Điều kiện để doanh nghiệp áp dụng bỏ phiếu điện tử - Evoting

(ĐTCK) Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) gần đây nhắc đến việc cung cấp dịch vụ bỏ phiếu điện từ (Evoting). Xin hỏi, doanh nghiệp hiện đã có đủ điều kiện để áp dụng Evoting chưa? Ở các TTCK khác, trình tự Evoting được thực hiện thế nào?
Điều kiện để doanh nghiệp áp dụng bỏ phiếu điện tử - Evoting

Ông Đinh Ngọc Sơn, Giám đốc Tư vấn Quản trị doanh nghiệp CTCP Chứng khoán FPT:

Theo quy định của Khoản 2, Điều 140, Luật Doanh nghiệp 2014 - Thực hiện quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ): Cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp ĐHCĐ trong trường hợp sau đây:

a) Tham dự và biểu quyết trực tiếp tại cuộc họp;

b) Ủy quyền cho một người khác tham dự và biểu quyết tại cuộc họp;

c) Tham dự và biểu quyết thông qua hội nghị trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác;

d) Gửi phiếu biểu quyết đến cuộc họp thông qua gửi thư, fax, thư điện tử.

Như vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có đủ điều kiện pháp lý để tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, bỏ phiếu điện tử.

Kinh nghiệm ở các thị trường phát triển trên thế giới (Mỹ, Nhật, Singapore, Thượng Hải, Hàn Quốc, Ấn Độ…) hầu hết đều đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức ĐHCĐ. Việc tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, bỏ phiếu điện tử là rất phổ biến, thậm chí là quy định bắt buộc đối với công ty niêm yết ở một số thị trường.

Theo đó, các cổ đông được theo dõi diễn biến ĐHCĐ phát trực tiếp qua website (ĐHCĐ năm 2016 của Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett được phát trực tiếp qua trang thông tin tài chính của Yahoo).

Cổ đông được cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu để truy cập hệ thống trên website để tải tài liệu, thực hiện biểu quyết, bầu cử trực tuyến, cũng như hỗ trợ cổ đông gửi câu hỏi, trao đổi trực tiếp tới ban lãnh đạo doanh nghiệp (trước và trong khi diễn ra ĐHCĐ); sau Đại hội, cho phép cổ đông xem trực tiếp kết quả và xem lại diễn biến Đại hội.

ĐHCĐ trực tuyến, bỏ phiếu điện tử là thông lệ quản trị công ty tốt trên thế giới, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian của cổ đông và doanh nghiệp, gia tăng tỷ lệ tham dự, đảm bảo quyền lợi của cổ đông. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các công ty có mức độ đại chúng cao, cơ cấu cổ đông phân tán, cần mạnh dạn áp dụng để đảm bảo khả năng tổ chức ĐHCĐ thành công ngay từ lần họp đầu tiên, nâng cao hơn nữa chất lượng quản trị công ty.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục