Điều hành chính sách tiền tệ vẫn thận trọng

(ĐTCK-online) Các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ cả lãi suất huy động lẫn cho vay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 mặc dù tăng cao hơn tháng 7 (1,56% so với 1,13%) nhưng vẫn tăng thấp hơn bình quân 7 tháng đầu năm, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN đã có dấu hiệu khởi sắc… Từ những yếu tố này, nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng chính sách tiền tệ. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến đã trao đổi với ĐTCK về vấn đề này.
Ô Nguyễn Đồng Tiến. Ô Nguyễn Đồng Tiến.

Nền kinh tế đã bộc lộ những dấu hiệu tích cực, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đây là thời điểm nới rộng chính sách tiền tệ, thưa ông?

Mục tiêu của Chính phủ trong điều hành kinh tế những tháng cuối năm là ưu tiên chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Muốn nới rộng chính sách tiền tệ, nới rộng thế nào, phải rà soát lại các mục tiêu cụ thể nêu trên, trong đó phải trả lời được câu hỏi lạm phát đã thực sự giảm chưa? Muốn trả lời được phải xem xét những yếu tố gây ra lạm phát đã mất đi chưa. Những yếu tố gây ra lạm phát, theo tôi, không thể trong một vài tháng, một vài quý mà có thể mất đi được, những yếu tố gây ra lạm phát thậm chí kéo dài cả năm. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải hết sức thận trọng trong việc đánh giá về những yếu tố gây ra lạm phát. Bối cảnh kinh tế hiện nay có nhiều thuận lợi, nhưng các bộ, ngành cùng có chung nhận định, nhiều khả năng vào cuối năm tới chỉ số lạm phát mới có thể về một con số.

Lãi suất cả huy động lẫn cho vay trên thị trường tiếp tục giảm, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, NHNN nên giảm lãi suất cơ bản?

Việc điều hành lãi suất cơ bản ra sao cũng phải căn cứ vào các mục tiêu kể trên. Cụ thể là phải trả lời được câu hỏi xu hướng của lạm phát sẽ diễn biến ra sao, các cán cân kinh tế vĩ mô đã thực sự ổn định chưa, thâm hụt thương mại những tháng còn lại của năm 2008 biến động ra sao… Quan trọng nhất bây giờ là NHNN đưa ra mức lãi suất cơ bản hợp lý để góp phần vào việc đưa các cân đối vĩ mô trở lại mức bình thường. Kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ thị trường tiền tệ nhưng có linh hoạt. Chúng tôi tiếp tục theo dõi những diễn biến trên thị trường tiền tệ và bảo đảm thực hiện đúng kết luận của Thủ tướng, việc điều hành chính sách lãi suất cơ bản thế nào chưa thể nói trước được.

Nhiều dự báo cho rằng, với mức lãi suất cho vay cao như thời gian vừa qua, trong thời gian tới sẽ có không ít DN phải phá sản, giải thể?

Tôi chỉ có thể nói rằng, Chính phủ đã bàn kỹ, cân nhắc tính toán hết sức thận trọng và kết luận rằng, trong giai đoạn vừa qua, nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nên đã lựa chọn các mục tiêu ưu tiên trong điều hành. Tại kỳ họp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã chấp nhận giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Trong điều kiện phải chấp nhận giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ cũng tiên lượng hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN và người dân gặp không ít khó khăn nên đã đưa ra nhiều giải pháp, chính sách kịp thời, phù hợp để tháo gỡ. Trong bối cảnh khó khăn như thời gian vừa qua, hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN vẫn có nhiều khởi sắc, bảo đảm phát triển bền vững.

NHNN là cơ quan quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát. Tốc độ lạm phát bước đầu đã được kiểm soát, NHNN rút ra được kinh nghiệm gì trong việc kiềm chế lạm phát, thưa ông?

Rất mừng là tốc độ lạm phát bước đầu đã được kiểm soát. Đây là nỗ lực của nhiều bộ, ngành, trong đó có NHNN. Qua bài học này, chúng tôi rút ra kinh nghiệm phải nhất quán trong chính sách điều hành, kiên quyết xử lý đối với những đơn vị, cá nhân vi phạm chính sách của NHNN; các công cụ điều hành phải linh hoạt, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác trong thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Chính phủ thường xuyên đánh giá, phân tích, chỉ đạo NHNN và các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp để vừa thắt chặt tín dụng nhưng đồng thời phải kịp thời giải ngân cho các DN vay vốn phục vụ kinh doanh như việc cho vay nhập khẩu xăng dầu, cho vay thu mua lúa, thu mua cá tra, cá basa ở Đồng bằng sông Cửu Long…

Việc thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản hồi từ DN, người dân phản ánh về việc các tổ chức tín dụng không thực hiện ý kiến chỉ đạo của NHNN là bài học kinh nghiệm trong điều hành chính sách tiền tệ?

Chúng tôi rất mừng là việc thành lập đường dây nóng đã được cộng đồng DN và xã hội đặc biệt quan tâm. Qua đường dây nóng, NHNN nhận được rất nhiều thông tin và đã xử lý kịp thời, giải toả được khó khăn, vướng mắc của DN. Đây là bài học rất có ý nghĩa với NHNN, một bài học khác được rút ra chính là việc NHNN chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông đại chúng để thông tin thường xuyên và đầy đủ chính sách của NHNN, tạo điều kiện cho người dân, DN hiểu rõ hơn về các chính sách tiền tệ đang được thực thi, tác động không nhỏ tới việc ổn định thị trường tiền tệ.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục