Điều hòa linh hoạt vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên họp thứ 7 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt lưu ý việc điều hòa linh hoạt vốn đầu tư công.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ

Yêu cầu trên được đưa ra là bởi, ở kỳ họp bất thường lần thứ nhất, bế mạc ngày 11/1, Quốc hội đã quyết định gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng.

Quốc hội cũng giao Chính phủ bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn đầu tư công trong chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình để ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong tổng vốn đầu tư công trung hạn từ vốn ngân sách trung ương hơn 1 triệu tỷ đồng, số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 639.061 tỷ đồng. Trong đó, có 242.075 tỷ đồng dự kiến bố trí cho 565 dự án khởi công mới, 296.985,555 tỷ đồng chưa phân bổ chi tiết và 100.000 tỷ đồng bố trí cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến phải thuộc danh mục dự án Chính phủ đã trình Quốc hội. Đối với các dự án chưa thuộc danh mục này, phải bảo đảm các dự án được thay thế là thực sự cần thiết, đã có thủ tục đầu tư và việc thay thế danh mục bảo đảm không làm thay đổi kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương theo ngành, lĩnh vực mà Quốc hội đã quyết định.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, mấy năm qua, giải ngân vốn đầu tư công chậm, suy cho cùng là do công tác chuẩn bị đầu tư chậm. Chẳng hạn, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, đã hết 1 năm rồi chưa chuẩn bị gì cả.

Cho rằng, chuẩn bị chậm, dự án đã đưa vào danh mục, nhưng rồi phân bổ không được lại xin chuyển sang dự án khác đã thành căn bệnh trầm kha, nhưng cứ nói đến nguyên nhân, thì lại hay đổ thừa cho vướng thể chế, Chủ tịch Vương Đình Huệ lưu ý, không phải cái gì cũng do thể chế cả, điểm nghẽn nằm ở đâu, trách nhiệm ở đâu cần được làm rõ.

Nhắc lại yêu cầu điều hòa nguồn vốn khi thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ, Chủ tịch Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cần tính toán tổng thể, cân đối cả nguồn vốn từ gói này và kế hoạch đầu tư công, coi như đó là hạn mức Chính phủ có thể sử dụng.

“Năm 2022 phải đẩy mạnh đầu tư công, vì Quốc hội đã quyết cho tăng bội chi lên rồi”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Đồng tình với quan điểm này, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, cần điều hòa việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn với nguồn lực của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ giải ngân dự án đầu tư công.

Phát biểu giải trình, về yêu cầu điều hoà vốn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận, đây là quyết định hết sức chính xác và hiệu quả của Quốc hội, tạo điều kiện sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

Về cách thức điều hòa, theo Thứ trưởng, có thể sử dụng vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội cho các dự án đã sẵn sàng tiêu tiền, bởi như vậy sẽ có dư địa trong 2 năm 2024 - 2025 cho các dự án của Chương trình.

“Bộ sẽ cập nhật danh mục dự án, báo cáo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội để giám sát”, ông Phương khẳng định.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đồng tình với đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải ngân chậm và nguyên nhân chính là khâu chuẩn bị đầu tư.

Ông Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đôn đốc thủ tục đầu tư các dự án còn lại, đảm bảo tiến độ. Trong trường hợp cần thiết thay đổi dự án, thì sẽ không chia nhỏ dự án, rà soát kỹ tính cần thiết, tính hiệu quả, ý nghĩa dự án thay thế để đảm bảo kế hoạch sát thực tiễn, tránh lập kế hoạch cao mà giải ngân thấp, nhằm đảm bảo hiệu quả của nguồn vốn.

Phát biểu tiếp theo, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, giải ngân đầu tư công chậm là vấn đề hết sức nhức nhối, dù đã bàn bạc nhiều năm, nhưng chưa đẩy nhanh được. Lý do chủ yếu là khâu chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tổ chức thực hiện. Thời gian qua, theo Phó thủ tướng, Quốc hội đã rất tạo điều kiện cho Chính phủ, vì thế, tình hình tuy có cải thiện, nhưng vẫn rất chậm.

“Chính phủ xin hứa đẩy nhanh hơn nữa", ông Khái nói.

Về yêu cầu điều hòa linh hoạt giữa vốn đầu tư công trung hạn và Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Phó thủ tướng cho biết, tới đây, sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội danh mục dự án nào trong chương trình đầu tư công trung hạn, hay chương trình phục hồi để thực hiện giải ngân một cách linh hoạt.

Sau khi nghe giải trình, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành với tờ trình của Chính phủ về chủ trương bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2021-2025 từ số vốn chưa phân bổ (8.208,361 tỷ đồng cho 49 dự án); tiếp tục phân bổ vốn giai đoạn 2021-2025 cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định (88.099,585 tỷ đồng cho 340 dự án) và điều chỉnh vốn hợp lý giữa các dự án để tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ yêu cầu giao Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục, phân bổ vốn chi tiết cho các dự án tuân thủ đúng quy định. Việc bố trí vốn phải bảo đảm tập trung, không dàn trải, thay thế dự án không làm thay đổi tổng mức vốn.

Ông Nguyễn Đức Hải cũng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để phân bổ hết số vốn còn lại (542.753,07 tỷ đồng) theo đúng quy định. Đồng thời, điều hòa, phối hợp chặt chẽ với nguồn lực dành cho Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên cho dự án trọng điểm có tính lan tỏa, liên kết vùng, hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, sớm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội.

14 dự án được đề nghị thay thế

Theo tờ trình của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 5 địa phương (Tiền Giang, Khánh Hòa, Thái Bình, Đồng Tháp, Thanh Hóa) đề nghị thay 14 dự án đã có trong danh mục, nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư bằng 10 dự án khác chưa báo cáo Quốc hội, nhưng đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có thể triển khai ngay với tổng vốn là 2.883,349 tỷ đồng.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề xuất này, bởi các dự án thay thế là cấp bách, cần ưu tiên hơn và đã đủ thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện được ngay.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục