Điệp khúc đội vốn tại nhiều dự án giao thông trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
Có đến hàng chục dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM lặp đi lặp lại tình trạng tăng vốn. Đến nay, Thành phố vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn vấn nạn này.

Cứ chậm là tăng vốn

Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM vừa trình Hội đồng Thẩm định TP.HCM Dự án Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (nối quận 1, quận 4 và quận 7). Sau khi thẩm định xong, UBND TP.HCM sẽ trình HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp trong tháng 12/2023.

Sở dĩ TP.HCM phải thẩm định lại dự án trên, bởi Dự án được phê duyệt từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 1.250 tỷ đồng, song đến nay vẫn chưa thể khởi công, nên tổng mức đầu tư đã tăng lên 3.725 tỷ đồng (tăng 2.450 tỷ đồng).

Một dự án trọng điểm khác là Dự án mở rộng Quốc lộ 13, dù đã lên kế hoạch mở rộng từ năm 2002, rồi trải qua 3 lần thay đổi chủ đầu tư, nhưng đến nay vẫn chưa làm được. Từ tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.600 tỷ đồng, vốn đầu tư dự án này đã tăng lên gần 10.000 tỷ đồng (tăng gần 8.400 tỷ đồng). Hàng loạt dự án trọng điểm khác cũng tăng vốn hàng ngàn tỷ đồng, như Dự án cầu đường Bình Tiên (nối quận 6 với quận 8), tổng mức đầu tư tăng từ 2.400 tỷ đồng lên hơn 6.200 tỷ đồng; nút giao Mỹ Thủy (TP. Thủ Đức) từ 1.998 tỷ đồng tăng lên 3.622 tỷ đồng.

Không chỉ dự án có vốn hàng ngàn tỷ đồng, mà các dự án nhỏ hơn cũng đội vốn triền miên, như dự án như cầu Tăng Long tăng từ 450 tỷ đồng tăng lên 688 tỷ đồng; cầu Ông Nhiêu từ 425 tỷ đồng tăng lên hơn 763 tỷ đồng.

Xem ra, tình trạng chậm tiến độ tại các dự án giao thông ở TP.HCM đang là “căn bệnh” trầm kha. Hễ dự án nào chậm tiến độ là vốn tăng, dẫn đến phải điều chỉnh dự án.

Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM báo cáo UBND Thành phố về tình hình thực hiện các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn với những con số đáng báo động. Trong danh sách 34 dự án giao thông trọng điểm năm 2023, tổng mức đầu tư 280.472 tỷ đồng, tất cả đều chậm tiến độ.

Trong đó, có 21 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thi công, như tuyến metro số 1, metro số 2, mở rộng Quốc lộ 50, Vành đai 3 TP.HCM, đường Vành đai 2 (từ đoạn Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa), nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy… đều chậm tiến độ.

Dự án chuẩn bị đầu tư cũng chậm, khiến người dân bức xúc. Cụ thể, 13 dự án chuẩn bị đầu tư, như cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 4 TPHCM, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ… không đáp ứng được tiến độ đề ra.

Lý do chậm tiến độ được Sở GTVT TP.HCM báo cáo hầu như đều là những nguyên nhân quen thuộc, lặp đi lặp lại từ những năm trước như công tác bàn giao mặt bằng chậm; các thủ tục liên quan đến điều chỉnh dự án còn chậm; một số chủ đầu tư thiếu chủ động, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện dự án…

Siết trách nhiệm

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) cho biết, Ban Quản lý đang thực hiện hơn 200 dự án giao thông lớn nhỏ. Trong đó, với 75 dự án đang triển khai, thì có đến 28 dự án đang chờ mặt bằng, 29 dự án đang thi công, nhưng vẫn chưa có mặt bằng. Các cây cầu Nam Lý, Thăng Long, Ông Nhiêu, đường Lương Định Của… đang thi công dở dang thì dừng lại vì chưa được bàn giao mặt bằng, dẫn đến dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư.

“Ban bức xúc, sốt ruột lắm, nhưng cũng chỉ phối hợp trình hệ số giá, duyệt phương án, còn phần đền bù chi trả tiền cho người dân là của địa phương”, ông Phúc nói và cho biết, cần có bước đột phá trong giải phóng mặt bằng để đưa các dự án về đích đúng tiến độ.

Qua giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết, một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ, tăng vốn các dự án đầu tư công là do vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Bà Lệ cho rằng, cần vận dụng Nghị quyết số 98/2023/QH15 với nhiều phương án bồi thường khác nhau và bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đây là tiền đề để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, từ đó đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, tránh việc điều chỉnh dự án nhiều lần.

Để giải quyết tình trạng hàng loạt dự án giao thông tăng vốn suốt nhiều năm qua, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, vấn đề mấu chốt là quy trách nhiệm.

Ông Cương cho rằng, để “trị bệnh” dự án tăng vốn, chậm tiến độ, chính quyền Thành phố cần thực hiện nghiêm bằng kỷ luật, dự án chậm ở khâu nào, đơn vị nào làm chậm cần phân định rõ ràng trách nhiệm để xử lý nghiêm khắc. “Hiện nay, việc xử lý trách nhiệm vẫn còn chung chung. Chỉ khi xử lý nghiêm được trách nhiệm của từng người ở từng khâu cụ thể, thì may ra tình trạng đội vốn tại các dự án mới có chuyển biến”, ông Cương nói.

T.V
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục