Điều gì xảy ra nếu EVN tăng giá điện?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong trường hợp EVN tăng giá điện theo đúng cơ chế thị trường, các doanh nghiệp trong nước sẽ khó tồn tại, kéo theo hệ lụy xã hội rất lớn.
Điều gì xảy ra nếu EVN tăng giá điện?

“EVN chịu lỗ đã tạo ra một lợi ích rất lớn về mặt xã hội”

Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến kết quả sản xuất kinh doanh lỗ khoảng 31.000 tỷ đồng. Nguyên nhân do thông số đầu vào tăng mạnh như: giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới, cùng với đó là chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường.

Theo đó, EVN đã kiến nghị Bộ Công thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Việc EVN báo lỗ nhiều tháng qua và đề xuất tăng giá điện đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi trong chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư tổ chức đầu tuần qua, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương không cho là như vậy.

“Chúng ta hãy đặt ngược lại vấn đề, nếu như EVN được quyền điều chỉnh giá theo những biến động của cơ chế thị trường thì điều gì sẽ xảy ra?”, ông Tú Anh đặt câu hỏi.

Ông Tú Anh lấy ví dụ, ở châu Âu, giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường. Đơn cử như năm 2022, giá điện châu Âu đã tăng 10 - 12 lần, có nước tăng đến 14 lần so với năm 2020.

Tuy nhiên, Việt Nam có đến hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhưng lại tạo ra việc làm chính cho nền kinh tế, nếu tăng giá điện, liệu những doanh nghiệp này có tồn tại được khi chi phí năng lượng đang quá lớn? Nếu doanh nghiệp không thể hoạt động, ngoài việc ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ không thể tạo ra việc làm, thu nhập người dân sẽ giảm sút.

“Như vậy, có bao nhiêu hộ gia đình Việt Nam không thể sử dụng điện vì chi phí quá lớn? Bao nhiêu hộ gia đình có thể rơi trở lại nghèo đói? Tôi nghĩ, việc EVN chịu lỗ đã tạo ra một lợi ích rất lớn về mặt xã hội, lợi ích đó đã đóng góp vào tăng trưởng hơn 8% vào năm 2022. Chúng ta cần phải ghi nhận điều đấy”, TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Việt Nam không có cơ chế để tính đúng, tính đủ chi phí mà các doanh nghiệp nhà nước phải bỏ ra để tạo ra lợi ích xã hội.

Cả xã hội được hưởng lợi nhờ khoản thua lỗ 31.000 tỷ đồng của EVN, thì có lẽ xã hội cũng cần phải sòng phẳng trả lại cho EVN những chi phí họ phải bỏ ra”, ông Tú Anh nêu quan điểm.

Trong Nghị quyết 12, Trung ương 5, khóa XII của Đảng đã đề cập đến việc cần tách bạch các hoạt động kinh doanh và hoạt động mang tính chất chính trị. Theo đó, hoạt động mang tính chất chính trị cũng cần trên cơ chế thị trường, chi phí đội lên bao nhiêu, xã hội được hưởng lợi thì cần có cơ chế bù đắp điều đó.

TS. Tú Anh lấy dẫn chứng, để đảm bảo sự phát triển hài hòa của đất nước, cần phải có các doanh nghiệp hoạt động ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, chi phí kinh doanh sẽ đắt hơn rất nhiều so với miền xuôi, khả năng chi trả của người dân cũng rất thấp. Nếu để cơ chế thị trường vận động một cách bình thường sẽ không thu hút được doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện điều này. Do đó, theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp phải đạt một mức giá cao hơn để bù đắp chi phí.

Doanh nghiệp có thể vượt qua thua lỗ trong năm 2023

Ông Tú Anh đánh giá, trong phạm vi, quyền hạn của mình, các doanh nghiệp đã nỗ lực rất tốt, do đó mà tốc độ tăng của doanh nghiệp nhà nước luôn cao hơn tốc độ tăng trung bình đầu tư toàn xã hội.

Vậy nên, thị trường có thể tin tưởng rằng năm 2023, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công, tăng giải ngân cho các dự án lớn, doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra đòn bẩy lớn cho nền kinh tế. Những doanh nghiệp bị thua lỗ trong năm 2022 có thể vượt qua vấn đề này do những vấn đề khách quan. Đơn cử, EVN được điều chỉnh giá theo lộ trình; Tổng công ty Đường sắt cũng được đầu tư hơn.

“Tôi nghĩ, để có một sự thay đổi mang tính chất bước ngoặt vào năm 2023 là chưa có, nhưng rõ ràng, nền kinh tế cũng kỳ vọng vào hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước rất lớn, vì đầu tư của doanh nghiệp nhà nước không chỉ là tăng trưởng kinh tế trước mắt, mà còn tạo nền móng tăng trưởng về mặt lâu dài. Tôi vẫn lạc quan vào năm 2023, nhưng để cho một sự thay đổi về chất có lẽ là chúng ta cần chờ sự thay đổi rất lớn về thể chế, quản trị’, TS. Tú Anh nói.

Vào cuối tháng 2 này, dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ có buổi làm việc với các doanh nghiệp nhà nước, ông Tú Anh kỳ vọng, thông qua hội nghị này, Nhà nước có thể sắp xếp được thứ tự ưu tiên và lộ trình giải quyết vấn đề theo từng bước.

“Nếu chúng ta xây dựng được một lộ trình giải quyết được các vấn đề tồn đọng hiện nay thì đấy là một sự thành công rất lớn của hội nghị này”, TS. Nguyễn Tú Anh nói.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục