Quốc hội thông qua Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi

Với 88,8% đại biểu tán thành, chiều 20/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng.
Ảnh Internet Ảnh Internet
Luật được thông qua bổ sung Điểm g vào Khoản 28 Điều 4 như sau: "Pháp nhân, cá nhân khác có mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xác định theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, giám sát đối với từng trường hợp cụ thể".

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 1 Điều 28 như sau: "Tổ chức tín dụng bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức pháp lý".

Sửa đổi, bổ sung các Điểm c, đ, e và g Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều 29 như sau "Địa điểm đặt trụ sở chi nhánh của tổ chức tín dụng. Mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên góp vốn; mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp của chủ sở hữu; mua bán, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn; mua bán, chuyển nhượng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn thành cổ đông thường và ngược lại...".

Sửa đổi điểm a khoản 4 Điều 29 như sau: Sửa đổi, bổ sung điều lệ của tổ chức tín dụng phù hợp với thay đổi đã được chấp thuận.

Bổ sung Khoản 6 vào Điều 129 như sau "Mức góp vốn, mua cổ phần quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này không bao gồm mức góp vốn, mua cổ phần của công ty quản lý quỹ là công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại, công ty tài chính vào một doanh nghiệp từ các quỹ do công ty đó quản lý".

Luật nêu rõ quy định chuyển tiếp là: Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng đã được kiểm soát đặc biệt hoặc đang thực hiện phương án xử lý được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.

Việc điều chỉnh một hoặc một số nội dung của phương án đã được phê duyệt, thay đổi phương án hoặc xây dựng mới phương án cơ cấu lại được thực hiện theo quy định có liên quan tại các Mục 1, 1a, 1b, 1c, 1d, 1đ và 1e Chương VIII của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật này.

Trong thời gian kiểm soát đặc biệt, ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực được áp dụng một hoặc một số biện pháp hỗ trợ quy định tại khoản 1 Điều 148b của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật này theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với ngân hàng thương mại đã được mua bắt buộc trước ngày Luật này có hiệu lực, việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác kể từ ngày Luật này có hiệu lực được thực hiện theo quy định sau đây: Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Phương án bao gồm các nội dung tối thiểu sau đây: Thông tin về bên nhận chuyển nhượng; phương án xử lý phần vốn góp vượt giới hạn tại ngân hàng thương mại sau chuyển nhượng trong trường hợp bên nhận chuyển nhượng là tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; lộ trình, thời hạn thực hiện phương án chuyển nhượng; các nội dung quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 151b của Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật này; các nội dung quy định tại các điểm d, đ và g khoản này. Bên nhận chuyển nhượng phải đáp ứng các điều kiện đối với bên nhận chuyển giao bắt buộc quy định tại Điều 151đ của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật này...

Người quản lý, người điều hành và các chức danh khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được bầu, bổ nhiệm trước ngày Luật có hiệu lực mà không đáp ứng quy định của Luật được tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đến hết nhiệm kỳ hoặc đến hết thời hạn bổ nhiệm.

Đối với hợp đồng cấp tín dụng được ký kết trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được tiếp tục thực hiện theo các thỏa thuận đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng cấp tín dụng. Kể từ ngày Luật có hiệu lực, việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng cấp tín dụng nói trên chỉ được thực hiện nếu nội dung sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định của Luật.

Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật này.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục