Trong đó, việc phân phối các sản phẩm thuộc ngành hàng mới dự kiến sẽ có doanh thu tăng đột biến, nhưng do mới đi vào hoạt động, chi phí xây dựng hệ thống phân phối, nhân sự ban đầu cao nên chưa đóng góp lãi.
Kế hoạch doanh thu cụ thể như sau: doanh thu từ máy tính xách tay và máy tính bảng là 2.300 tỷ đồng, tăng 1,5%; điện thoại di động là 1.200 tỷ đồng, tăng hơn 60%, với sự đóng góp chủ lực của Xiaomi và dòng sản phẩm điện thoại mới của Sharp (Nhật Bản); thiết bị văn phòng 1.000 tỷ đồng, tăng gần 33%; hàng tiêu dùng 200 tỷ đồng, tăng 299% so với năm 2017.
Đối với việc xây dựng kênh phân phối cho ngành hàng mới là dược phẩm (cụ thể là thực phẩm chức năng), ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DGW cho biết, năm 2017, Công ty đã mở được 4.000 điểm bán. Dự kiến, kênh phân phối có thể “chạy” 20 sản phẩm, khi chạy 1 sản phẩm thì sẽ lỗ vì chưa gánh được chi phí, nhưng khi sản phẩm vào kênh nhiều hơn, Công ty chắc chắn có lời.
Hiện DGW đã có sẵn các sản phẩm để lần lượt cho ra mắt trong quý II và III/2018, bao gồm nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho trẻ em (quy mô thị trường khoảng 2.000 tỷ đồng), sản phẩm bảo vệ sức khỏe cho gan (quy mô thị trường khoảng 3.000 tỷ đồng), thực phẩm bảo vệ sức khỏe tuần hoàn máu (quy mô thị trường khoảng 3.000 tỷ đồng). Mục tiêu ban đầu của DGW là chiếm thị phần khoảng vài phần trăm cho mỗi thị trường.
Đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), năm 2017, DGW đã mua lại hơn 50% vốn tại Công ty TNHH CL. Đây là đơn vị đối tác của Lion - tập đoàn FMCG hàng đầu Nhật Bản với doanh thu 3,4 tỷ USD/năm.
Ông Việt cho hay, CL là bàn đạp đầu tiên để DGW bước chân vào ngành này, họ đã có được kênh phân phối, có được mã cung cấp vào các siêu thị, công việc tiếp theo của DGW là nghiên cứu để đưa các sản phẩm mới vào kênh, đương nhiên không cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm hiện tại của CL. DGW đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện kênh FMCG.