Từ cuối tháng Hai đến nay, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại tỉnh Khánh Hòa liên tục tăng cao, đỉnh điểm có ngày trên 2.000 ca.
Việc số ca mắc tăng nhanh khiến người dân lo lắng, chủ động mua vật tư y tế tự phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà dẫn đến thị trường khan hiếm hàng. Một số trường hợp khác, theo các chỉ dẫn trên mạng tự điều trị không đúng cách... Các chuyên gia cảnh báo, những việc làm trên khiến nguy cơ người khỏi bệnh gặp các hội chứng hậu COVID-19 rất cao.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Khánh Hòa, sau một thời gian dài có số ca mắc thấp, gần đây số ca mắc đang tăng nhanh, tính đến ngày 3/3 toàn tỉnh ghi nhận 82.841 ca, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Số ca tử vong ghi nhận ngày mỗi cũng tăng cao, hiện đã có 318 ca tử vong.
Người dân lo lắng nên khi vừa có triệu chứng đã chủ động mua sắm vật tư y tế để tự kiểm tra tại nhà. Điều này khiến thị trường mặt hàng trên loạn giá, khan hiếm một số vật tư y tế, đặc biệt là tại thành phố Nha Trang.
Kết quả kiểm tra các mặt hàng thiết bị y tế phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố Nha Trang của Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa cho thấy, nguồn cung bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 khan hiếm. Nguyên nhân được lý giải theo lời của các nhà thuốc, do lượng người mua tăng gấp 3-4 lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Mặt khác, tình hình dịch ở các tỉnh phía Bắc đang diễn biến phức tạp nên các công ty cung ứng vật tư y tế thường ưu tiên phân phối cho các tỉnh phía Bắc.
Cùng với việc thiếu thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 tại nhà, người dân cũng lo lắng nhiều hơn khi ngày càng nhiều người đã khỏi bệnh có các biểu hiện của hội chứng hậu COVID-19.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng này xảy ra ở những người có tiền sử nhiễm bệnh với các triệu chứng và kéo dài ít nhất 2 tháng mà không thể giải thích bằng chẩn đoán, khiến cho sức khỏe của bệnh nhân giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
Bác sỹ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết người dương tính với SARS-CoV-2 từ lúc xét nghiệm kéo dài đến tháng thứ 3 với các triệu chứng nhưng không thể giải thích được chính là hậu COVID-19.
Đây là lĩnh vực liên quan đến nhiều chuyên khoa liên quan như hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, nội, cơ xương khớp, da liễu. Các bệnh nhân hậu COVID-19 nói chung có các biểu hiện như mệt mỏi kéo dài, rụng tóc, mất ngủ, giảm khả năng tập trung và có thể lo âu, trầm cảm, mất vị, mất mùi, chán ăn…
Chị Nguyễn Quỳnh Như ở thành phố Nha Trang vừa trở về nhà sau đợt thăm, khám tổng quát ở Phòng khám hậu COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh hồi cuối tháng 2/2022 cho biết sau một thời gian có các dấu hiệu sổ mũi, đau họng, mệt mỏi toàn thân thì đến nay chị bị mất khứu giác. Chị lo lắng, bản thân bị di chứng do COVID-19 nên đi khám bệnh.
Tại bệnh viện, sau các phương pháp sàng lọc, bác sỹ khuyến cáo bệnh nhân về nhà tập ngửi mùi và thường xuyên vệ sinh thành mũi, nâng cao sức đề kháng. Kết luận của bác sĩ làm chị yên tâm phần nào nhưng chị vẫn sẽ tiếp tục tái khám nếu các biểu hiện bệnh không thuyên giảm sau 2 tuần.
Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Ngân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cho biết khi người bệnh đến khám, bác sỹ sẽ tùy theo tình trạng, triệu chứng của từng người để có chỉ định làm xét nghiệm phù hợp. Bệnh nhân có thể đến khám trực tiếp hoặc đăng kỹ qua hình thức video call qua điện thoại nếu không thể đến bệnh viện.
Dựa vào kết quả thăm khám, bác sỹ sẽ có hướng xử trí cụ thể cho từng bệnh nhân về phác đồ điều trị cũng như phục hồi chức năng. Việc hồi phục sức khỏe còn tùy thuộc bệnh lý của người bệnh nặng hay nhẹ. Nếu các triệu chứng nhẹ có thể hồi phục hoàn toàn.
Đánh giá về tình hình bệnh nhân đến khám tại Phòng khám hậu COVID-19 của đơn vị, bác sỹ Nguyễn Thanh Ngân khẳng định dù mới triển khai trong tháng Hai đến nay phòng khám đã khám và tư vấn cho gần 300 bệnh nhân. Điều này chứng tỏ nhu cầu thăm khám của bệnh nhân sau mắc COVID-19 rất lớn. Có những bệnh nhân đi khám để biết mình có di chứng gì không, cũng có những bệnh nhân có những triệu chứng về sức khỏe làm bệnh nhân lo lắng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
“Người đang mắc bệnh cần bình tĩnh, tham vấn các chuyên gia về sức khỏe để có những lời khuyên thích hợp, tránh sử dụng thuốc theo lời đồn thổi; cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục theo khả năng và giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo lắng căng thẳng. Sau khi khỏi bệnh, nếu còn các dấu hiệu bất thường về sức khỏe người bệnh nên đi khám để được tư vấn, điều trị nếu có chỉ định,” bác sỹ Nguyễn Thanh Ngân chia sẻ.