Việc các chuyên gia thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đưa ra những khuyến nghị về chính sách tỷ giá mới đây rất đáng tham khảo. Báo cáo chỉ ra rằng, tỷ giá hiệu dụng thực đang cho thấy một xu hướng tăng giá của đồng Việt Nam suốt từ năm 2003 tới nay, không kể giai đoạn giảm giá ngắn hồi đầu năm 2006. Về danh nghĩa, tỷ giá vẫn được điều chỉnh tăng dần, có nghĩa là đồng Việt Nam mất giá dần so với USD. Tuy nhiên, theo tính toán bao gồm cả yếu tố lạm phát thì đồng Việt Nam vẫn tăng về giá trị so với nhiều đồng tiền khác. Sự khác biệt nằm ở lạm phát của Việt Nam khá cao so với các nước khác. Kết quả mà nhóm chuyên gia công bố, đồng Việt Nam vào tháng 9/2008 tăng giá tới 33% so với tháng 1/2004 theo tỷ giá thực là rất cao.
Qua đó, các chuyên gia của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, từng bước giảm giá đồng Việt Nam có thể là một giải pháp tốt. Về lý thuyết, điều này sẽ hỗ trợ xuất khẩu qua tác động khiến giá hàng hóa Việt Nam rẻ đi so với các nước xuất khẩu khác. Tất nhiên, các khuyến nghị của nhóm chuyên gia cũng được đưa kèm với cảnh báo về "tác động phụ" của chính sách. Đó là việc giảm giá trị đồng Việt Nam có thể kéo theo nhập khẩu lạm phát. Các mặt hàng nhập khẩu tính theo đồng Việt Nam khi đó sẽ bị đội giá lên theo tỷ giá. Các mặt hàng này theo vòng quay sản xuất - kinh doanh sẽ khiến sản phẩm cuối cùng ra thị trường tăng giá. Nguy cơ lạm phát quay lại là có thể. Ngoài ra, việc giảm giá đồng nội tệ cũng khiến doanh nghiệp vay vốn bằng USD có nguồn thu bằng đồng Việt Nam chịu nhiều rủi ro trong trả nợ. Các sản phẩm phòng tránh rủi ro tỷ giá của ngân hàng hiện vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Doanh nghiệp mà khó khăn, ngân hàng sẽ phải lo theo về vấn đề nợ xấu.
Tuy nhiên, tất cả báo cáo, nhận định trên thị trường trong thời gian qua đều phải dựa trên dự báo về nguồn cung - cầu trên thị trường ngoại hối. Về vấn đề này, một quan chức NHNN phân tích rằng, trong tất cả các kịch bản mà các bộ, ngành có liên quan đồng phác thảo thì Việt Nam có đủ nguồn dự trữ ngoại tệ để can thiệp. Những kịch bản đã bao gồm tất cả các yếu tố tác động làm giảm nguồn cung ngoại tệ như: giảm kiều hối, giảm đầu tư nước ngoài qua các kênh trực tiếp và gián tiếp…
Điều hành tỷ giá luôn là một bài toán khó, bởi nó có tác động tới nhiều ngành, nghề và các yếu tố của nền kinh tế vĩ mô. Do đó, khi năm 2009 mới chỉ trôi qua có hơn 1 tháng thì chưa thể đưa ra bất cứ dự đoán nào. Chính sách của NHNN hiện nay vẫn là điều hành dựa trên cung - cầu thị trường ngoại hối và thị trường tới đâu thì chính sách điều chỉnh tới đó. Trong hoàn cảnh này, một sự linh hoạt như thế xem ra là cần thiết, khi mà có quá nhiều yếu tố hiện vẫn là bất định.