Với Phó Tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump đang cạnh tranh quyết liệt để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 5/11, vậy điều gì sẽ là quan trọng nhất đối với thị trường tài chính toàn cầu.
Châu Âu trong thế cân bằng
Đối với thị trường chứng khoán châu Âu, chiến thắng của ông Trump có thể gây ra rắc rối cho các ngành xuất khẩu, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô Đức như BMW, bên cạnh đó là LVMH và các nhà sản xuất hàng xa xỉ khác khi lo ngại về căng thẳng thương mại gia tăng.
Barclays đã cảnh báo về khả năng giảm nguồn thu của châu Âu sẽ sụt giảm nếu xung đột thương mại bùng phát trở lại. Ông Trump đã đưa ra kế hoạch áp thuế toàn diện từ 10-20% đối với hầu hết mọi mặt hàng nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất của Mỹ.
Mặt khác, chiến thắng của bà Harris sẽ là kết quả tương đối tốt hơn cho cổ phiếu châu Âu. Điều này có thể thúc đẩy năng lượng tái tạo, một động lực tiềm tàng cho các công ty tiện ích có các dự án lớn tại Mỹ.
Tuy nhiên, về lâu dài, kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% của bà Harris có thể hạn chế biên lợi nhuận cho các công ty Mỹ. Trong khi một đợt cắt giảm thuế dưới thời ông Trump có thể sẽ được hoan nghênh ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Ảnh hưởng tới tiền tệ
Thuế quan thương mại là chìa khóa đối với các nhà giao dịch ở các tiền tệ được giao dịch tích cực nhất trên thế giới.
Đồng EUR được dự báo sẽ giảm giá so với đồng USD nếu chiến thắng của ông Trump có nghĩa là thuế quan phổ quát cao hơn.
"Theo quan điểm của thị trường, chiến thắng của ông Trump sẽ đưa tỷ giá euro/đô la xuống mức 1,05 đô la, trong khi chiến thắng của bà Harris sẽ khiến tỷ giá di chuyển theo hướng ngược lại, lên trên 1,15 đô la", CIO Mark Dowding, chiến lược gia của BlueBay Asset Management cho biết.
Các nhà phân tích cho biết rủi ro địa chính trị, đặc biệt là ở Trung Đông đã khiến giá dầu tăng giá và gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế, cũng khiến đồng euro dễ bị tổn thương.
ING cho biết thêm rằng, chiến thắng của ông Trump cũng có thể gây tổn hại đến đồng đô la Úc và New Zealand - đồng tiền của các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại từ Trung Quốc, mục tiêu chính của mức thuế quan cao hơn. ING lưu ý rằng khoảng 37% hàng xuất khẩu của Úc và 29% hàng xuất khẩu của New Zealand đến Trung Quốc.
Đồng tiền của Thụy Điển và Na Uy cũng được xem là dễ bị tổn thương trước động lực thương mại toàn cầu, trong khi đồng đô la Canada có thể bị ảnh hưởng nếu chiến thắng của bà Harris bị đánh giá là tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ.
Trung Quốc
Một trong những quyết định khó khăn nhất trên thị trường tài chính toàn cầu hiện nay là liệu có nên đặt cược vào Trung Quốc hay không, khi các cam kết kích thích của chính phủ đã khôi phục lại sự quan tâm của nhà đầu tư có thể bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế quan hoặc căng thẳng thương mại gia tăng dưới thời Trump.
Các nhà đầu tư kỳ vọng bà Harris sẽ theo đuổi các mức thuế quan có mục tiêu và ông Trump sẽ nghiêng về các chính sách rắc rối hơn.
"Nếu ông Trump thắng, thì lời lẽ chính trị đối với các công ty Trung Quốc sẽ rất tệ", Giám đốc cổ phiếu quốc tế của Edmond de Rothschild, Christophe Foliot cho biết.
Ông nói thêm rằng điều đó có thể làm tăng sự hoài nghi về Trung Quốc trong số các nhà đầu tư Mỹ và làm gia tăng xu hướng các công ty đa quốc gia loại bỏ các thành phần sản xuất tại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng.
Oxford Economics cho biết, Trung Quốc phải đối mặt với nhiều đòn giáng hơn nữa từ chính quyền ông Trump có khả năng cắt giảm quyền tiếp cận các công nghệ mới của các công ty Trung Quốc, điều này sẽ hạn chế năng suất.
Và công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho biết chiến thắng của ông Trump sẽ gây áp lực buộc các quốc gia EU cũng phải rút khỏi Trung Quốc.
Các chiến lược gia của Goldman Sachs ước tính rằng cổ phiếu Trung Quốc có thể giảm 13% nếu ông Trump áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tuy nhiên, nguy cơ về sự sụt giảm xuất khẩu cũng có thể thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục các chương trình kích thích tiền tệ với các chương trình chi tiêu tài khoá quan trọng hơn.
Goldman Sachs cho biết: "Các mức thuế mới tiềm tàng của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc có thể làm tăng cường độ và thời gian của các biện pháp kích thích".
Thị trường mới nổi
Trên lý thuyết, cổ phiếu thị trường mới nổi đã sẵn sàng tỏa sáng sau khi hoạt động kém hơn so với các thị trường phát triển trong phần lớn một thập kỷ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cắt giảm lãi suất và đồng đô la, giá thực phẩm và nhiên liệu đang giảm - động lực lớn cho các nước nhập khẩu.
Các nhà đầu tư cho rằng chiến thắng của bà Harris - báo hiệu sự tiếp tục chính sách rộng rãi từ Tổng thống Joe Biden - có thể mang lại động lực cho giá các tài sản thị trường mới nổi
Nhưng chiến thắng của ông Trump đi kèm với thuế quan toàn cầu có thể làm giảm mạnh bất kỳ sự lạc quan thái quá nào. Hầu hết các nhà đầu tư cho rằng Mexico - với mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Mỹ - sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
JPMorgan khuyến nghị rằng các nhà đầu tư nên giữ quan điểm trung lập cho đến khi rủi ro bầu cử của Mỹ qua đi, và UBS cảnh báo rằng mức thuế quan cao nhất của ông Trump có nguy cơ khiến cổ phiếu thị trường mới nổi giảm lên tới 11% vào năm 2025.
UBS cho biết chỉ số EM Risk Appetite đang ở mức cao nhất trong 15 năm, cho thấy các nhà đầu tư đang không định giá đầy đủ rủi ro của thuế quan Trump đối với tài sản thị trường mới nổi nói chung.