Ngân hàng nước ngoài: Băn khoăn về tiêu chí xếp hạng ngân hàng
Tiêu chí xếp hạng là một trong những vấn đề được các ngân hàng nước ngoài quan tâm và chia sẻ trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 (VBF) diễn ra đầu tuần này. Theo Nhóm công tác Ngân hàng (BWG), tiêu chí xếp hạng các ngân hàng nước ngoài tại Khoản 3, Điều 58-Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2010 quy định, NHNN phải thực hiện “xếp hạng các tổ chức tín dụng hằng năm”.
Khoản 1, Điều 4-Luật Các TCTD năm 2010 quy định: “TCTD là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. TCTD bao gồm ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân”.
Liên quan đến việc xếp loại TCTD, hiện nay, NHNN có các văn bản: Thứ nhất, Quyết định số 06/2008/QĐ-NHNN ngày 12/3/2008 ban hành quy định xếp loại ngân hàng thương mại cổ phần (Quyết định 06); thứ hai, Thông tư số 42/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 ban hành quy chế xếp loại quỹ tín dụng nhân dân.
“Tổng kết, đánh giá các quy định nêu trên cho thấy, các quy định tại 2 văn bản này mới chỉ điều chỉnh đối với ngân hàng thương mại cổ phần và quỹ tín dụng nhân dân, mà chưa đề cập tới các TCTD khác”, BWG nhận định.
Các TCTD sắp được đánh giá xếp hạng
Liên quan đến công tác xếp hạng tín nhiệm và việc công bố công khai xếp hạng tín nhiệm, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như các nước và để phù hợp với đặc điểm hoạt động của các TCTD ở Việt Nam, NHNN đã xây dựng dự thảo thông tư quy định về xếp hạng các TCTD để thay thế Quyết định 06 ban hành từ năm 2008 còn nhiều điểm chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý và quy định của pháp luật.
Trong đó, dự thảo dự kiến sẽ quy định đánh giá phân loại không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần, mà còn áp dụng cho cả các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng hợp tác xã, ngân hàng 100% vốn nước ngoài và các TCTD nước ngoài, các TCTD phi ngân hàng.
Các TCTD sẽ được đánh giá theo các tiêu chí về vốn, chất lượng tài sản, năng lực quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường và có những nhóm tiêu chí cả về định lượng và định tính. Định kỳ hàng năm, NHNN sẽ đánh giá xếp hạng các TCTD và các kết quả xếp hạng này sẽ được công bố cho từng TCTD.
Lý do kết quả này chỉ thông báo cho các TCTD được Thống đốc lý giải bởi hiện nay, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã có công bố các thông tin xếp hạng tín nhiệm với mục tiêu cung cấp các thông tin tham khảo cho các nhà đầu tư và người gửi tiền về việc xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng thương mại.
Để từ đó, các nhà đầu tư và người gửi tiền có thể đưa ra các quyết định đầu tư của mình, đồng thời trong nước tới đây sẽ phát triển các công ty xếp hạng tín nhiệm để có thể xếp hạng các ngân hàng.
“Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đây cũng là thông lệ của các nước. Các ngân hàng trung ương, cơ quan quản lý tiền tệ thực hiện việc xếp hạng các ngân hàng và các tổ chức tài chính để phục vụ mục đích quản lý nhà nước...
Căn cứ vào kết quả xếp hạng, NHNN sẽ thực hiện các hành động và biện pháp quản lý phù hợp với tình hình hoạt động, sự lành mạnh của từng TCTD, cũng như kịp thời phát hiện rủi ro tiềm ẩn để có biện pháp ngăn chặn và cảnh báo sớm”, ông Hưng nói.
Lãi suất huy động càng cao, “sức khỏe” ngân hàng càng có vấn đề
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lãi suất huy động trên thị trường 1 trong tháng 11 tăng nhẹ so với tháng trước đó, khi một số ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi lớn như VietinBank và BIDV đã điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn. Tính đến tháng 11, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,85%/năm, 6 tháng ở mức 5,72%/năm, 12 tháng ở mức 6,8%/năm, 12-36 tháng ở mức 7,07%/năm (tăng từ 0,04-0,15 điểm%).
Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung ổn định. Thanh khoản hệ thống được hỗ trợ từ việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 86,9%, tăng nhẹ so với mức 85,6% cuối năm 2016.
“Không phải khách hàng nào cũng nắm được đủ thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô nói chung, cũng như của riêng hệ thống ngân hàng, nên việc các khách hàng thấy băn khoăn về ‘sức khỏe’ của các TCTD cũng là điều dễ hiểu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.
Trao đổi câu chuyện này với một lãnh đạo cao cấp NHNN, ông trả lời đơn giản: “Ngân hàng nào lãi suất càng cao thì ‘sức khỏe’ ngân hàng đó càng có vấn đề. Việc lựa chọn ngân hàng nào để gửi tiết kiệm sẽ tùy thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của từng cá nhân, cũng như các tổ chức”.
BWG gợi ý phương pháp và tiêu chí xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng theo hệ thống tiêu chí và được chia thành các nhóm đồng hạng.
Các tiêu chí bao gồm nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính. Nhóm chỉ tiêu định lượng đo lường mức độ lành mạnh hoạt động ngân hàng trên cơ sở các số liệu phản ánh hoạt động của TCRD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhóm chỉ tiêu định tính đo lường mức độ tuân thủ các quy định pháp luật của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Hệ thống tiêu chí được sử dụng làm cơ sở phân nhóm chỉ tiêu khi xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm vốn, chất lượng tài sản, quản trị điều hành, kết quả hoạt động kinh doanh, khả năng thanh khoản, mức độ nhạy cảm đối với rủi ro thị trường.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xếp hạng vào Hạng A (Tốt), Hạng B (Khá), Hạng C (Trung bình), Hạng D (Yếu) hoặc Hạng E (Kém) căn cứ vào mức điểm xếp hạng đạt được.