Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khoáng sản

0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước), tài nguyên, khoáng sản vừa là nguồn lực, vừa là nguồn dự trữ quốc gia, do đó, cần phải được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.
TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước) TS. Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước)

Thưa ông, vì sao đóng góp của ngành khai khoáng vào GDP mỗi năm một giảm, tốc độ tăng trưởng của ngành này nhiều năm không đạt mục tiêu?

Tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia, vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TW (ngày 25/4/2011) về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, yêu cầu việc quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện đóng góp của ngành khai khoáng vào GDP có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 2005, ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp vào GDP 9,73%, thì đến năm 2011 còn 7,79% và đến năm 2015 chỉ còn chiếm 4,25%. Năm 2022, ngành công nghiệp này vẫn còn đóng góp vào GDP 2,93%, thì sang năm 2023 giảm xuống chỉ còn 2,48% và trong quý I năm nay, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục tăng trưởng âm 5,84% so với cùng kỳ năm 2023, nên tỷ trọng đóng góp vào GDP tiếp tục giảm.

Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng vào GDP và ngân sách nhà nước giảm là điều đáng mừng vì nền kinh tế giảm dần sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên. Ở khía cạnh khác, tỷ trọng của ngành này đóng góp vào nền kinh tế giảm còn do xây dựng, dịch vụ tăng trưởng cao, khiến tỷ trọng đóng góp vào GDP của ngành khai khoáng bị giảm.

Nhưng ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm là điều đáng tiếc. Ông có nghĩ vậy không?

Tôi đồng ý quan điểm này. Là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, có trữ lượng lớn, nhưng ngành công nghiệp khai khoáng thường xuyên tăng trưởng âm là điều đáng tiếc, là nguyên nhân khiến cả giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra.

Ngành công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm dẫn đến rất nhiều hệ lụy cho các ngành khác, đặc biệt là xây dựng, cả đầu tư công vào hạ tầng kinh tế - xã hội, lẫn đầu tư xây dựng dân dụng vì thiếu nguyên vật liệu. Đầu tư công không đạt kế hoạch, giá chung cư, cả nhà ở xã hội cao có nguyên nhân chính là giá vật liệu xây dựng quá cao.

Tôi cho rằng, để tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này và những năm tiếp theo, cần phải tập trung phát triển ngành công nghiệp khai khoáng.

Nhận thức được vai trò đặc biệt của tài nguyên thiên nhiên đóng góp vào sự phát triển đất nước, Đảng đã có nghị quyết về vấn đề trên, thưa ông?

Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nêu rõ quan điểm, công tác quản lý quy hoạch, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phải có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt, trung và dài hạn.

Trong giai đoạn này, phải rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phù hợp với thực tiễn; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên, tăng nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, phải ưu tiên cấp phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.

Để phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, cần phải điều chỉnh thuế suất thuế tài nguyên đối với một số khoáng sản nhằm khuyến khích đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản có điều kiện địa chất - mỏ phức tạp, hàm lượng thấp, hạ tầng kỹ thuật kém. Ngoài ra, cần hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với doanh nghiệp ngoại, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chế biến khoáng sản.

Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã nhiều lần thực hiện kiểm toán chuyên đề với lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản. Kết quả ra sao, thưa ông?

Kể từ năm 2013 trở lại đây, quản lý và khai thác khoáng sản luôn được coi là vấn đề trọng tâm trong các cuộc kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 3 cuộc kiểm toán chuyên đề. Năm 2022, chúng tôi thực hiện kiểm toán chuyên đề về việc quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, 25 địa phương và tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV). Kết quả cho thấy, thực trạng quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản trong những năm qua còn tồn tại nhiều hạn chế, thiếu sót. Sử dụng tài nguyên còn lãng phí, khiến nguồn tài nguyên, khoáng sản đứng trước nguy cơ bị cạn kiệt.

Nhiều địa phương “tận thu” để phát triển kinh tế, nên khai thác khoáng sản bừa bãi không quy hoạch, gây suy thoái môi trường và làm mất cân bằng sinh thái, nhất là các hoạt động khai thác than, quặng kim loại và vật liệu xây dựng của các doanh nghiệp.

Chúng tôi đã có kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, trong đó dứt khoát quan điểm cần phải khai thác hiệu quả khoáng sản, phát triển ngành công nghiệp khai khoáng để góp phần tăng trưởng kinh tế, nhưng tài nguyên khoáng sản là tài sản hữu hạn, chỉ nên khai thác khi công nghệ đủ điều kiện, tránh lãng phí, khai thác xong phải chế biến, tinh chế và sử dụng tối đa trong nước, hạn chế xuất khẩu thô.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục