Quý I báo lãi kỷ lục 44,8 tỷ đồng sau thuế
Dịch Covid-19 bùng phát giữa tháng 2/2020 khiến học sinh nghỉ học dài ngày, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện giãn cách xã hội, áp dụng chế độ học/làm việc trực tuyến tại nhà.
Thực tế này dẫn đến nhu cầu sử dụng thiết bị công nghệ như điện thoại di động, máy tính bảng, laptop… tăng cao, qua đó đẩy sức tiêu thụ của nhóm hàng này tăng ngoạn mục.
Báo cáo GfK cho biết, doanh số bán ra trong tháng 2/2020 của ngành hàng laptop trên thị trường Việt Nam đạt mức tăng trưởng 47% YoY so với mức tăng trưởng -10% của tháng 1/2020.
Ðó cũng là lý do nhiều doanh nghiệp phân phối trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đạt kết quả kinh doanh quý I/2020 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2019.
Báo cáo tài chính quý I/2020 của DGW cho thấy, nhờ sự tăng trưởng ở tất cả các ngành hàng, DGW đạt 2.311 tỷ đồng doanh thu, tăng 68% và 44,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 83% so với cùng kỳ 2019 - mức kỷ lục trong quý đầu năm kể từ khi thành lập.
Trong đó, nhóm ngành điện thoại tăng trưởng 96%, máy tính xách tay tăng trưởng gần 70%. Ðược biết, trên thị trường, cứ 3 laptop được bán ra thì có 1 laptop do DGW phân phối.
Thực tế, thành tích này không hoàn toàn đến từ nhu cầu đột biến của thị trường, mà còn cần khả năng nắm bắt cơ hội của mỗi đơn vị. Bởi lẽ, khi nhu cầu tăng mạnh ngoài dự liệu, rất nhiều hãng sản xuất và các nhà bán lẻ đã trở tay không kịp.
Chưa kể đến, nhiều nhà máy sản xuất đặt ở Trung Quốc đã đóng cửa trong quý I/2020 vì dịch Covid-19, dẫn đến tình trạng không đủ hàng cung ứng theo nhu cầu tăng lên của thị trường toàn cầu.
Ðối với DGW, hàng hóa có gián đoạn trong tháng 2 khi dịch bùng phát ở Trung Quốc nhưng không lâu, bởi DGW làm khá tốt công tác dự báo.
Nhờ am hiểu thị trường nội địa nên hoạt động đánh giá và điều chỉnh kế hoạch nhập hàng hàng tuần của DGW bám rất sát với nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Tại Việt Nam, DGW là một trong những đơn vị hiếm hoi cung cấp đầy đủ dịch vụ phát triển thị trường (MES), bao gồm (1) Phân tích thị trường, (2) Thực hiện tiếp thị, (3) Nhập khẩu và kho bãi, (4) Bán hàng và phân phối, (5) Dịch vụ hậu mãi. Ðây chính là lợi thế cạnh tranh khác biệt của DGW.
Hiện kênh phân phối của DGW bao phủ rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 16.000 điểm bán hàng, 5 trung tâm dịch vụ, 3 tổng kho, 15 kho thứ cấp, 13 điểm tiếp nhận dịch vụ và là đối tác của các nhà bán lẻ, các trang thương mại điện tử lớn như Thế giới di động, FPT Shop, Lazada, TIKI...
Covid-19, chất xúc tác đẩy nhanh chuyển đổi số ở Việt Nam
Hiện cổ phiếu DGW đang nằm trong xu hướng hồi phục sau khi chạm ngưỡng đáy 18x. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với nhịp tăng giá của cổ phiếu. Các chỉ báo RSI và MACD đều đang ủng hộ tín hiệu tích cực.
Ðường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.
Từ cuối tháng 3 đến nay, thị giá DGW đã tăng hơn 37%, từ mức giá 17.500 đồng/CP (ngày 31/3/2020) lên 24.000 đồng/CP (23/4/2020) nhờ thông tin kết quả kinh doanh tích cực trong mùa dịch.
Quan trọng hơn, điểm nhấn giúp cổ phiếu DGW được đánh giá lại mức định giá cao hơn đến từ sự kỳ vọng của giới đầu tư về tiềm năng tăng trưởng của Công ty.
Ðặc biệt, đặt trong bối cảnh chuyển đối số của Việt Nam có thể diễn ra với tốc độ nhanh hơn vì dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy nhu cầu sử dụng thiết bị công nghệ tăng theo - là ngành hàng chủ lực mà DGW đang kinh doanh.
Chưa bao giờ ý thức và tốc độ số hoá lại được thể hiện rõ và trở thành vấn đề sống còn như hiện nay.
Thời gian qua, rất nhiều biện pháp y tế cộng đồng đã nhanh chóng được triển khai hiệu quả nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Giảng dạy và học tập online, làm việc tại nhà; dịch vụ mua/bán hàng online được tận dụng triệt để; đến cả ngành y tế cũng đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa; các cuộc họp tập trung thì được chuyển sang online kể cả ở các bộ, ngành…
Thông báo, khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… được gửi trực tiếp và thường xuyên qua điện thoại tới từng người dân.
Nói cách khác, Covid-19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng và thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số từ các tổ chức giáo dục, kinh doanh đến mỗi cá nhân.
Chẳng hạn, ngành giáo dục đã tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, dạy học (trực tuyến, truyền hình…), cải thiện hơn nền tảng học trực tuyến, tạo tiền đề cho bước chuyển đổi phương thức quản lý, phương pháp dạy học trong thời đại 4.0.
Chỉ thị 16/CT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nêu rõ, dịch Covid-19 đặt ra thách thức rất lớn, nhưng cũng là cơ hội cho tất cả các quốc gia.
Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đây là cơ hội xuất hiện trong tình huống khó khăn để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử và kinh tế số, đồng thời là cơ hội hướng dẫn, từng bước phổ cập kỹ năng số cho đông đảo người dân - lực lượng chính sử dụng các dịch vụ chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
“Ðại dịch Covid-19 tạo ra cơ hội trăm năm cho chuyển đổi số quốc gia”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tất cả những xu hướng đó đều thúc đẩy tiến trình số hoá nhanh hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng thiết bị văn phòng, thiết bị di động liên quan cũng tăng cao. Ðây chính là cơ hội cho DGW.
Mở rộng danh sách đối tác lớn trong 2020
Năm nay, DGW tiếp tục đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng ở mức cao, lần lượt là 10.200 tỷ đồng và 202 tỷ đồng, tăng tương ứng 20% và 25,5% so với kết quả năm trước.
Ðến thời điểm hiện tại, DGW tự tin với kế hoạch đề ra và không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh dự kiến trình Ðại hội đồng cổ đông. Kế hoạch này được đánh giá là khả thi nhờ mảng thiết bị di động vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao.
Ðơn cử, năm 2019, Hãng Xiaomi đã tăng thị phần nhanh chóng từ 4% hồi đầu năm lên 10% vào cuối năm. Nếu nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 3 thế giới này tiếp tục giữ mức thị phần cao trong năm 2020, chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu mảng điện thoại di động của DGW.
Năm qua, Xiaomi đóng góp đến 40% doanh thu của DGW. Doanh thu thu phân phối điện thoại di động của DGW tăng trưởng 65,4% trong năm 2019, đạt 3.896 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, DGW sẽ cùng Xiaomi tung ra nhiều sản phẩm mới song song với việc mở thêm các kênh bán hàng, đặc biệt là triển khai thương mại điện tử trong năm nay.
DGW cũng có kế hoạch tăng trưởng mạnh mảng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong năm 2020, nhưng tỷ trọng đóng góp chưa cao trong tổng doanh thu. Dù vậy, đây là nền tảng để đảm bảo tăng trưởng cho DGW cho các năm tới.
Song song với đó, DGW đẩy mạnh hơn việc hợp tác cùng các hãng lớn để vừa đa dạng sản phẩm, đa dạng khách hàng, vừa giảm thiểu rủi ro trong hoạt động.
Năm 2019, bên cạnh ký kết hợp tác chiến lược với Nestlé, DGW còn bắt tay với 2 nhà cung cấp lớn khác trên thế giới và có sản phẩm phổ biến tại thị trường Việt Nam là Huawei (lĩnh vực ICT) và Unilever (lĩnh vực FMCG).
Với việc chuyên cung cấp dịch vụ MES trọn gói cho các thương hiệu quốc tế, giới đầu tư kỳ vọng DGW sẽ mở rộng thêm danh mục các thương hiệu phân phối độc quyền, giúp Công ty đảm bảo tăng trưởng và cải thiện hơn nữa biên lợi nhuận.