu chỉ mua và nắm giữ thì thị trường sẽ không có thanh khoản.

Cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán liệu đã hấp dẫn?

Ngân hàng và bất động sản là hai nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn nhất thị trường, còn chứng khoán là một trong những nhóm được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Ông Tường cho biết, xu hướng đi xuống của cổ phiếu bất động sản có nguồn cơn là tỷ lệ cho vay margin lớn sau nhóm ngân hàng, nên khi đến ngưỡng giải chấp sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Trong khi đó, dòng bất động sản có không ít cổ phiếu đầu cơ, mà theo định nghĩa của ông Tường, không chỉ các mã thuộc doanh nghiệp “không có doanh thu” vẫn có giá tăng bằng lần, mà còn cả những mã có thị giá cao hơn nhiều so với giá trị nội tại, dù công ty có tốt đến đâu. Khi thị trường điều chỉnh sâu, những cổ phiếu này sẽ giảm rất nhanh về vùng giá trị thực và thị giá thường xuống dưới giá trị thực sau đó mới bật lên. Mặc dù vậy, nhà đầu tư không nên có quan niệm “giá cổ phiếu giảm sâu sẽ bật nhanh”.

Đối với nhóm ngân hàng, theo ông Hà, thời gian qua có những cổ phiếu không thu hút được dòng tiền, dù kết quả kinh doanh nổi bật. Nguyên nhân là thiếu sức cầu từ nhà đầu tư nước ngoài, do đa phần ngân hàng Top đầu đều đã kín tỷ lệ sở hữu tối đa dành cho khối ngoại.

Bên cạnh đó, thị trường đang chờ đợi thông tin liên quan đến trích lập dự phòng nợ xấu một cách thực chất của ngành ngân hàng. Trên thị trường, dòng tiền có phân hoá và luân chuyển giữa nhiều nhóm ngành, nên tạm thời chưa lựa chọn ngân hàng cũng là dễ hiểu.

Vẫn theo ông Hà, khác với ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán có giá theo sát diễn biến thị trường, đồng thời dựa vào dự báo thị trường trong 3 - 6 tháng tới. Ba tuần vừa qua, VN-Index lao dốc, nên nhóm cổ phiếu chứng khoán không thể đi ngược thị trường chung.

Bên cạnh đó, từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường chủ yếu đi ngang và gần đây điều chỉnh mạnh, nên mảng tự doanh của công ty chứng khoán không dễ có lãi. Thời gian tới sẽ có sự phân hoá rõ nét, những công ty tập trung cho chuyển đổi số, tăng trải nghiệm khách hàng, tối ưu hoá vận hành thì cổ phiếu có triển vọng tăng giá cao hơn.

Trong khi đó, ông Tường nhận định, năm 2022 không phải là năm tốt cho cổ phiếu chứng khoán. Nhóm này có kết quả kinh doanh quý I/2022 khả quan hơn so với kỳ vọng của ông Tường, nhưng thời điểm công bố thông tin đúng lúc thị trường đang “tranh tối, tranh sáng”, nên chưa được phản ánh vào giá cổ phiếu. Mặc dù vậy, định giá cổ phiếu chứng khoán cao hơn định giá cổ phiếu ngân hàng là không hợp lý. Nhìn lại năm 2021, giá cổ phiếu chứng khoán tăng cao so với tăng trưởng nội tại và mang tính chất thị trường như câu chuyện phát hành tăng vốn.

“Định giá của cổ phiếu chứng khoán khó mà cao hơn định giá của ngân hàng. Dĩ nhiên, những công ty thiên về dịch vụ thì định giá cao hơn là hợp lý, vì quản lý rủi ro của công ty chứng khoán dễ hơn quản lý rủi ro của ngân hàng. Về lợi nhuận, công ty chứng khoán có 2 phần chính, mảng dịch vụ thường ổn định, còn mảng tự doanh phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường”, ông Tường nói.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ